(TSVN) – Sáng ngày 27/9, tại Hải Phòng, Cục Thủy sản phối hợp với Sở NN&PTNT Hải Phòng, Viện Nghiên cứu Hải sản tổ chức Hội thảo: “Bảo vệ môi trường trong chế biến thủy sản”. Đây là dịp để các bên cùng tìm ra các giải pháp ưu việt, khả thi và phù hợp nhất cho mỗi địa phương trong phát triển kinh tế biển, kinh tế thủy sản; để kinh tế biển thực sự là động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam nói chung và các địa phương có biển nói riêng trong thế kỷ của “biển và đại dương”.
Mở đầu Hội thảo, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Cục Thủy sản đã trình bày Đề án phát triển ngành thủy sản và đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021-2030.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Theo Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản quy mô hàng hóa lớn, hiện đại, an toàn, hiệu quả và bền vững; là trung tâm và động lực cho phát triển chuỗi giá trị thủy sản; gắn với kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và chiến lược phát triển ngành thủy sản; nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản đứng top 5 thế giới vào năm 2030; phát huy tối đa lợi thế nguồn nguyên liệu trong nước, hài hòa với việc mở rộng thị trường nhập khẩu nguyên liệu hợp pháp.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Cục Thủy sản trình bày các Đề án.
Song song với đó, đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản theo QĐ 911/ QĐ-TTg được Phó Thủ tướng ký ngày 29/7/2022 cũng nhấn mạnh mục tiêu chung là đảm bảo kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản; phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Việc triển khai thực hiện các đề án này đều được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao nhằm phát triển thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, hình thành các tập đoàn chế biến thủy sản hàng đầu thế giới, đảm bảo nguồn gốc của nguyên liệu chế biến, đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn trong thủy sản, đặc biệt tăng cường thương hiệu tôm và cá tra của Việt Nam.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã được nghe tham luận về công tác triển khai hai đề án vừa nêu tại một số địa phương tiêu biểu như Hải Phòng, Thanh Hóa, nơi có rất nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản và có nhiều làng nghề truyền thống. Các đại biểu cho rằng hạn chế lớn nhất hiện nay là vẫn còn nhiều cơ sở chế biến nhỏ lẻ nên khó kiểm soát ô nhiễm môi trường, khó thu gom được nước thải, rác thải ra biển. Đại diện ngành nông nghiệp các địa phương mong muốn xây dựng biện pháp bảo vệ môi trường làng nghề cụ thể, có các mô hình đồng quản lý làng nghề. Điều này từng được áp dụng thí điểm cho một cơ sở chế biến nước mắm tổng hợp ở Quảng Trị mang lại hiệu quả, thậm chí địa phương này đã đạt được tiêu chí nông thôn mới.
Ông Nguyễn Hữu Miền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần chế biến xuất khẩu thủy sản Hạ Long.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Miền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần chế biến xuất khẩu thủy sản Hạ Long (trụ sở chính ở Hải Phòng) đã đưa ra những khó khăn chung mà nhiều doanh nghiệp gặp phải hiện nay đó là chúng ta vẫn còn thiếu quy hoạch vùng, vẫn chưa có vùng nào ưu tiên chế biến thủy sản mà chủ yếu hình thành tự phát. Ước vọng của doanh nghiệp sản xuất là có chính sách định hình cho ngành thủy sản, bản đồ định vị vùng nuôi an toàn, khu vực hộ nuôi an toàn, điều này sẽ đảm bảo chất lượng chế biến. Không những vậy, các nhà chuyên môn cũng cần tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền tổ chức hội thảo cho một chuỗi từ người nuôi đến doanh nghiệp để mọi người đều nhận thức được việc xây dựng các sản phẩm thủy sản mang tầm thương hiệu quốc gia.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản tổng kết Hội thảo
Sau khi nghe tham luận và đóng góp từ các đại biểu, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản khẳng định: triển khai đề án chế biến và bảo vệ môi trường trong thủy sản là yêu cầu tất yếu. Việc thúc đẩy thực hiện đề án là rất cần thiết. Để thị trường nội địa đạt được các tiêu chuẩn đó thì chúng ta có rất nhiều việc cần làm trong thời gian tới từ cơ chế, chính sách đến hành động và thay đổi nhận thức của con người. Do vậy các đơn vị cần chi tiết, cụ thể hóa các bước trong đề án để triển khai tại cơ sở. Sức cạnh tranh của mặt hàng thủy sản sẽ càng tụt hậu nếu chúng ta không cố gắng thực hiện, không chịu đổi mới. Xây dựng kinh tế tuần hoàn giảm phát thải sẽ góp phần bảo vệ môi trường chế biến thủy sản. Có thêm nhiều nhà máy, làng nghề xanh- sạch- đẹp sẽ giúp hình ảnh thủy sản Việt Nam tốt hơn.
Thùy Khánh
(bài và ảnh)
>> Theo mục tiêu của đề án phát triển ngành chế biến Thủy sản giai đoạn 2021-2030, cả nước phấn đấu tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến hơn 6%/ năm; Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng đạt trung bình hơn 40%; hơn 70% cơ sở chế biến thủy sản xut khẩu đạt trình độ, năng lực công nghệ sản xuất, giá trị chế biến thủy sản nội địa 40.000-45.000 tỷ đồng; Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14-16 tỷ USD.