T2, 06/07/2020 09:53

Biến đổi khí hậu: Tìm cách thích ứng cho nuôi trồng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Biến đổi khí hậu đã tác động xấu về nhiều mặt đến nuôi trồng thủy sản địa phương. Việc thực hiện các giải pháp ứng phó với vấn đề này là không hề dễ dàng.

Tác động xấu

Với hơn 7.000 ha nuôi trồng thủy sản, Quảng Nam đang phải chịu những tác động xấu của các biểu hiện tăng nhiệt độ đột biến, dông bão thường xuyên, nước biển dâng cao… Theo nhiều phân tích, nhiệt độ đột ngột tăng cao trong môi trường nước đã làm cho sự thích ứng và mức độ chịu đựng của các sinh vật thủy sản giảm sút. Điều này không những khiến cho sự sinh trưởng của các đối tượng nuôi chậm lại mà còn làm cho mật độ và mức độ dịch bệnh càng nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, hầu hết ao nuôi trên địa bàn tỉnh không có hệ thống xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi cũng như khi thải ra môi trường xung quanh nên những tác động này càng nghiêm trọng hơn. Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, nếu như năm 2008, toàn tỉnh chỉ có 10 ha tôm nuôi bị dịch bệnh do thời tiết thay đổi thất thường thì đến năm 2010, con số này đã là 600 ha. Tôm nuôi sinh trưởng chậm và dịch bệnh đồng loạt xảy ra ở nhiều nơi đã khiến cho hiệu quả sản xuất thấp.

Nuôi tôm nước lợ luôn gặp khó khăn khi biến đổi khí hậu. Ảnh: Q.V

Trong nhiều năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tác hại của lụt, bão đối với nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh càng tăng lên. Theo thống kê, năm 2009, cơn bão số 9 đã làm tổn thất 879,2 tấn thủy sản nước lợ và 489 tấn thủy sản nước ngọt. Thiệt hại khoảng 60 tỷ đồng. Không chỉ vậy, cơn bão đã phá hại nhiều công trình ao nuôi. Do không có khả năng tu bổ, các công trình này đã bị bỏ hoang. Trong 2 năm (2010 và 2011), diện tích ao nuôi tôm nước lợ bị bỏ trống tại vùng triều là 500 ha. ông Cao Duy Bình, Phó Trưởng phòng kỹ thuật – nghiệp vụ, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết: “Bên cạnh những tổn thất do mưa lớn khiến cho độ mặn ao nuôi giảm xuống đột ngột làm cho tôm cá chết hàng loạt, việc bão và áp thấp nhiệt đới thường gây ra những con sóng dữ dội có thể tàn phá hoàn toàn hệ thống đê bao quanh các ao nuôi, lồng bè ven biển cũng là điều rất đáng quan ngại. Sự tàn phá của bão và áp thấp nhiệt đới còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái của vùng nuôi. Điều này cũng cần rất nhiều thời gian mới có thể khôi phục được”.

 

Khó ứng phó

Trước những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây nên, việc đề ra giải pháp khắc phục, cả trước mắt và lâu dài là điều rất đáng quan tâm. Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, để ứng phó với biến đổi khí hậu, việc dự báo sớm sự hình thành và xu hướng phát triển của các hiện tượng thay đổi khí hậu sẽ là yếu tố quyết định giúp ngành nuôi trồng thủy sản địa phương thích ứng nhanh. Khi được dự báo kịp thời, người dân sẽ chủ động sản xuất và cùng với các ngành liên quan kịp thời giảm nhẹ thiên tai. Để thực hiện tốt công tác dự báo này cần thiết phải có hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường. Tuy nhiên, theo ngành chức năng, việc xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu luôn gặp nhiều khó khăn.

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, trên cơ sở luôn cập nhật những diễn biến của thời tiết, mỗi năm chi cục đều công bố lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ. Để tránh những thiệt hại không đáng có, các hộ nông dân nên tiếp cận với lịch thời vụ để có kế hoạch sản xuất tốt nhất. Tuy nhiên, do tập quán sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, do chạy theo lợi nhuận để tăng vụ nuôi và tránh áp lực ép giá của thương lái, mỗi năm, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn thả nuôi trước lịch. Không tuân thủ lịch thả nuôi là một khó khăn cố hữu trong nuôi trồng thủy sản thời gian qua. Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết: “Tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức sản xuất của các hộ nông dân là cố gắng rất lớn của chúng tôi trong thời gian qua. Tuy nhiên, để việc nuôi trồng thủy sản theo hướng dựa vào cộng đồng phát huy tác dụng, sự trợ giúp của đội ngũ cán bộ thủy sản địa phương là điều rất cần thiết trong thời gian đến”.

Về lâu dài, việc đầu tư hoàn thiện hệ thống đê biển đáp ứng yêu cầu phòng chống sự dâng lên của nước biển và ngăn chặn sự xâm nhập mặn đối với hệ thống ao, đầm trong khu vực nuôi cũng được đặt ra cấp thiết. Ngoài ra, việc sắp xếp lại vùng nuôi, đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ để thuần hóa và du nhập các loài nuôi mới có khả năng thích ứng tốt với biến động của môi trường… cũng hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đến nay, ngoài lý do khách quan là tài chính hạn hẹp, sự thiếu đồng bộ giữa các ban ngành cũng khiến cho việc ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản thêm khó khăn.

NGUYỄN QUANG VIỆT

Theo Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!