(TSVN) – Nguồn lợi thủy sản của nước ta đang suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Việc bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi này là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành. Song song với đó, rất cần mạnh tay để giảm sản lượng khai thác hàng năm.
Theo Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản), các kết quả điều tra, nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy, nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, môi trường sống của các loài thủy sản biển đang có xu hướng suy giảm trên phạm vi cả nước, đặc biệt là vùng ven bờ, một số nơi suy giảm đã đến mức báo động như vùng cửa sông Hàn (Đà Nẵng), một số khu vực thuộc vùng biển Cô Tô và Đảo Trần (Quảng Ninh), một số khu vực ven đảo thuộc vịnh Nha Trang (Khánh Hòa)…
Còn theo kết quả điều tra, đánh giá của Viện Nghiên cứu Hải sản, tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản ở biển Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 3,95 triệu tấn, tiếp tục suy giảm đáng kể so với giai đoạn 2000 – 2005 (giảm 22,1%) và giai đoạn 2011 – 2015 (giảm 9,5%). Dù vậy, sản lượng khai thác hải sản lại có xu hướng tăng, vượt khả năng khai thác cho phép trung bình (khoảng 2,45 triệu tấn); thậm chí, năm 2021, sản lượng khai thác hải sản ước 3,8 triệu tấn.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản cho biết, sản lượng khai thác tăng không phải là tốt, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành. Thời gian tới, cần tiếp tục tái cơ cấu trong ngành nghề khai thác, cùng với việc chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân ở các địa phương ven biển.
Tăng cường công tác bảo tồn nguồn lợi thủy sản để bảo vệ sinh kế cho ngư dân Ảnh: Đoàn Kết
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành thủy sản đã có một thời gian dài sản xuất theo phong trào. Việc tái cơ cấu đội tàu, giảm đội tàu khai thác, nhất là tàu gần bờ đã có những kết quả ban đầu nhưng việc giảm sản lượng khai thác cần có kế hoạch cụ thể. Để giảm việc này thì cần tăng cường công tác bảo tồn.
Theo Dự thảo Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 đang được Bộ NN&PTNT trình Chính phủ phê duyệt, ngành thủy sản đặt mục tiêu sẽ phục hồi, tăng trữ lượng nguồn lợi thủy sản khoảng 5% so với giai đoạn 2016 – 2020, đồng thời phục hồi 70% diện tích hệ sinh thái biển bị suy thoái trong các khu bảo tồn biển, diện tích vùng biển được bảo tồn lên trên 0,5% diện tích vùng biển Việt Nam. Bộ NN&PTNT sẽ có một đề án chuyển đổi nghề nghiệp với các giải pháp để làm sao sau khi chuyển đổi người dân vẫn đảm bảo cuộc sống, kinh phí, công việc…
Dự thảo cũng đã đưa ra nhiều nhiệm vụ để tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó có việc tổ chức quản lý khu vực cấm khai thác có thời hạn; khu vực đường di cư tự nhiên của loài thủy sản; xây dựng và tổ chức thực hiện một số biện pháp bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm như: Kế hoạch quốc gia về quản lý và bảo tồn các loài thú biển nhằm giảm thiểu đánh bắt không chủ ý đối với các loài thú biển… Cùng đó là sự vào cuộc của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Hướng tới củng cố lại các hình thức tổ, đội sản xuất trên biển gắn với quản lý, bảo vệ nguồn lợi, môi trường sống của các loài thủy sản; hỗ trợ cơ quan chức năng giám sát, thông báo kịp thời các hành vi khai thác gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm, kịp thời các hoạt động vi phạm quy định pháp luật về thủy sản, đặc biệt là hành vi sử dụng chất, hóa chất cấm, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương tiện khai thác có tính hủy diệt hoặc các nghề, ngư cụ cấm… Đặc biệt, tiếp tục điều chỉnh, cơ cấu lại các nghề khai thác thủy sản, bảo đảm phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi.
Diệu An