Sáng 12/11, phóng viên NTNN đã đến cảng Cái Rồng, Vân Đồn. Chỉ 30 giờ trước, vùng biển này là nơi kinh hoàng với mọi người bởi cơn bão số 14 đổ vào với mưa lớn và gió giật cấp 13 tàn phá.
Mất mát chồng mất mát
Chúng tôi đến khu nuôi trai lấy ngọc của Công ty Taiheiyo Shinju Việt Nam – một trong những liên doanh nuôi trồng và gia công ngọc trai lấy ngọc lớn nhất nước ta. Trong diện tích 30ha tại đảo Nhiêu Tân và Cống Đỏ thuộc xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, đơn vị này đang nuôi thả gần 30 triệu con trai.
Ngôi nhà điều hành làm việc bị đánh bạt xiêu vẹo, những bè nuôi trai bị bão đánh dạt và vài chiếc thuyền mà công nhân dùng để đi lại bị đánh vỡ nát. Anh Nguyễn Văn Cường – Giám đốc điều hành Công ty Taiheiyo Shinju Việt Nam cho biết, bão cuốn đi 15 vạn con trai đã nuôi ngọc thành phẩm dự kiến cuối tháng 11 này sẽ cho thu hoạch.
Đối với con trai boga chuẩn bị đưa vào cấy ngọc cũng bị mất trên 20 vạn. Còn với con trai giống bị mất hơn 10 triệu con. Thống kê ban đầu, công ty bị thiệt hại hơn 11 tỷ đồng. “Nghe tin này, ông giám đốc người Nhật Bản đã bật khóc trên điện thoại” – một nhân viên kể.
Anh Đặng Trung Hội cùng gia đình vớt vát những con cá song trong lồng bè bị vò nát.
Thấy bác Hoàng Văn Thảo đang cố kéo những chiếc lồng bè bị bão đánh dạt còn sót lại, chúng tôi đến hỏi thăm. Bác Thảo rầu rĩ nói: “12 lồng bè nuôi hàng triệu con hàu giờ chỉ còn vài lồng không này thôi, các anh hỏi làm gì. Vụ tu hài chết vì dịch năm 2012 xong, chúng tôi đã trắng tay, tôi phải cầm sổ đỏ cho ngân hàng để lấy vốn nuôi hàu cứu lại. Ai ngờ… Các anh phải hỏi là bây giờ gia đình các bác sẽ ở đâu chứ?”.
>> UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến ngày 12.11, thiệt hại về tài sản do bão số 14 đã tăng lên 200 tỷ đồng: Tàu thuyền bị hỏng 90 chiếc; 360m bè mảng nuôi trồng thủy hải sản bị phá hỏng, 3.360m nhà lưới hư hỏng, 1.586ha hoa màu hư hại… |
Cơ nghiệp đổ sông đổ biển
Rời điểm nuôi của bác Hải, chúng tôi đến vụng nuôi tu hài, cá song, hàu của anh Đặng Trung Hội rộng hơn 8ha. Do đây là vụng kín nên các lồng bè nuôi không bị trôi đi nhiều mà phần lớn bị vò nát và cuốn vào nhau. Theo anh Hội, thì khu nuôi này của anh và nhiều người thân trong gia đình cùng chung sức nuôi thả. “Trong 300 lồng bè nuôi tu hài, hàu, cá song, sau bão chỉ còn 30 lồng” – anh Hội rơm rớm nước mắt.
Chúng tôi ghé qua bè nuôi trồng thủy sản của gia đình chị Nguyễn Thị Hợp ở Khu 7, thị trấn Cái Rồng. Vừa hỏi thăm thiệt hại, nước mắt chị Hợp đã trào ra. Chị cho hay: Trong gần 4 năm nay, gia đình tôi đổ mồ hôi chăm sóc, 8.000 con cá song trong 40 lồng nuôi, đã cho gần 5kg/con. Vậy mà giờ chỉ còn lại 2 tạ cá song chết, khách trả 70.000 đồng/kg, bằng 1/3 giá thường đổ… “Mọi cơ nghiệp đổ hết xuống sông xuống biển rồi anh ạ” – chị Hợp nghẹn ngào gạt nước mắt.
Ông Nguyễn Quang Ninh – Phó phòng NNPTNT huyện Vân Đồn cho biết: Tại Vân Đồn, trong năm 2012 dịch bệnh đã giết chết hết tu hài của hơn 800 hộ dân. Thiệt hại lên đến 300 tỷ đồng. Tất cả dân nuôi đều điêu đứng. Phần lớn sau đó chuyển sang nuôi cá song và hàu nhưng cơn bão đã phá hết. Nhiều nhà đã cắm sổ đỏ để dồn vào lứa nuôi này không biết sau đây cuộc sống sẽ ra sao…
Theo báo cáo của huyện Vân Đồn, cơn bão số 14 đã làm 105 nhà bè trôi dạt, vỡ nát; số ô lồng nuôi bị vỡ, mất cá nuôi là 94 ô (tại Cảng Cái Rồng), 10 tấn ốc hương bị thiệt hại…
>> Nam Định: Hơn 20.000ha rau màu bị hư hại Theo ông Đặng Ngọc Thắng – quyền Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Nam Định, bão đã gây thiệt hại cho hơn 20.000ha cây rau màu vụ đông chủ yếu là khoai tây, cà chua, dưa, bí, đậu tương… Cùng với đó là có khoảng 600ha diện tích lúa Tám thơm và lúa đặc sản sắp đến vụ thu hoạch, hàng nghìn ha nuôi trồng thủy sản bị hư hại. Trần Quang Hải Phòng: Tôm chết, ngao trôi TP. Hải Phòng có hơn 3.000ha hoa màu bị hư hại, gần 1.500ha cây ăn quả bị đổ… Bà Trần Thị Nghĩa – Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NNPTNT Hải Phòng cho biết: Qua rà soát trên địa bàn, các huyện Thủy Nguyên, Tiên Lãng, Vĩnh Bão, An Dương là những địa phương thiệt hại về hoa màu nhiều nhất. Tại các huyện Thủy Nguyên và Tiên Lãng có các vùng chuyên canh trồng dưa, gần đến ngày thu hoạch lại gặp bão; còn tại huyện Vĩnh Bảo, vùng trồng ớt cũng hư hại nhiều. Khu vực xã An Hòa, huyện An Dương có khoảng hơn 100ha mướp bị đổ giàn. Trên địa bàn Hải Phòng, duy nhất có quận Đồ Sơn bị thiệt hại về thủy sản. Theo bà Hoàng Thị Lập-Chủ tịch Hội Nông dân quận, tại các đầm nuôi tôm cao sản, mưa làm thay đổi nguồn nước khiến rất nhiều tôm bị nuôi chết. Còn tại phường Bàng La – nơi có diện tích nuôi ngao lớn, sóng to đánh tràn vào khiến ngao trôi đi… Trần Phượng
Sẽ hỗ trợ bằng cả giống và tiền Chiều 12/11, ông Phạm Đồng Quảng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, đến thời điểm này theo thống kê sơ bộ, bão số 14 gây thiệt hại khá nặng nề về hoa màu tại các tỉnh phía Bắc với diện tích lên tới gần 50.000ha, trong đó có 25.000ha bị thiệt hại nặng, tập trung ở Nam Định, Hà Nam, Nam Định và Thái Bình. Những loại cây trồng bị thiệt hại chủ yếu là ngô, ớt, đậu đỗ, dưa chuột. Do đó, biện pháp ngay trước mắt là bà con nông dân cần khẩn trương rút nước ra khỏi ruộng, đồng thời tiến hành bón phân qua lá, sau đó bón lân pha loãng để cho cây nhanh phục hồi. Còn đối với cây trồng không thể khôi phục được, thì nhanh chóng làm đất để trồng cây khác thay thế. Bộ NNPTNT đã đề nghị các địa phương có diện tích bị thiệt hại nhanh chóng có báo cáo về bộ, từ đó bộ sẽ trình Thủ tướng xem xét quyết định hỗ trợ bà con nông dân theo Quyết định 142 về thiệt hại do thiên tai. “Trước mắt, chúng tôi đang xem xét khả năng kiến nghị hỗ trợ theo 2 hình thức bằng cả tiền và giống. Trong những ngày tới, Bộ NNPTNT cũng sẽ tiến hành đi các tỉnh để kiểm tra tình hình thiệt hại” – ông Quảng cho biết. Ngọc Lê |