Xua đuổi, cản trở, đe dọa là những hành động Trung Quốc đang sử dụng đối với tàu cá của Việt Nam trên Biển Đông. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khai thác hải sản, tài sản và tính mạng của ngư dân Việt Nam.
Trung Quốc bất chấp luật quốc tế
Từ đầu năm 2013 đến nay, Trung Quốc thường xuyên dùng tàu xua đuổi, cản trở không cho ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trên vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, thậm chí, phía Trung Quốc còn liên tục sử dụng những hành động phá hoại như: dùng vòi rồng phun nước làm cho hỏng máy, chìm tàu, bắn đạn vào tàu để uy hiếp, tiếp cận cướp, phá tài sản, ngư lưới cụ, nhiên liệu… Những hành động này của Trung Quốc kéo dài thành chuỗi, có hệ thống, có tính toán.
Mới đây nhất, ngày 20/3/2013, tàu cá của ngư dân Bùi Văn Phải (xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) bị tàu của Trung Quốc nổ súng gây cháy ca bin, thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Phản ứng trước vụ việc này, ngày 25/3/2013, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết: Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, Trung Quốc đang cố thể hiện quyền “thực hiện các hành vi chấp pháp” tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và không ngần ngại sử dụng các biện pháp mạnh hòng đe dọa, uy hiếp ngư dân Việt Nam, ép họ từ bỏ ngư trường để phía Trung Quốc thực hiện chính sách độc chiếm Biển Đông.
Hiểm độc và vô nhân đạo
Hoàng Sa và Trường Sa là hai ngư trường khai thác lớn, mang lại thu nhập chính cho ngư dân Việt Nam từ bao đời nay. Tuy nhiên, hiện ngư dân Việt Nam lại đang mất an toàn trên chính ngư trường thuộc chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Nỗi lo từ sự gây hấn của tàu Trung Quốc khiến họ thấy bất an. Bởi hễ thấy tàu cá của ngư dân Việt Nam, tàu hải giám, tàu quân sự của Trung Quốc lập tức vây ráp, xua đuổi.
Bình yên trên biển quê hương – Ảnh: Phan Thanh Cường
Ông Nguyễn Linh (Phổ An, Đức Phổ, Quảng Ngãi), cho biết, thời gian gần đây, tàu Trung Quốc truy đuổi, vây ráp tàu ngư dân mình ráo riết hơn. Khi thấy tàu cá Việt Nam đến ngư trường Hoàng Sa, tàu chiến Trung Quốc lập tức áp sát, xua đuổi. Và ngư dân “tay không” đã không thể chống cự trước tàu to, súng lớn của họ. Thuyền trưởng tàu ĐNa 90393 TS Nguyễn Đức Nam (Sơn Trà, Đà Nẵng), cho biết thêm, các năm trước, mỗi khi gặp gió to sóng lớn, tàu ngư dân ta vẫn chạy về đảo Đá Bắc (quần đảo Hoàng Sa) tránh gió. Nay vào đó là bị truy đuổi, thậm chí bị bắt, tịch thu hải sản.
Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, hành động xua đuổi ngư dân Việt Nam ngay trên vùng biển của Việt Nam không đơn thuần là cản trở khai thác hải sản, mà chính là một bước đệm để Trung Quốc thực hiện mưu đồ xâm lược biển. Ông Trần Cao Mưu – Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam thẳng thắn bày tỏ: Trung Quốc ngày càng leo thang cản trở, phá hoại và tấn công tàu cá của ngư dân Việt Nam bằng vũ lực. Đây là những hành động vô nhân đạo, không thể chấp nhận được. Việc Trung Quốc liên tục dùng các biện pháp mạnh bằng tàu quân sự hòng đe dọa ngư dân Việt Nam, ép họ phải bỏ ngư trường truyền thống đích thị có dụng ý xấu nhằm thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khai thác hải sản của ngư dân Việt Nam.
Bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền
Trước những hành động phi pháp và vô nhân đạo của phía Trung Quốc, ngày 25/3, Hội Nghề cá Việt Nam đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT, Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kịch liệt phản đối phía Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và lên án hành động dùng vũ lực tấn công ngư dân Việt Nam.
Ông Phùng Đình Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ngãi cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay có gần 20 trường hợp tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, cản trở không cho khai thác hải sản. Hội Nghề cá Quảng Ngãi kiến nghị cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ ngư dân, không thể để ngư dân chịu thiệt, bị tàu Trung Quốc xua đuổi, bắn cháy tàu như vậy được.
Đây là việc làm hết sức cần thiết, vừa góp thêm tiếng nói phản đối mạnh mẽ trong nhân dân, vừa góp phần động viên ngư dân yên tâm giữ biển quê hương. Sự có mặt thường xuyên của ngư dân trên vùng lãnh hải của Tổ quốc là một tất yếu khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam, như thuyền trưởng Bùi Văn Phải tâm sự: “Mình ra Hoàng Sa trước tiên là làm nghề kiếm sống, nuôi gia đình, giữ gìn vùng biển mà cha mình, ông nội của mình gắn bó sinh tử từ trước”. Với ngư dân Phạm Quang Thạnh (An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi): “Tàu Trung Quốc bắn tàu cá Việt Nam là để bắt nạt, dọa dẫm ngư dân, làm cho mình không dám ra biển Hoàng Sa nữa. Bây giờ mình nhụt chí là họ lấy luôn biển của mình, sau này còn nơi nào cho ngư dân đánh bắt nữa!”.
>> Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Bằng cách công bố pháp lý quốc tế về yêu sách “đường lưỡi bò” 9 đoạn phi lý trên Biển Đông, Trung Quốc đã “xâm lược Việt Nam trên giấy”, đã chiếm đóng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và đang có nguy cơ xâm lược Việt Nam trên thực địa (biển, đảo). |