Văn hóa Quảng Ninh thể hiện đậm nét sắc thái vùng Đông Bắc Tổ quốc, là sản phẩm của sự giao lưu, hội tụ, kết hợp giữa văn hóa bản địa và văn hóa các vùng miền, các tộc người, trong đó chủ yếu là văn hóa than và văn hóa biển.
Quảng Ninh vốn là vùng biên giới, cách xa trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước, giao thông đường thủy là chủ yếu. Quảng Ninh cũng là điểm đến cho những người có lối sống phóng khoáng, tự do. Thời cận đại, thực dân Pháp thành lập hàng loạt mỏ than, về các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ mộ phu. Hàng nghìn nông dân nghèo khắp các vùng miền đã đến các mỏ của Quảng Ninh. Phần lớn những người nông dân đó đã định cư lâu dài, hình thành một tầng lớp xã hội mới, đông đảo – đội ngũ công nhân mỏ.
Từ sau ngày tiếp quản Vùng mỏ, đội ngũ công nhân đó ngày càng lớn mạnh. Những người dân di cư không chỉ mang theo văn hóa địa phương ra Vùng mỏ mà còn chung lưng đấu cật cùng người dân bản địa xây dựng quê hương Quảng Ninh mỗi ngày thêm giàu đẹp. Sự hội tụ qua quá trình lịch sử dài lâu đó đã tạo sự đa dạng về văn hóa cho Quảng Ninh.
Hát chèo đường trên Vịnh Hạ Long là lối hát đối đáp, thường là hát tập thể giữa nam và nữ, thường thấy ở các tục hát giao duyên khác ở Bắc Bộ.
Văn hóa Quảng Ninh có sự kết hợp đa dạng văn hóa các vùng, miền: Văn hóa biển đảo của những làng chài định cư trên Vịnh Hạ Long và các vùng biển đảo khác, văn hóa miền núi của các dân tộc ít người, văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Trung Bộ thể hiện đậm nét ở vùng đồng bằng ven biển. Các vùng văn hóa trên giao thoa hài hòa, làm cho văn hóa Quảng Ninh phong phú, phản ánh sắc thái vùng Đông Bắc khó trộn lẫn trong bức tranh văn hóa dân tộc Việt Nam.
Truyền thống lao động sản xuất cần cù, chăm chỉ, sáng tạo, khí chất mạnh mẽ cũng là một phẩm chất ưu trội của người Quảng Ninh. Trải qua hàng nghìn năm, các thế hệ người Quảng Ninh ở bất cứ ngành nghề nào, dù sản xuất trên đồng ruộng, nương rẫy hay mải miết chài lưới ở vùng hải đảo, xa khơi hoặc miệt mài khai thác than dưới hầm sâu hay ngược xuôi buôn bán, đều lao động hết mình.
Họ không chỉ làm cho cuộc sống bản thân ngày càng tốt hơn mà còn góp phần xây dựng quê hương ngày càng thêm giàu đẹp. Đức tính cần cù, chăm chỉ, tháo vát, sáng tạo năng động trong lao động sản xuất là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc, được người Quảng Ninh kế tục và phát huy, trở thành cội rễ của sự tồn tại và phát triển.
Từ thời Pháp thuộc, kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đến nay, tinh thần quật cường của công nhân vùng mỏ luôn tỏa sáng. Ngày 12/11 hằng năm nhắc nhở các thế hệ người dân Quảng Ninh về thời kì gian khổ, hào hùng của công nhân trong cuộc đấu tranh sinh tồn, bảo vệ quê hương, đất nước. Vì thế, văn hóa Quảng Ninh mang nét riêng biệt của văn hóa miền Đông Bắc, được nhân dân vun đắp, bảo tồn qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Sống gần biển nên con người Quảng Ninh hòa hợp thiên nhiên, phóng khoáng, tôn kính tổ tiên, ước mong cuộc sống bình yên, khát khao tình yêu, hạnh phúc, sống đoàn kết, thương yêu, trọng tình, trọng nghĩa. Truyền thống này thể hiện trong các mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với gia đình và xã hội. Con cháu kính trọng thương yêu cha mẹ, ông bà, tôn vinh các bậc tiền bối có công khai hoang khẩn đất. Lễ mừng và rước cụ Thượng hàng năm ở khu vực Hà Nam, Quảng Yên là một dẫn chứng sinh động.
Sống ở vùng đất sau lưng là núi cao, trước mặt là biển rộng, người Quảng Ninh luôn khát khao tự do hôn nhân. Khát khao ấy được gửi gắm trong những bức chạm khắc ở đình Phong Cốc (TX Quảng Yên), trong lời ca tục hát giao duyên của người Sán Chỉ (Bình Liêu), trong lời hát chèo đường, hát đám cưới của dân chài trên Vịnh.
Nói về đặc trưng con người Quảng Ninh, sách Đại Nam nhất thống chí (Viện Sử học, NXB Khoa học – Xã hội, Hà Nội – 1971), trang 13, phần tỉnh Quảng Yên nói về phong tục chỉ vắn tắt về người Quảng Yên (Quảng Ninh ngày nay) rằng: “Tục ưa mạnh tợn…, dân làm nghề đánh chài, đi buôn, mối lợi nhờ núi, biển”.
Cuộc sống nơi biên cương núi non hiểm trở, biển đảo khuất khúc, thường bị thiên nhiên đe dọa, thổ phỉ, hải phỉ cướp bóc, lại kiếm sống bằng những nghề nặng nhọc như làm ruộng, chài lưới, đào mỏ… đã hình thành, tôi luyện người Quảng Ninh thành những con người cần cù, chịu thương, chịu khó, kiên cường, mưu trí.
Truyền thống công nhân Vùng mỏ bất khuất, kiên cường, mạnh mẽ, dứt khoát, giản dị, cương trực, tập trung và có tổ chức là đặc điểm chung của người Quảng Ninh hiện đại. Phong cách, lối sống tự chủ, nhanh nhẹn, năng động của đội ngũ công nhân mỏ đã tác động mạnh mẽ đến sự hình thành, phát triển văn hóa Quảng Ninh. Đó là cơ sở để Quảng Ninh tập hợp được lực lượng nòng cốt ưu tú trong phong trào chống thực dân phong kiến, tạo nên sức mạnh nội lực chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước thời hòa bình.
Kỷ luật và đồng tâm là trụ cột văn hóa phát triển ngành Than.
Những con người từ nhiều vùng, miền đến lập nghiệp, mang theo văn hóa gốc của quê hương mình đã hình thành nên nét văn hóa đặc trưng ở vùng đất này: Tính đa dạng, đa sắc màu. Đặc trưng văn hóa con người Quảng Ninh là sự kết hợp giữa văn hoá biển hàm chứa những giá trị truyền thống, bản địa như hào sảng, lành mạnh, thân thiện với văn hoá công nhân mỏ mang những giá trị mới, sáng tạo, văn minh. Nghị quyết số 11-NQ/TU “Về xây dựng, phát triển văn hoá, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” xác định mục tiêu xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng: “Năng động – sáng tạo – hào sảng – lành mạnh – văn minh – thân thiện”.
Phạm Học
Nguồn: Báo Quảng Ninh