Sáng 2/11, tại Phú Quốc (Kiên Giang), Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp bảo vệ và phát triển nước mắm truyền thống gắn với bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi cá cơm”. Tham dự có đại diện Bộ Y tế, Công thương, KH&CN, lãnh đạo và ngư dân đánh bắt cá cơm ở tỉnh Kiên Giang, nhiều chủ cơ sở sản xuất nước mắm trong cả nước.
Thông tin tại hội nghị, cả nước có 2.900 cơ sở sản xuất nước mắm, tổng công suất một năm 215 triệu lít; trong đó, 273 cơ sở có công suất một năm từ 100.000 lít trở lên. Trong số các cơ sở chế biến lớn, vùng Tây Nam Bộ chiếm 45,7%.
Viện Nghiên cứu Hải sản cho biết, trữ lượng cũng như sản lượng khai thác cá cơm ở vùng biển Tây Nam bộ giảm 20 – 30% trong chục năm qua. Về trữ lượng cá cơm, từ 172.000 tấn trong giai đoạn 2004 – 2005, còn 130.000 – 152.000 tấn ở giai đoạn 2012 – 2015. Sản lượng khai thác, một năm từ 120.000 tấn ở giai đoạn 2004 – 2006, xuống còn 83.000 tấn giai đoạn 2014 – 2015. “Cường lực khai thác cá cơm đã vượt cường lực khai thác bền vững tối đa”, Viện Nghiên cứu Hải sản kết luận. Nguồn cá cơm không đáp ứng đủ cho sản xuất nước mắm, nhiều nhà thùng ở Phú Quốc đã phải giải thể. Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, năm 2011 -2012, Phú Quốc có 100 hộ sản xuất nước mắm, đầu năm 2016 chỉ còn 56 hộ (giảm 44%). Về sản lượng, năm 2011 – 2012, Phú Quốc sản xuất 25 – 30 triệu lít nước mắm, còn hiện nay cá cơm chỉ đáp ứng 50 – 60% nhu cầu nên dự kiến cả năm chỉ đạt khoảng 20 triệu lít.
Cần bảo tồn cá cơm Việt Nam
Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối cảnh báo: “Việc khai thác “tận diệt”, không có chính sách hướng tới duy trì, bảo tồn và khai thác lâu dài dẫn đến kết quả là không còn nguyên liệu để sản xuất. Tất yếu sản phẩm nước mắm cá cơm Tây Nam sẽ vắng bóng trên thị trường”.
Các đại biểu dự hội nghị cho rằng, để duy trì trữ lượng ở trạng thái cân bằng vì mục tiêu sử dụng bền vững nguồn lợi thì việc điều chỉnh giảm áp lực khai thác đối với nhóm cá cơm. Cần đưa ra chính sách khai thác, bảo tồn nguồn lợi cá cơm vùng Tây Nam bộ ngay từ bây giờ (quy định sản lượng, mùa vụ và nghề đánh bắt cá cơm), loại bỏ những nghề đánh bắt hải sản ảnh hưởng đến môi trường sống của cá cơm. Về sản xuất nước mắm, tăng cường liên kết và hợp tác giữa các cơ sở, chủ động hơn trong truyền thông, xây dựng thương hiệu. Nhà nước có chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại. Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối đề xuất đưa “Nghề sản xuất nước mắm truyền thống” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia để bảo tồn và phát triển.