“Biển là kho dự trữ cuối cùng”

Chưa có đánh giá về bài viết

Biển có vai trò quyết định sống còn của nhân loại và dân tộc. Việt Nam phải làm gì để trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển? PGS-TS Nguyễn Chu Hồi (Trung tâm Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Đại học Quốc gia Hà Nội) (ảnh) trả lời Tạp chí Thủy sản Việt Nam.

Biển Đông rất giàu

Thưa ông, có thông tin cho rằng trong tương lai dầu khí sẽ được thay thế bởi băng cháy; ở Biển Đông trữ lượng khoáng sản này rất lớn…

– Băng cháy là hỗn hợp hydrate metan hình thành trong điều kiện áp suất cao, nhiệt độ thấp. Giới chuyên môn cho biết, trữ lượng băng cháy trên thế giới lớn gấp khoảng 2 lần than đá và dầu khí hiện nay. Băng cháy là một loại khoáng sản mới có thể thay thế khoáng sản hóa thạch truyền thống (dầu khí, than đá…) trong tương lai.

Biển Đông là một trong 4 khu vực ở Đông Á được xác định có tiềm năng băng cháy lớn. Băng cháy ở Biển Đông, cùng với sự giàu có của Biển Đông, kích thích tham vọng của nhiều nước quanh và ngoài biển Đông. Cho nên, tranh chấp trên Biển Đông đã dai dẳng nhất nhì thế giới, sẽ còn phức tạp lâu dài.        

 

Mũi nhọn hơn dàn đều 

Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, đến nay đã trở thành khâu đột phá thế nào, thưa ông?

Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 được ban hành theo Nghị quyết 09/NQ-TW tháng 2/2007 thể hiện hướng đi đúng, tầm nhìn xa trông rộng, tư tưởng chỉ đạo, quyết tâm chính trị nhất quán của Đảng, Nhà nước ta đối với việc phát triển và quản lý biển.

Gần 5 năm thực hiện chiến lược biển, đến nay, trong khai thác và sử dụng biển, đảo, chúng ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng: quy mô kinh tế biển và vùng ven biển được tăng lên; quá trình phát triển kinh tế theo hướng mở; phát triển đột phá ở các hải đảo; công tác điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển được quan tâm hơn; hệ thống thể chế quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo từ trung ương đến địa phương đã hình thành…

 

“Cực phát triển ven biển” là vấn đề ông từng đề cập trong hội thảo, cụ thể thế nào, thưa ông?

Theo định hướng Chiến lược Biển Việt Nam, đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 15 khu kinh tế ven biển, gắn với hệ thống cảng biển nước sâu. Đây là các khu kinh tế hướng biển và phát triển toàn diện. Tuy nhiên, đến năm 2010, số lượng 15 khu như vậy đã ra đời bằng một quyết định của Chính phủ. Do đầu tư dàn trải nên chưa định rõ “cực phát triển tiên phong” và thiếu các tuyến lực đủ mạnh ở ven biển để tạo mối liên kết vùng và sức mạnh liên hoàn. Hiện nay, Trung Quốc đã hình thành cực của họ ở đảo Hải Nam và cực này có thể bao trùm các nước bắc ASEAN và toàn bộ vùng Biển Đông. Cho nên, nếu ta đầu tư có trọng điểm, hình thành các cụm đô thị – cảng – biển mạnh thì đến năm 2020, các mảng không gian biển Việt Nam sẽ trở thành một trong những khu vực biển phát triển năng động trên thế giới. Năm nay, Chính phủ quyết định tập trung đầu tư cho 5 nhóm khu kinh tế ven biển trong số 15 khu nói trên, là một tín hiệu bước đầu tốt. Đó là Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng), Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chu Lai – Dung Quất (Quảng Nam – Quảng Ngãi), Phú Quốc (Kiên Giang).

 

Giữ cho mai sau

Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 đến nay đã trở thành khâu đột phá thế nào, thưa ông?

“Chiến lược được ban hành theo Nghị quyết 09 thể hiện hướng đi đúng, tầm nhìn xa rộng, tư tưởng chỉ đạo, quyết tâm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta đối với việc phát triển và quản lý biển. Tuy nhiên, thời gian tới, để Chiến lược tiếp tục phát huy tác dụng, cần phải nghiêm túc đánh giá đúng và khách quan, để có thể kiến nghị các giải pháp cụ thể. Đặc biệt, phải tạo ra cơ chế chính sách tốt hơn nữa, để nâng đẳng cấp thể chế và khoa học – công nghệ biển nước nhà trong thời gian tới. 

 

Vậy có nghĩa, nơi dự trữ tài nguyên cho con cháu chúng ta chính là biển?

Đúng vậy, các chiến lược gia cho rằng biển và đại dương là nơi dự trữ cuối cùng của loài người về lương thực, thực phẩm, năng lượng trong thế kỷ 21 và tiếp đó”. Luận điểm thời đại “Thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương” đã được Đảng ta thừa nhận, đưa vào Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020. Đại dương và biển còn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong giải quyết vấn đề giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu: thu giữ CO2 và khí nhà kính khác từ bầu khí quyển… Chính vì thế, Hội nghị Thượng đỉnh Rio+20 tại Brazil tháng 6/2012 đã xác định đại dương là một trong 6 vấn đề cần ưu tiên giải quyết, để bảo đảm hành tinh Trái đất bền vững và an sinh xã hội.

>> Trạng Trình – Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1558) có câu: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình”. Tôi hiểu, thế có nghĩa chúng ta phải giữ cho được biển thì mới có đất nước mãi mãi hòa bình, kinh tế hưng thịnh.

Lê Văn Chương (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!