(TSVN) – Cá lăng chấm là loại cá nước ngọt có trong tự nhiên, ưa dòng chảy. Thịt cá mềm, hương vị thơm ngon, không có xương dăm, được coi là một trong những đặc sản hàng đầu tại nhiều địa phương.
Cá lăng chấm (Hemibagrus guttatus) có thân trần dài, phần trước dẹp bằng, sau dẹp bên. Đầu rộng, bẹt và tương đối dài. Mõm rộng, phía trước hơi bằng. Mắt ở phía trên và nửa trước của đầu. Khoảng cách 2 mắt rộng bằng. Lỗ mũi trước và sau xa nhau. Có 4 đôi râu. Râu hàm dài nhất tới mút sau vây bụng. Miệng to, kề dưới, hình cung nông. Hai hàm có răng dạng lông nhung xếp thành dải. Lưng xám đen, bụng trắng nhạt, bên thân có nhiều chấm đen to nhỏ. Vây lưng, vây mỡ và vây đuôi màu hơi đen. Vây ngực, vây bụng và vây hậu môn màu nhạt.
Cá lăng chấm là một trong những đối tượng đang được nhiều hộ dân mở rộng diện tích nuôi. Ảnh: CTV
Cá sống ở tầng đáy, có kích thước lớn, tối đatới40kg/con,thường gặp cỡ 1 – 4 kg. Cá lăng chấm ở sông Hồng sau 1 năm dài 22 – 25 cm, sau 2 năm chiều dài tăng gấp đôi. Những năm sau cá tăng trưởng chiều dài giảm nhưng tăng về khối lượng nhanh. Cá có tuổi lớn nhất tới13 – 15 năm. Cá lăng chấm là loài cá dữ điển hình. Cá nhỏ có phổ thức ăn khá rộng gồm: ấu trùng, côn trùng, giun ít tơ, rễ cây… Cá lớn ăn chủ yếu là cá con, tôm cua, mùn bã hữu cơ, thực vật…
Cá lăng chấm cái thành thục khi được hơn 3 tuổi, dài 61 cm, nặng 1,6 kg. Cá đực thành thục vào 4 tuổi, dài 72 cm, nặng 2,7 kg. Mùa sinh sản từ tháng 4 – 6, một số con đẻ muộn có thể tới tháng 8. Khi sinh sản, cá di cư lên vùng trung và thượng lưu các sông, nơi nước chảy, đáy nhiều sỏi đá.
Ở Việt Nam, cá phân bố chủ yếu hầu hết các sông, suối lớn, trên toàn hệ thống sông Hồng, sông Đà và các sông lớn ở phía Bắc như sông Thái Bình, sông Kỳ Cùng, sông Mã, sông Lam (Mai Đình Yên, 1978, 1983). Đây là đối tượng nuôi kinh tế, có chất lượng thịt thơm ngon, giá bán cao. Tuy nhiên, sản lượng khai thác loài cá này liên tục sụt giảm do môi trường sống suy thoái và khai thác quá mức. Năm 1992, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường công bố Sách Đỏ, đưa loài động vật này xếp vào mức nguy cấp bậc V, cần bảo vệ gấp.
Việc nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá lăng chấm, gia hóa trong điều kiện nuôi là biện pháp hữu hiệu nhất trong công tác bảo tồn loài cá này thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Do đó, từ những năm 2004, Viện Nghiên cứu NTTS I đã chuyển giao một số công nghệ nuôi thương phẩm, sản xuất giống cho các trung tâm giống cá ở Nam Định, Hà Nội và các khu vực lân cận (Phạm Báu và ctv., 2000). Từ đó đến nay, nhiều địa phương đã thực hiện việc sản xuất giống nhân tạo và nhân rộng loài cá này.
Tại Hải Dương, thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ hoàn thiện mô hình nuôi cá lăng chấm hàng hóa trên địa bàn tỉnh”, trong 3 năm 2011 – 2013, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học Hải Dương đã xây dựng mở rộng mô hình nuôi cá lăng chấm, nhằm đưa loại cá có giá trị kinh tế cao vào sản xuất thủy sản tại Hải Dương. Việc nuôi cá lăng chấm trong khuôn khổ Dự án mang lại hiệu quả khá cao, giá bán tốt, tiêu thụ thuận lợi trên thị trường.
Trong 2 năm 2013 – 2014, Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang cũng đã sản xuất thành công giống cá lăng chấm với 2.400 con giống xuất ra thị trường. Kết quả này góp phần đáp ứng nhu cầu chăn nuôi cho nông dân sống ven lưu vực sông Lô, sông Gâm và lòng hồ thủy điện các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ… nơi được xem như thủy tổ của loài cá lăng chấm quý hiếm này.
Đặc biệt, năm 2022, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã triển khai mô hình nuôi lưu giữ, bảo tồn nguồn gen làm vật liệu phát triển giống cá lăng chấm. Theo đó, 44 con cá bố, mẹ đủ tiêu chuẩn đã được lựa chọn và đưa về nuôi tại Trại Nghiên cứu và Sản xuất giống nông nghiệp Bảo Thắng – Văn Bàn. Trong quá trình gia hóa, Trung tâm sử dụng thức ăn chính cho cá là các loại cá tạp kết hợp với thức ăn công nghiệp để dần thay đổi tập tính ăn, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng chủ động, giúp cá dần quen với thức ăn công nghiệp, trở thành vật nuôi thuần hóa.
Sau hơn 8 tháng nuôi dưỡng, cá sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng trung bình đạt 2,7 – 3 kg/con (tăng 0,3 – 0,5 kg so với khi bắt đầu nuôi). Quá trình nuôi cho thấy cá đã thích nghi với môi trường nước tĩnh, quen dần với thức ăn thụ động, thức ăn công nghiệp. Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai tiếp tục nghiên cứu, theo dõi sự phát triển của cá con và mục tiêu trong tương lai gần là loài cá lăng chấm được nhân giống thành công, góp phần bảo tồn nguồn gen quý, hiếm.
Thái Thuận