Tàu Trung Quốc tiến sâu trong vùng biển của Việt Nam, đe dọa, xua đuổi thậm chí dùng vũ lực cướp tài sản của ngư dân là tình trạng được cho là “cơm bữa” đối với ngư dân Việt Nam những ngày này.
Sáng nay, tàu PY92134 cập bến cá Đông Tác ở phường 6, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên cùng với 4 chiếc tàu bạn. Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hiệp, người có 15 năm thâm niên câu cá ngừ đại dương, cho biết: "Tàu mang cờ và chữ Trung Quốc xuất hiện rất nhiều trên biển thuộc chủ quyền Việt Nam, gần như đi hướng nào cũng gặp".
Tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi chuẩn bị ra khơi. Ảnh: Trí Tín |
Theo thuyền trưởng Nguyễn Đình Nhã, từ sau Tết đến giờ, tàu hành nghề mành chụp mực của ngư dân Trung Quốc xuất hiện rất dày ở vùng biển của Việt Nam. Mỗi đoàn của họ có khoảng 8-10 chiếc tàu, "mỗi chiếc to gấp ba, bốn lần tàu ngư dân Việt".
Những hành động ngăn trở, đe dọa từ tàu Trung Quốc được ngư dân cho biết là như cơm bữa trên biển Đông. Thậm chí không ít trường hợp bị thu sạch thủy sản vừa đánh bắt được ngay trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Thuyền trưởng Trần Văn Thoa quê ở Bình Sơn, Quảng Ngãi, cũng vừa đưa tàu về đất liền sau gần một tháng trên biển. "Đến Hoàng Sa được 2 ngày, chúng tôi trúng đậm khoảng 1 tấn cá mó nên rất mừng. Ai ngờ sáng 6/5 bắt đầu có chuyện".
Ông kể, rạng sáng ngày 6/5, một chiếc tàu sắt trọng tải lớn mang cờ Trung Quốc áp sát, thả ca nô cập tàu cá Việt Nam dùng súng uy hiếp. Hai thuyền viên Phạm Hò và Nguyễn Thành bị kéo xuống hầm thuyền để xúc cá, tôm chuyển sang tàu của họ. Sau hơn 60 phút lục soát và cướp tài sản, tàu Trung Quốc xua đuổi tàu cá anh Thoa rời Hoàng Sa.
“Trong phiên biển này, chúng tôi bắt gặp rất nhiều tàu cá Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam, thậm chí có tốp tàu đến hành nghề cách vùng biển Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi chỉ khoảng 40 hải lý”, ngư dân Tiêu Viết Thạch tiếp lời.
Nhân viên trực tổng đài đang trao đổi qua điện đàm với thuyền trưởng các tàu đánh bắt ở Hoàng Sa. Ảnh: Trí Tín |
Từ tháng 4 đến tháng 6, thời tiết trên biển sóng gió êm nên rất thuận lợi cho việc khai thác thủy sản xa bờ. Tuy nhiên năm nay Trung Quốc áp dụng luật cấm đánh bắt cá trên biển Đông, ngay cả trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tay cầm máy điện đàm, miệng liên tục trao đổi tình hình với các thuyền trưởng tàu đánh bắt trên biển Đông, ông Nguyễn Thanh Nam, Trưởng đài trực canh Icom Gành Cả, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, các thuyền trưởng ở vùng biển Hoàng Sa liên tục báo về bị tàu chiến của Trung Quốc áp sát, xua đuổi, thậm chí cho lực lượng lên tàu lấy hết thiết bị, lương thực.
“Trước đây Trung Quốc thường bắt giữ tàu và ngư dân chúng tôi đưa về tạm giữ ở đảo Phú Lâm để đưa ra mức tiền chuộc. Giờ họ chuyển sang xua đuổi, tàu nào chần chừ chạy không kịp thì họ xông lên tàu cướp tài sản”, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Biên nói qua máy điện đàm.
"Tuy nhiên, dù thế nào chúng tôi vẫn tiếp tục bám biển Hoàng Sa. Đây là ngư trường truyền thống", từ vùng biển Hoàng Sa, viên thuyền trưởng nói ngắn gọn.
Còn ngư dân Phú Yên thì bám biển bằng cách lập các đoàn tàu tự quản, cùng nhau đi đánh bắt và bảo vệ nhau. Chủ tàu Phạm Văn Dũng nói: “Mặc dù tàu chụp mực của Trung Quốc quấy phá gây khó, mình cũng chẳng chịu thua quyết bám ngư trường. Biển thuộc chủ quyền nước mình thì mình làm ăn, không có gì phải sợ họ".
Kiên quyết bám biển, song các ngư dân cũng lo ngại việc xâm nhập ngư trường bất hợp pháp của các tàu nước ngoài sẽ khiến tàu cá có công suất nhỏ của ngư dân bị chèn ép. Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hiệp đề xuất: "Hải quân nên có mặt ở những ngư trường thuộc chủ quyền để bảo vệ ngư dân. Về phần mình chúng tôi sẽ quyết bám biển tới cùng, vì tàu nước ngoài mới là những kẻ xâm phạm bất hợp pháp”.
Đội tàu liên kết của ngư dân Phú Yên chuẩn bị nước đá, lương thực cho chuyến biển dài ngày. Ảnh: Thiên Lý |
Trao đổi với VnExpress.net sáng nay, ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn khẳng định: “Trước tình hình Trung Quốc đơn phương đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông, chúng tôi đề nghị ngư dân đoàn kết ra khơi đánh bắt bình thường ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Khi xảy ra điều gì trên biển, các ngư dân liên lạc ngay qua Icom để cơ quan chức năng can thiệp kịp thời”.
Đại tá Bùi Phụ Phú, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi khẳng định: “Trong những năm gần đây, lực lượng Biên phòng đã từng phát hiện, xử lý nhiều trường hợp tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng lãnh hải thuộc vùng biển Quảng Ngãi. Thông thường khi phát hiện có xâm phạm lãnh hải, tàu tuần tra biên phòng thường dùng loa yêu cầu rời ngay khỏi vùng biển Việt Nam, trường hợp nào ngoan cố thì chúng tôi lập biên bản xử phạt theo luật định”.
Đại tá Nguyễn Trọng Huyền, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Phú Yên, cho biết, bộ đội biên phòng tỉnh đã báo cáo lên cấp trên về việc tàu cá, tàu hải quân Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, gây khó ngư dân Việt Nam.
Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Phú Yên cũng củng cố lại hơn 100 tổ tàu thuyền an toàn chuyên đánh bắt xa bờ. Các tàu phải liên kết, đoàn kết, hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt trên biển. "Qua hệ thống liên lạc, bộ đội biên phòng Phú Yên thường xuyên đề nghị ngư dân cương quyết đấu tranh với tàu đánh cá nước ngoài để khẳng định chủ quyền của quốc gia”, đại tá Huyền nói.
Trên bến cảng, các tàu cá của ngư dân Việt Nam một mặt đưa thủy sản đánh bắt được lên bờ, lại vừa chuyển dầu, nước đá, lương thực xuống hầm tàu để chuẩn bị lên đường. Những lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trên nóc tàu đánh cá…
Theo báo cáo tháng 4 của Đồn biên phòng 328, huyện đảo Lý Sơn thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi, từ năm 2006 đến nay, Trung Quốc nhiều lần tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí ở vùng biển phía đông bắc đảo Lý Sơn, nhiều tàu cá còn xâm phạm sâu vào vùng biển Quảng Ngãi để đánh bắt hải sản. Cụ thể: – Cuối tháng 1/2006, tàu tuần tra Hải đội 2 Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi phát hiện và vây bắt tàu Nghiêu Bình 36021 do Băng Lục Hán (sinh năm 1954, quốc tịch Trung Quốc) làm thuyền trưởng cùng 2 lao động đang đánh bắt trộm hải sản ở vùng biển phía đông bắc cách đảo Lý Sơn chỉ 5 hải lý. Đồn biên phòng 328 Lý Sơn đã lập biên bản vi phạm và phóng thích tàu cùng người. – Ngày 23/5/2007, Vùng 3 Hải quân tuần tra, phát hiện bắt giữ tàu Quế Bắc Ngữ, số hiệu 10030, trên tàu có 11 thuyền viên do Đường Đình Dũng (quốc tịch Trung Quốc) làm thuyền trưởng, đang khai thác hải sản trái phép tại tọa độ 15 độ 16 vĩ bắc và 109 độ 42 kinh đông. Sau đó, hải quân đã bàn giao cho biên phòng Quảng Ngãi. UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định phạt cảnh cáo và trục xuất ra khỏi vùng biển Việt Nam vào ngày 25/5/2007. – Ngày 22/4/2009, Đồn biên phòng 328 Lý Sơn phát hiện 12 tàu cá Trung Quốc hoạt động sâu vào lãnh hải của VN, cách đảo Lý Sơn khoảng 40 hải lý về hướng đông bắc. – Ngày 7/7/2009, Đồn biên phòng 328 Lý Sơn lại phát hiện 4 tàu cá Trung Quốc hoạt động cách đảo Lý Sơn khoảng 20 hải lý về hướng đông nam. – Ngày 5/5/2010, Đồn biên phòng 328 Lý Sơn phát hiện nhiều tốp tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt trộm hải sản tại tọa độ 15 độ 30 vĩ bắc và 109 độ 40 kinh đông thuộc chủ quyền vùng biển Việt Nam. – Ngày 4/3/2011, Đồn biên phòng 328 Lý Sơn phát hiện 12 tàu cá Trung Quốc hoạt động sâu vào lãnh hải của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn khoảng 40 hải lý về hướng đông bắc. |
Trí Tín – Thiên Lý
Theo VNE