(TSVN) – Ngày 29/11/2024, tại Lào Cai, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Phát triển nuôi cá nước lạnh hiệu quả và bền vững tại các tỉnh phía Bắc” với sự tham gia của đông đảo các địa phương có mô hình nuôi cá nước lạnh, Cục Thủy sản, các Viện, trường.
Theo báo cáo tại Diễn đàn, hiện cá nước lạnh (chủ yếu là cá tầm) đã được nuôi tại 21 tỉnh, tập trung tại khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Sản lượng cá nước lạnh tăng nhanh trong thời gian qua. Năm 2007, sau thời gian hai năm đưa về nuôi tại Việt Nam, sản lượng đạt 95 tấn; năm 2010 là 450 tấn và đến năm 2023 đạt hơn 4.668 tấn.
Trong đó, Lâm Đồng và Lào Cai trở thành vùng phát triển sản xuất cá nước lạnh nhanh và lớn nhất, tập trung nhiều cơ sở nuôi quy mô lớn. Năm 2021 sản lượng cá tầm nuôi trong nước đạt 2.400 tấn, năm 2022 đạt 3.252 tấn, năm 2023 đạt 4.303 tần, 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.966 tấn.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp sáng ngày 29/11 tại Lào Cai. Ảnh: Thu Trang
Hiện nay, sản phẩm cá nước lạnh của Việt Nam chủ yếu tiêu thụ là cá tươi sống hoặc cấp đông mà chưa qua các chế biến. Một số ít doanh nghiệp xây dựng mô hình khép kín từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, chế biến và xuất khẩu trứng cá tầm và các sản phẩm thịt cá.
Thị trường tiêu thụ các sản phẩm cá hồi, cá tầm nuôi trong nước chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn, các thành phố phát triển du lịch như Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh,…Được xem là mặt hàng tương đối mới, có giá trị cao, nên những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ cá hồi, cá tầm nuôi trong nước xu hướng gia tăng
Dù đã đạt được các kết quả nhất định, tuy nhiên việc khai thác và sử dụng lợi thế nguồn nước lạnh tại một số địa phương để nuôi cá vẫn còn hạn chế. Điển hình như vẫn còn tình trạng sử dụng nguồn nước lãng phí, nhất là các cơ sở nuôi ở vị trí đầu nguồn. Với hệ thống nuôi như hiện nay phụ thuộc nhiều vào nguồn nước tự nhiên, trong khi đó, các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm lại vào mùa khô, sẽ không đảm bảo nguồn nước cung cấp cho các cơ sở nuôi nên không nâng cao được năng suất. Hơn nữa, nuôi cá nước lạnh còn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ ống, lũ quét, hạn hán. Thực tế, vài năm gần đây, mưa lũ, hạn hán đã gây thiệt hại rất lớn cho các cơ sở nuôi cá nước lạnh.
Tham dự Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ ý kiến về tình hình phát triển nuôi cá nước lạnh tại địa phương, từ đó nêu ra các kiến nghị phù hợp.
Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổng kết các nội dung trao đổi tại Diễn đàn. Ảnh: Thu Trang
Lào Cai là một trong những tỉnh của cả nước phát triển mạnh nghề nuôi cá nước lạnh, phổ biến là cá tầm và cá hồi với trên 1.100 cơ sở, tổng thể tích đạt trên 360.000 m3. Sản lượng đạt khoảng 1.200 tấn, chủ yếu nuôi tại thị xã Sa Pa và các huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên…Việc sản xuất, ương dưỡng giống đã được một số cơ sở trên địa bàn tỉnh sản xuất; còn lại hầu hết là nuôi cá thương phẩm.
Để nghề nuôi cá nước lạnh phát triển hiệu quả, bền vững trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai đề xuất Bộ NN&PTNT xây dựng cơ chế chính sách từ bảo vệ rừng sang quản trị rừng để khai thác phát triển nuôi cá nước lạnh mà vẫn đảm bảo được công tác bảo vệ rừng và môi trường sinh thái, bởi hiện nay tiềm năng nuôi cá nước lạnh tập trung tại các khu rừng tự nhiên ở tỉnh Lào Cai. Bên cạnh đó, tỉnh cũng rất cần các Viện, Trường nghiên cứu, giới thiệu công nghệ nuôi tuần hoàn, tái tạo sử dụng nguồn nước trong nuôi cá nước lạnh với chi phí hợp lý.
Trong khi đó, nhận thức được tiềm năng lợi thế về khí hậu, nguồn nước để phát triển nuôi cá nước lạnh tại một số địa phương trên địa bàn, tỉnh Lai Châu đề xuất hỗ trợ kinh phí cho tỉnh thực hiện một số dự án về nuôi cá lạnh, thí điểm mô hình hệ thống bể tuần hoàn, tái sử dụng nguồn nước tiết kiệm nước để có thể ứng dụng và nhân rộng trong thời gian tới. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết hàng hóa, bố trí kinh phí thực hiện một số tiểu mục dự án Quy hoạch nuôi cá nước lạnh do địa phương đề xuất,…
Bàn về giải pháp nuôi cá nước lạnh theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu tại các tỉnh phía Bắc, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thuỷ sản nước lạnh, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I cho rằng, trước hết cần các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt chẽ nguồn giống nhập khẩu đưa vào thị trường Việt Nam. Đồng thời các trang trại nuôi cần tìm đến các cơ sở sản xuất uy tín, lựa chọn cá giống đảm bảo chất lượng tốt.
Bên cạnh đó, ông Hải cũng khuyến cáo người nuôi lựa chọn loại thức ăn đảm bảo chất lượng. Khi cho ăn, cần tuân thủ đúng quy định về lượng thức ăn và tần suất cho ăn, đảm bảo thức ăn sử dụng vừa đủ, tránh lãng phí. Không chỉ vậy, cần áp dụng các giải pháp kiểm soát môi trường tự động trong hệ thống nuôi nhằm giảm thiểu sức lao động và chủ động kiểm soát điều tiết tốt môi trường nuôi.
Qua nghe các nội trung trao đổi tại Diễn đàn, ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia gợi mở, các tổ khuyến nông cộng đồng sẽ hỗ trợ bà con về phòng chống dịch bệnh. Trung tâm khuyến nông các tỉnh tham mưu về quy hoạch vùng nuôi cá nước lạnh. Các Chi cục, Sở NN&PTNT sẽ quản lý chất lượng cá, trong khi đó người dân tổ chức liên kết với nhau. Điều này sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển, mua thức ăn, con giống. Khuyến nông sẽ tổ chức thêm nhiều mô hình tăng cường truyền thông về chính sách để bà con yên tâm sản xuất.
Các đại biểu tham quan một số sản phẩm trưng bày tại sự kiện. Ảnh: Thu Trang
Thực hiện chương trình Quốc gia về phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung và phát triển nuôi cá nước lạnh nói riêng, đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã và đang triển khai các dự án nuôi cá nước lạnh ứng dụng công nghệ nuôi tuần hoàn, VietGAP,…góp phần phát triển bền vững nghề nuôi cá nước lạnh tại Việt Nam.
Trong đó, một số mô hình đã thực hiện rất thành công như mô hình nuôi cá tầm, cá hồi vân trong bể tại Lào Cai và Lâm Đồng; mô hình nuôi cá tầm trong lồng trên hồ chứa tại các tỉnh Sơn La, Lào Cai; mô hình nuôi cá tầm trong lồng đạt chứng nhận VietGAP tại Đắk Lắk và Lâm Đồng,…
Nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa các mô hình nuôi cá nước lạnh, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã triển khai các giải pháp cụ thể về hoạt động xây dựng mô hình, dự án khuyến nông; đa dạng nội dung và hình thức truyền thông theo hướng “mở”, lấy người nuôi là trung tâm; Thay đổi cách tiếp cận và tư duy trong đào tạo, tập huấn để phù hợp với nhu cầu thực tiễn nuôi thuỷ sản nước lạnh tại các địa phương; Phát triển các loại hình tư vấn, dịch vụ khuyến nông theo nhu cầu sản xuất.
Thùy Khánh
Nhằm phát triển nghề cá nước lạnh, Bộ NN&PTNT và các địa phương có tiềm năng nuôi cá nước lạnh đã ban hành các văn bản pháp quy về phát triển cá nước lạnh. Trong đó, Bộ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển cá nước lạnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021- 2030; Kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT thực hiện Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021- 2030.