(TSVN) – Việt Nam là một trong những nước có đa dạng sinh học lớn của thế giới, đặc biệt là hệ sinh thái biển. Tuy nhiên, dưới sức ép suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản và mức độ ô nhiễm đại dương gia tăng, việc bảo vệ các loài thủy sản và vùng biển đang đặt ra cấp bách. Vì thế, vai trò của các khu bảo tồn biển đang ngày càng được khẳng định.
Theo các nhà nghiên cứu, vị trí, địa lý và khí hậu vùng biển nước ta đã tạo nên tính đa dạng sinh học cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới ở cả cấp độ đa dạng về cấu trúc thành phần loài, đa dạng hệ sinh thái và đa dạng nguồn gen. Trong đó bao gồm đầy đủ các hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình như rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, vùng triều, đầm phá phân bố rộng ở vùng biển ven bờ và các ven các đảo. Biển Việt Nam còn được coi là nơi có mức độ đa dạng sinh học ở cấp độ thành phần loài cao. Đến nay, trong vùng biển Việt Nam đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình. Trong đó, khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2.038 loài cá, trên 100 loài cá kinh tế, hơn 300 loài san hô cứng, 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du, 537 loài thực vật phù du, 94 loài thực vật ngập mặn, 225 loài tôm biển, 14 loài cỏ biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển và 5 loài rùa biển. Đặc biệt, mức độ đa dạng loài cũng thể hiện sự không đồng nhất giữa các vùng sinh thái do sự chi phối của điều kiện tự nhiên và môi trường biển…
Một phần vùng biển Cù Lao Chàm. Ảnh: ST
Tuy nhiên, hiện nay vùng biển của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề gây ra bởi ô nhiễm môi trường, khai thác quá mức… dẫn tới sự suy giảm về đa dạng sinh học, phá hủy hệ sinh thái biển vốn đã mong manh và gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Chính vì vậy, để bảo vệ môi trường biển cũng như hệ sinh thái đại dương, việc nghiên cứu thiết lập các khu bảo tồn biển luôn được đặt ra cấp thiết và hiện là một trong những ưu tiên quan trọng trong phát triển kinh tế biển.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có “biển bạc”, thế nhưng, để có thể phát triển kinh tế biển một cách hiệu quả và bền vững, việc bảo tồn biển đặc biệt cần thiết nhằm bảo vệ đa dạng sinh học biển.
Chính vì vậy, ngay từ năm 1995, trong Kế hoạch Hành động đa dạng sinh học quốc gia được Chính phủ phê duyệt đã đề cập đến công tác bảo tồn biển và vùng ven biển. Tiếp sau đó, việc nghiên cứu xây dựng quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam cũng đã được các bộ, ngành liên quan nhen nhóm thực hiện.
Năm 1998, Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng đã xác định mục tiêu “Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000”. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, diện tích bảo tồn biển chiếm ít nhất 4% và tăng lên 6% vào năm 2045.
Đến năm 2010, việc xây dựng và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn biển đã được “danh chính ngôn thuận” sau khi Thủ tướng Chính phủ chính thức ký ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020.
Quy hoạch này đặt ra mục tiêu xây dựng hệ thống khu bảo tồn biển nhằm bảo vệ các hệ sinh thái, các loài thủy sinh vật biển có giá trị kinh tế, khoa học; góp phần phát triển kinh tế biển, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân các địa phương ven biển. Cụ thể, sẽ thiết lập và đưa vào hoạt động 16 khu bảo tồn biển, có ít nhất 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam nằm trong khu bảo tồn biển và khoảng 30% diện tích của từng khu bảo tồn biển được bảo vệ nghiêm ngặt; Phát triển mô hình quản lý cộng đồng do cộng đồng dân cư địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia xây dựng và quản lý khu bảo tồn biển, nhằm khai thác, sử dụng các khu bảo tồn biển có hiệu quả tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái…
Việc xây dựng các khu bảo tổn biển rất cần thiết, bởi theo số liệu của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, các khu bảo tồn biển sở hữu gần 70.000 ha rạn san hô, 20.000 ha thảm cỏ biển và một phần rừng ngập mặn, trong đó đa số các bãi giống, bãi đẻ và nơi cư trú của các loài thủy sản và có gần 100 loài đặc hữu, nguy cấp.
Có thể thấy, các khu bảo tồn biển đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các sinh cảnh và loài quan trọng, quý, hiếm. Đồng thời, đây còn là “bãi đẻ” và ương dưỡng con non của các loài thủy sinh, phục hồi hệ san hô, giúp duy trì tốt trữ lượng hải sản. Hơn nữa, các khu bảo tồn biển cũng tự tăng thêm giá trị khi mở ra cơ hội phát triển du lịch, tạo thêm sinh kế mới cho người dân địa phương bên cạnh nghề khai thác truyền thống…
Hồng Hà