(TSVN) – Bệnh đen mang ở tôm là một bệnh rất phổ biến do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Việc xác định đúng tác nhân gây bệnh là vô cùng quan trọng, nhằm có giải pháp điều trị đúng kịp thời và hiệu quả, tránh những thiệt hại trong quá trình nuôi.
Do môi trường: Khi nuôi tôm với mật độ cao, sục khí không đủ, không thay nước, ít sử dụng vi sinh xử lý đáy, hàm lượng thức ăn dư thừa, xác tảo, chất thải hữu cơ trong quá trình nuôi tích tụ đáy ao, làm cho đáy ao dơ, các chất này sẽ bám vào mang tôm và tạo thành hiện tượng đen mang (đôi khi mang tôm bị vàng chứ không đen, nâu). Trong ao tồn tại khí độc như NH3, NO2 nếu hàm lượng trong ao cao sẽ làm mang tôm rám đen, tổn thương hoặc nếu nồng độ quá cao có thể gây đen mang nghiêm trọng và gây tỷ lệ chết cao.
Nhiễm kim loại nặng: Tôm sống trong điều kiện pH thấp, có nhiều ion kim loại nặng như nhôm, sắt, muối của các kim loại này kết tụ trên mang của tôm làm nó chuyển màu đen.
Do tảo, sinh vật bám: Tôm trong ao có hiện tượng bị đóng rong, các sinh vật bám như động vật đơn bào, vi khuẩn dạng sợi, tảo, nấm bám trên mang và bề mặt cơ thể của tôm. Các sinh vật này tạo điều kiện cho các chất vẩn hữu cơ bám và làm mang tôm chuyển màu.
Do vi khuẩn, nấm: Khi mang tôm bị nhiễm vi khuẩn (thường là Vibrio) hay nhiễm nấm Fusarium này cũng làm xuất hiện các sắc tố melanin làm mang tôm có màu đen. Khi tôm nhiễm nấm Fusarium: Có thể thấy được sợi nấm khi soi tươi mang tôm bệnh bằng kính hiển vi. Các loài nấm thuộc giống Fusarium có trong nước ngọt, nước lợ và đất ở khắp nơi. Tất cả các loài tôm nuôi đều có thể bị nhiễm nấm. Tôm gần trưởng thành và trưởng thành thường bị nhiễm nặng. Tôm sú và TTCT tương đối đề kháng được với nấm nhưng khi bệnh xảy ra rất khó điều trị.
Do ngoại ký sinh trùng: Như nguyên sinh động vật (Lagenophrys), Paramoeba sp (trùng amip), sợi khuẩn (Leucothrix mucor), Hyalophysa chattoni… Một nghiên cứu mới đây của Jee EunHan và cộng sự đăng trên Tạp chí Aquaculture đã phát hiện ra ký sinh trùng amip mới gây bệnh đen mang trên TTCT là Paramoeba sp. Rất có thể nhiễm trùng amip là do các yếu tố căng thẳng, chẳng hạn như nhiệt độ nước tăng hoặc độ mặn cao, kết hợp với mật độ thả cao tạo ra lợi thế cho protozoan tự nhiên có trong môi trường biển gây bệnh. Ở tôm, nhiễm amip đã dẫn đến tỷ lệ chết đáng kể và thiệt hại kinh tế liên quan.
Do thiếu dinh dưỡng: Môi trường nước thiếu tảo, thiếu Vitamin C và các loại khoáng chất thiết yếu.
Khi có hiện tượng bệnh lý xuất hiện cần tìm hiểu xem tôm bị đen mang do nguyên nhân nào. Kiểm tra chất lượng nước và đáy ao là yêu cầu đầu tiên khi xác định bệnh. Chóp đầu tơ mang tôm có thể bị tổn thương và chuyển đen do môi trường ô nhiễm, các loại vật chất hữu cơ bám vào mang tôm hoặc do tác động của các khí độc như NH3, H2S tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm xâm nhập. Có thể kết hợp với các phương pháp kiểm tra tại phòng thí nghiệm nhằm đưa ra nguyên nhân chính xác.
Nếu do ao bị ô nhiễm: Cần xiphong bùn đáy ao, dùng yucca hấp thụ khí độc sau đó sử dụng men vi sinh liều cao (việc này có 2 mục đính đó là phân hủy mùn bã và cạnh tranh với vi khuẩn có hại) đồng thời bổ sung Vitamin C vào thức ăn.
Nếu bệnh do nấm: Rất khó điều trị, chỉ có thể loại bỏ tôm bệnh và cải tạo chất lượng nước. Tôm bệnh do nấm chỉ có thể hồi phục 30%.
Nguyên sinh động vật: Có thể diệt bằng thuốc tím, đồng sulfate, Formalin. Các hóa chất này có liều lượng rất khác nhau tùy theo môi trường nước nên khó đưa ra liều khuyến cáo.
Do vi khuẩn: Cần hạn chế bổ sung thêm nguồn hữu cơ (cho ăn, xử lý các thuốc, hóa chất hữu cơ, diệt rong tảo); giảm 50% thức ăn trong 2 – 3 ngày, tùy tỷ lệ đen mang trong chài. Cho ăn lượng thức ăn nhỏ, ven bờ trong thời gian ngắn để hạn chế hao tổn ôxy. Trộn kháng sinh hoặc vi sinh vào thức ăn (nếu kết quả cấy khuẩn thấy mật độ khuẩn cao thì nên ăn kháng sinh).
Diệt khuẩn nước: Dùng 5 ppm Sodium percarbonate (ôxy viên) 50% xuống đáy và 1ppm BKC 50% trong nước, có thể lập lại sau 3 – 4 ngày. Trước và sau khi diệt khuẩn ít nhất 3 giờ nên xử lý Vitamin C và khoáng nhằm tăng sức chịu đựng cho tôm. Sau khi diệt khuẩn phải liên tục xử lý men vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước và đáy ao. Có thể làm thông thoáng nước bằng cách thay 20 – 30% nước mỗi ngày. Lưu ý, khi thay nước phải dựa vào lịch sử thay nước của ao, nếu ao chưa từng thay nước thì không nên áp dụng biện pháp này. Sa lắng và khoắng hóa chất thải hữu cơ dưới đáy ao bằng ôxy viên và vôi canxi (10 – 20 kg/1.000 m3) hoặc khoáng canxi, magie (20 kg/1.000 m3). Tăng sức đề kháng cho vật nuôi bằng cách cho ăn hỗn hợp vitamin, Beta-glucan và men vi sinh trong các cữ, không ăn kháng sinh.
Do pH nước thấp, trong nước nếu có nhiều ion kim loại nặng (nhôm, sắt) sử dụng vôi để tăng pH với liều 20 kg/1.000 m3 nước, dùng Natri thiosulphate để hấp thụ các kim loại nặng.
Tẩy dọn ao kỹ trước khi thả tôm. Nếu có thể nên thiết kế hố xiphong để gom bùn thải trong ao và định kỳ xiphong nền đáy.
Lắng lọc kỹ nước trước khi cấp vào ao nuôi, dùng thuốc diệt cá để diệt vật chủ trung gian mang mần bệnh vào ao nuôi.
Chọn mật độ nuôi phù hợp với tay nghề và kỹ thuật.
Kiểm soát tảo trong ao, tránh tảo tàn đồng loạt (dùng đường, BKC…).
Tăng cường sục khí để tăng hàm lượng ôxy nhằm phân hủy mùn bã hữu cơ và chất độc. Định kỳ dùng yucca để hấp thụ khí độc cho ao nuôi tôm và tăng liều yucca khi thời gian nuôi càng dài.
Tránh dư thừa thức ăn, định kỳ dùng men vi sinh để giảm phân hủy các chất ô nhiễm hữu cơ trong ao, giữ đáy ao sạch.
Bổ sung Vitamin C và men tiêu hóa vào thức ăn.
Hoàng Ngân