(TSVN) – Giảm FCR luôn là mục tiêu của ngành NTTS trên thế giới và là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người nuôi. Giảm FCR đồng nghĩa với việc giảm chi phí nuôi, giảm ô nhiễm môi trường… và do đó mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho người nuôi cả trước mắt lẫn lâu dài.
Trước khi bắt đầu vụ nuôi, cần triệt để loại bỏ cá tạp, cua còng, tép… có trong ao để giảm sự gia tăng hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) gây ra bởi việc tiêu thụ thức ăn từ những loài không mong muốn này. Đối với ao nuôi tôm không thể hoàn toàn diệt tạp, hoặc cá tạp đã có trong ao còn tôm thì phải sử dụng các biện pháp thủ công như sàng cho thức ăn vào dụ rồi vớt ra hoặc sử dụng các phương pháp bẫy khác để loại bỏ cá hoang dã.
Con giống khỏe mạnh, tốc độ tăng trưởng nhanh sẽ làm cho hiệu quả sử dụng thức ăn tốt và do đó làm giảm FCR. Ngược lại, những con giống chất lượng kém (cận huyết, dị tật, mang mầm bệnh, còi cọc, không đồng đều…) sẽ dẫn đến hiệu quả sử dụng thức ăn kém và làm cho FCR tăng cao. Do đó, để nâng hiệu quả nuôi và cải thiện FCR cần lựa chọn con giống ở cơ sở uy tín và phải xét nghiệm kiểm tra chất lượng giống trước khi thả nuôi. Con giống có chất lượng tốt là con giống sạch bệnh, có tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
FCR bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong đó có chất lượng thức ăn và cách cho ăn. Để thức ăn có chất lượng giúp thủy sản tiêu hóa tốt và đạt hiệu quả cao, thức ăn cần đạt được những tiêu chí sau: Đồng đều về kích thước, hình dạng và màu sắc, ít bụi, bề ngoài mịn, có mùi thơm hấp dẫn, không rã trong nước sau 2 giờ, không chứa tạp chất, nấm mốc, ẩm ướt… thức ăn phải thu hút thủy sản bắt mồi.
Đối với thức ăn tươi khi chế biến cần rửa sạch, băm hoặc nghiền vừa cỡ miệng cá, rồi cho ăn ngay khi còn tươi. Các sản phẩm nông nghiệp dùng chế biến thức ăn cho cá phải được bảo quản an toàn không bị ẩm và nấm mốc gây hại. Những sản phẩm đã bị nấm mốc cần phải thải loại nhằm phòng tránh ngộ độc cho vật nuôi.
Một trong những nguyên nhân làm FCR tăng cao là việc đổ dư thừa thức ăn xuống ao, đặc biệt là trong trường hợp thức ăn chìm, khó quan sát như thức ăn tôm. Trong những ngày môi trường biến động, DO giảm thấp, cá, tôm bắt mồi kém, nếu không để ý sẽ bị dư thừa nhiều thức ăn, càng gây ô nhiễm môi trường, cá bệnh nhiều thêm, tỷ lệ chết cao hơn và do đó làm cho FCR tăng cao. Vì vậy, không nên cho ăn no thỏa mãn nhu cầu của thủy sản, chỉ nên cho ăn no tới 80 – 85% nhu cầu để đảm bảo chất dinh dưỡng trong thức ăn được thủy sản hấp thụ triệt để hơn, thải ra ngoài môi trường ít hơn. Đối với các loài cá hiền (không ăn thịt lẫn nhau), việc cho ăn gián đoạn (một số ngày ăn xen kẽ một số ngày nhịn đói, hoặc một số bữa nhịn đói) nên được lưu ý áp dụng phù hợp cho từng loài. Việc cho cá nhịn đói trong một thời gian thích hợp tạo điều kiện cho việc hấp thụ thức ăn sau đó được tốt hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn và làm giảm FCR.
Thời gian cho ăn cũng là một yếu tố quan trọng. Bởi tiêu hóa thức ăn là một quá trình tiêu thụ ôxy hòa tan rất lớn vì vậy nên chọn thời điểm cho ăn mà lúc ôxy hòa tan cao, thường là buổi sáng. Không nên cho ăn quá muộn vì càng về chiều hay tối thì ôxy càng giảm dẫn đến tình trạng thiếu ôxy làm thủy sản không tiêu hóa thức ăn một cách hiệu quả, ảnh hưởng đến FCR. Vì vậy, cần chọn thời điểm cho ăn thích hợp, lúc hàm lượng ôxy hòa tan cao, ngoài ra cũng nên xiphong ao định kỳ nhằm gom bỏ chất thải của thủy sản, thức ăn dừ thừa ở đáy ao để ổn định nước ao.
Sử dụng sàng để kiểm tra lượng thức ăn của thủy sản, từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Đối với tôm, cần theo dõi tiến độ lột xác của tôm để điều chỉnh giảm trong giai đoạn lột xác và tăng sau khi tôm lột xong.
Định kỳ bổ sung chế phẩm sinh học (enzymes, probiotics, hỗn hợp vitamin, khoáng, chất chiết thảo dược, tỏi…) vào thức ăn thủy sản. Biện pháp này có thể cải thiện được độ tiêu hóa, phòng ngừa dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ sống của thủy sản và do đó giảm được FCR.
Yếu tố quan trọng nhất trong quản lý môi trường nước nuôi đó là giữ cho hàm lượng ôxy hòa tan (DO) trong nước đáp ứng nhu cầu của cá, tôm. DO đối với cá nước lạnh cần cao hơn 6 mg/l, cá nước ấm cần cao hơn 5 mg/l và với tôm cần cao hơn 4 mg/l. DO trong nước cung cấp khí ôxy cần thiết cho hoạt động sống của động vật thủy sản, có lợi cho sự sinh sôi phát triển của vi sinh vật hiếu khí, thúc đẩy phân giải các chất hữu cơ, làm giảm các chất độc hại, ức chế hoạt động của vi sinh vật yếm khí có hại, tăng cường sức miễn dịch của cá, tôm, giúp chúng ít bị bệnh. DO thấp có tác động xấu đến khả năng bắt mồi và tiêu hóa thức ăn của thủy sản. Để giảm FCR, cần quản lý tốt môi trường nuôi, kiểm tra thường xuyên DO, màu nước. Đối với người nuôi cá lồng, bè trên sông, cần lưu ý khoảng cách giữa các lồng, vệ sinh lồng định kỳ, tạo sự thông thoáng của dòng chảy, tránh lưu cữu mầm bệnh trên vật liệu làm lồng.
Kiểm soát các yếu tố môi trường ao nuôi như pH, nhiệt độ, nồng độ khí độc NH3, NO2, NO3… thường xuyên cũng chính là cách kiểm tra gián tiếp DO.
Nên sử dụng chế phẩm sinh học ngay từ đầu giúp quản lý tốt môi trường nước và đáy ao, ngăn ngừa khí độc, ức chế vi khuẩn gây hại…
Thái Thuận