Các nhà khoa học phát hiện cá có chiều dài 1,5 m, nặng gấp 10 lần so với những loài cá hang động lớn nhất được ghi nhận trước đây.
Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi nhà sinh vật học Thomas Arbenz, gần đây đã thực hiện một chuyến thám hiểm tới vùng núi Meghalaya ở phía đông bắc Ấn Độ nhằm xác định danh tính của một loài cá lạ sinh sống bên trong động, lần đầu tiên được nhìn thấy bởi nhà thám hiểm Daniel Harries vào năm 2019.
Cá hang động vốn được biết đến là những loài có kích thước nhỏ, thường chỉ dài từ vài đến vài chục centimet, do môi trường sống ít thức ăn. Tuy nhiên, sinh vật được tìm thấy trong hang Um Ladaw lại có chiều dài bất thường.
Các nhà khoa học thắc mắc rằng chúng ăn gì để duy trì kích thước cơ thể, hay cách chúng thích nghi với điều kiện môi trường sống khắc nghiệt bên trong những hang động sâu thẳm, tối tăm.
“Có lẽ chúng ăn thực vật bị nước mưa cuốn trôi xuống dưới lòng đất, nhưng không có ai nhìn thấy điều đó vào thời điểm khám phá hang động. Làm thế nào mà loài cá này lớn như vậy và những gì chúng ăn vẫn là một bí ẩn”, Harries cho hay. “Chắc chắn có điều gì đó kỳ lạ bởi có khá nhiều cá lớn ở đây”.
Theo mô tả trên Tạp chí Cave and Karst Science, cá hang động Um Ladaw có thể vẫn đang trong quá trình tiến hóa thành một loài mới, với cặp mắt dần tiêu biến. Giống như hầu hết các loài động vật sống trong hang động khác, sinh vật này về cơ bản là mù, nhưng vẫn có khả năng cảm nhận ánh sáng.
Hang Um Ladaw có cấu trúc dốc đứng, nằm sâu gần 100 m dưới lòng đất. Nó chỉ có thể tiếp cận vào mùa khô bởi vào các đợt gió mùa, toàn bộ hang động đều ngập nước.