Bảo tồn giá trị đa dạng sinh học biển Lý Sơn

Chưa có đánh giá về bài viết

Với phương châm “Bảo tồn cho phát triển và phát triển để bảo tồn”, Phó Giám đốc Huỳnh Ngọc Dũng – Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Lý Sơn, cho rằng, việc thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn có ý nghĩa và hiệu quả về môi trường sinh thái, hạn chế đến mức thấp nhất sự suy giảm về đa dạng sinh học…


San hô dưới đáy biển ven bờ nằm trong Khu Bảo tồn biển Lý Sơn. Ảnh: Nguyễn Trang

Đặc trưng hệ sinh thái biển

Khu bảo tồn biển Lý Sơn được thiết lập trên diện tích 7.925 ha, trong đó diện tích mặt nước biển là 7.113 ha chia thành 3 vùng chức năng: vùng bảo vệ nghiêm ngặt 620 ha,vùng phục hồi sinh thái 2.024 ha, vùng phát triển 4.469 ha và 1 vành đai bảo vệ có độ rộng tối thiểu là 500 m, tối đa 1.000 m tính từ ranh giới ngoài của khu bảo tồn biển, diện tích khoảng 2.500 ha.

Khu bảo tồn biển Lý Sơn thể hiện sự hiện diện của các kiểu hệ sinh thái điển hình ở vùng biển đảo, các bãi bờ đá bazan phân bố trên nền cát đáy, đến các bãi biển, các bãi triều, thảm cỏ biển, rong biển và đến rạn san hô đã hình thành nên 3 hệ sinh thái đặc trưng như: hệ sinh thái vùng triều, hệ sinh thái thảm cỏ biển và hệ sinh thái rạn san hô. Vùng biển Lý Sơn được xem như là một trong những vùng biển có độ đa dạng sinh học cao với các hệ sinh thái điển hình như rạn san hô, thảm cỏ biển, hệ sinh thái vùng triều.

Theo báo cáo kết quả khảo sát điều tra tổng thể hiện trạng môi trường và đa dạng sinh học các hệ sinh thái ven biển Việt Nam của TS. Nguyễn Văn Quân và TS. Nguyễn Đăng Ngải, trong 19 đảo đã khảo sát, khu vực ven đảo Lý Sơn có diện tích rạn san hô lớn thứ 2 sau đảo Phú Quý, với diện tích 1.704 ha. So sánh tính chất đa dạng về thành phần loài của quần xã các rạn san hô vùng biển quanh đảo Lý Sơn với các vùng rạn san hô khác của Việt Nam thì đây là một trong các khu vực được xếp vào thứ hạng cao nhất, tương đương với thành phần loài tại Cù Lao Chàm.Về thành phần họ, giống và loài, vùng biển Lý Sơn được xếp vào những khu vực có độ đa dạng cao về cá biển, chỉ đứng sau Cù Lao Chàm và vịnh Nha Trang.

Việc thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn có ý nghĩa và hiệu quả về môi trường sinh thái, hạn chế đến mức thấp nhất sự suy giảm về đa dạng sinh học, phục hồi được các hệ sinh thái đã và đang có nguy cơ bị phá hủy, bảo vệ giống loài và nguồn gen quý hiếm, khôi phục nguồn lợi để phát tán ra các vùng lân cận làm tăng năng suất sinh học của vùng.

Thách thức trong quản lý


Bảo tồn đa dạng sinh học góp phần cải thiện giữ gìn sinh kế ven bờ cho người dân Lý Sơn. Ảnh: Nguyễn Trang

Theo ông Huỳnh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Lý Sơn, Ban Quản lý đã và đang đẩy mạnh các hoạt động quản lý nhà nước về hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi trong các hệ sinh thái biển như ngăn chặn đẩy lùi tình trạng khai thác nguồn lợi ven bờ theo phương pháp hủy diệt, bất hợp pháp, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Tuy nhiên quá trình bảo vệ Khu bảo tồn biển Lý Sơn cũng đang đứng trước những khó khăn và thách thức từ thiên nhiên và con người. Hằng năm, Lý Sơn chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như áp thấp nhiệt đới, bão, dông tố, hạn hán đã làm hủy hoại nhiều thảm cỏ biển và rạn san hô ven bờ, tình trạng môi trường biển bị ô nhiễm bởi rác thải cũng gây ảnh hưởng đến nguồn nước biển, làm mất các bãi đẻ, bãi giống, gây ảnh hưởng đến sự sinh sản, sinh trưởng và vòng đời của chúng.

Về phát triển kinh tế và đô thị hóa, Lý Sơn được xác định là đảo tiền tiêu của Tổ quốc, mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng, an ninh. Vì vậy trong những năm gần đây, Trung ương và các cấp, ngành đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, một số ngành kinh tế phát triển ào ạt, không theo quy hoạch sẽ chia cắt các phân khu chức năng khu bảo tồn biển, làm mất cân bằng sinh thái, phá vỡ cảnh quan môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thủy sinh.

Cùng đó, các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái rộng lớn, bao quanh cả đảo Lớn và đảo Bé. Vì vậy, các vùng nuôi trồng thủy sản, các công trình giao thông đường thủy, cảng biển, khu neo trú tàu cá nằm đan xen liền kề với vùng cấm, nên khó khăn cho việc quản lý. Chưa kể, nguồn nhân lực còn yếu do, bảo tồn biển là một lĩnh vực mới nhất ở tỉnh Quảng Ngãi, là một chuyên ngành hẹp, đòi hỏi phải có chuyên môn sâu. Ngoài ra, sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác các loài thủy sản vẫn xảy ra với nhiều chiêu bài, thủ đoạn để phi tang vật chứng nên gây khó khăn rất lớn cho cả Ban Quản lý và các lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn huyện.

Để nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển đảo Lý Sơn, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn sẽ tiếp tục tuyên truyền, đồng thời cải thiện sinh tế, tăng cường công tác tuần tra, xử lý các hành vi xâm hại Khu bảo tồn, nghiên cứu khoa học, giải pháp tài chính…

>> Năm 2019, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn sẽ cố gắng hoàn chỉnh và trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ cho số ngư dân bị ảnh hưởng khi thực hiện quy chế quản lý Khu bảo tồn, trước mắt có hỗ trợ gạo, hỗ trợ tiền dầu, hỗ trợ kinh phí để chuyển đổi nghề.

Nguyễn Trang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!