(TSVN) – Ngành tôm 2020 trải qua một năm biến động do nguồn cung dư thừa từ cuối 2019 và giá bán thấp, COVID-19 bất ngờ xuất hiện tại Trung Quốc, rồi lan sang châu Âu khiến nhiều thị trường đóng băng.
Năm 2019, ngành tôm toàn cầu đối mặt khủng hoảng nguồn cung. Tới cuối năm 2019 và đầu 2020, khi lượng hàng tồn kho vẫn ùn ứ thì COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc. Lượng tiêu thụ thủy, hải sản nói chung của thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới sụt giảm mạnh, khiến thương mại toàn cầu bị xáo trộn. Tháng 2/2020, Trung Quốc phong tỏa hoàn toàn để ngăn chặn COVID-19, nhiều nguồn cung thủy, hải sản cho thị trường này điêu đứng vì tắc đầu ra. Hải quan Trung Quốc đã thống kê lượng nhập khẩu tôm từ Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan trong 2 tháng đầu năm 2020 đều đồng loạt giảm mạnh. Trong tháng 2/2020, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc cũng giảm gần 60%. Ngoài tôm nước ấm, virus corona bất ngờ tấn công còn khiến các hãng cung cấp tôm hùm tại Canada, Australia thiệt hại nặng. Doanh số sang Trung Quốc sụt giảm xuống con số 0 chỉ trong vài ngày đầu tháng 2/2020.
COVID-19 tác động trầm trọng đến hoạt động nuôi tôm tại nhiều quốc gia trên thế giớiNguồn: Aquaculturealliance
Từ cuối tháng 2/2020, COVID-19 lan sang châu Âu, tiếp đến là Mỹ, Mỹ Latinh và những nơi còn lại trên thế giới. Khi dịch bệnh bùng phát ở phương Tây, xuất khẩu tôm của nhiều nước như Ấn Độ, Việt Nam đều chững lại do các đơn hàng bị hoãn hoặc hủy. Tại Ecuador, tâm dịch hoành hành ở trung tâm sản xuất tôm gây thiệt hại nặng nề cho toàn ngành. Không những vậy, tới tháng 8/2020, 3 công ty xuất khẩu tôm lớn của Ecuador bị cấm cửa tại thị trường Trung Quốc cũng do liên quan đến virus corona trên bao bì đóng gói tôm đông lạnh. Giá tôm Ecuador rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua.
Ấn Độ, một cường quốc tôm tại châu Á đã phải phong tỏa toàn quốc vào tháng 3/2020 khiến vụ tôm mùa hè gặp rất nhiều khó khăn. Ước tính ngành tôm nước này bị thiệt hại 1,5 tỷ USD trong giai đoạn 2020 – 2021. Các trại sản xuất tôm giống, doanh nghiệp chế biến, nhà bán lẻ và công ty xuất khẩu thua lỗ khoảng 30 – 40%. Theo Jim Gulkin, Giám đốc Siam Canadian Group, sản lượng tôm của Ấn Độ năm 2020 giảm mạnh còn 500.000 – 600.000 tấn, tương đương 20 – 30%.
Tại một hội thảo trực tuyến về Triển vọng thị trường tôm toàn cầu, Robin McIntosh, Phó Chủ tịch Công ty Charoen Pokphand Foods (CP Foods) dự báo sản lượng tôm toàn cầu 3,17 triệu tấn, giảm 16% so dự đoán năm 2019. Con số này gồm cả TTCT và tôm sú; trong đó, sản lượng tôm sú ước 220.000 tấn, giảm 7% so mức dự báo năm 2019. McIntosh cũng dự báo sản lượng tôm châu Á giảm 16% so năm 2019, còn 2,24 triệu tấn. Riêng sản lượng tôm Ấn Độ sẽ giảm mạnh nhất, khoảng 31% xuống mức 530.000 tấn, khoảng 30.000 tấn trong số này là tôm sú. Trong khi đó, sản lượng tôm của Trung Quốc dự báo giảm 20% xuống 500.000 tấn, trong đó gồm 20.000 tấn tôm sú. Các nước sản xuất chủ lực khác gồm Việt Nam có sản lượng dự kiến giảm 6% xuống 500.000 tấn; khoảng 100.000 tấn trong số này là tôm sú. Tiếp đến, sản lượng tôm Indonesia có thể giảm 30% xuống mức 310.000 tấn; trong đó có 31.000 tấn tôm sú. Sản lượng tôm của Thái Lan cũng được dự báo giảm khoảng 7% còn 270.000 tấn.
Giá tôm tại một số quốc gia như Ecuador đã tăng trở lại từ quý III/2020 nhưng COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Âu, Mỹ khiến thị trường tôm toàn cầu chưa thể phục hồi về mức cũ trước đại dịch. Cuối năm 2020, nhu cầu tôm bất ngờ tăng, nhưng chỉ là hiệu ứng tạm thời, bởi trùng thời điểm nhiều quốc gia tăng mua hàng phục vụ Giáng sinh và năm mới. Tại châu Âu, kênh dịch vụ ẩm thực bắt đầu phục hồi nhưng chậm chạp với tỷ lệ hoạt động chỉ bằng 30% so thời điểm trước dịch. Rủi ro vẫn còn phía trước nên nông dân vẫn khá dè dặt khi thả nuôi và không muốn mạo hiểm.
Sản lượng tôm của Ấn Độ và Indonesia được kỳ vọng phục hồi từ tháng 9/2020 trở đi, góp phần làm gia tăng nguồn cung tôm thế giới và tác động đến giá bán trong ngắn hạn. Cùng đó, giá tôm tại cổng trại ở châu Á và Mỹ Latinh cũng dần phục hồi nhưng lãi vẫn thấp nên nhiều hộ nông dân không mặn mà thả nuôi vụ tiếp theo. Mặc dù, phân khúc bán lẻ có ghi nhận tăng trưởng tích cực tại thị trường phát triển và đang phát triển, nhìn chung mức tiêu thụ tôm toàn cầu vẫn giảm do kênh dịch vụ ẩm thực chưa phục hồi hoàn toàn. Diễn biến trong tương lai của đại dịch COVID-19 là điều khó có thể đoán trước, giá tôm có thể lao dốc bất cứ lúc nào, nhưng phản ứng của các nước sản xuất trước mức giá này như thế nào sẽ là nhân tố quan trọng tác động đến các quyết định tương lai về sản xuất, chế biến, thị trường trọng điểm và công nghệ nuôi.
Dũng Nguyên
(Tổng hợp)