Bình Định: Bất ngờ, rùa biển quay lại xã đảo Cù Lao Xanh, đẻ trứng sau 10 năm vắng bóng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – “Chúng tôi thực sự vui mừng và bất ngờ, vì sau gần 10 năm vắng bóng rùa biển quay lại xã đảo Cù Lao Xanh (Nhơn Châu)”. Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Hạ Lào, thành viên Tổ chức Cộng đồng ( TCCĐ) Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản xã Nhơn Châu.

Sáng ngày 15/7 rùa biển đã quay trở lại đẻ trứng tại bãi biển ở khu dã ngoại bãi Nam đảo Cù lao Xanh (từ TP Quy Nhơn có thể nhìn thấy bãi này). Theo quan sát của TCCĐ,  thì rùa biển này đã bò theo hình chữ U. Từ mép biển đến ổ trứng thật là 18 m, từ ổ trứng bò ngang 15 m, và từ ổ trứng giả bò xuống biển 21 m. Khoảng cách đường di chuyển của rùa biển (từ trái sang phải) dao động từ 0,95 – 1m. Rùa biển đã đào 3 ổ trứng, trong đó có 2 ổ trứng giả (có kích thước lớn, rùa đào không lấp lại) và một ổ nhỏ hơn, có trứng.

Trước đó, sáng sớm cùng ngày một nhóm người dân đi đánh lưới cá nhỏ ở khu vực gần bờ, họ đưa lưới vào bờ để gỡ cá, thì thấy đường di chuyển của rùa biển, kiểm tra các ổ trứng thì thấy ổ nhỏ nhất có trứng và ngay lập tức báo ngay cho TCCĐ.

Ổ trứng rùa biển đã được TCCĐ nhanh chóng quây lưới bảo vệ. Ảnh: TCCĐ

Ông Nguyễn Văn Bé, Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Châu cho biết nhận được thông tin, TCCĐ đã nhanh chóng lấy lưới tè mành trủ quây lại ổ trứng và cắm biển để bảo vệ; phát thanh tuyên truyền liên lục để bà con, người dân và du khách ý thức, chung tay bảo tồn rùa biển. Đồng thời chúng tôi đã báo Chi cục Thủy sản hướng dẫn để có biện pháp bảo vệ  bãi đẻ, để rùa biển lên đẻ tự nhiên.

Cù Lao Xanh (Nhơn Châu) là một xã đảo, có diện tích 362,14 ha, xung quanh biển bao bọc, cách đất liền TP Quy Nhơn 24 km về phía Đông Nam và cách bờ tỉnh Phú Yên 12 km về phía Đông Bắc. Cù Lao Xanh mang vẻ đẹp mộc mạc, đơn sơ, giản dị với nhiều đồi núi có địa hình dốc chiếm hơn 63% diện tích tự nhiên của đảo, trong đó 25% diện tích đất lâm nghiệp, trồng rừng phòng hộ với thành phần chính là cây keo. Đặc biệt có 2 dãy núi cùng dải đất nhô ra biển Đông khoảng 3,6 km2 tạo thành bãi Bấc và bãi Nồm, hình thành những ghềnh đá, eo vịnh với nhiều rạn san hô, thảm rong tảo biển tạo nên hệ sinh thái đa dạng, là nơi trú ngụ của các loại sinh vật đặc trưng và có giá trị cao của vùng rạn như: cầu gai (nhím biển), tôm hùm, cá mú, cá hồng, các loài ốc biển, mực lá,… rất đa dạng và phong phú.

Đường di chuyển của ổ biển. TCCĐ đã lần theo dấu chân này để tìm ra ổ trứng. Ảnh: TCCĐ

Dân cư Nhơn Châu chủ yếu tập trung ở khu vực phía trước đảo với 608 hộ và 2.100 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác thủy sản ven bờ, nuôi trồng thủy sản. Trong những năm trở lại đây, nhất là từ khi có điện lưới quốc gia vào năm 2020, tình hình kinh tế – xã hội của xã đảo Nhơn Châu đã có bước phát triển mạnh mẽ; đời sống nhân dân có nhiều thay đổi và phát triển từng ngày, nhân dân trên đảo đang chuyển dần từng bước sang làm thương mại dịch vụ và du lịch. Trên xã đảo có nhiều điểm du lịch như khu dã ngoại Bãi Nhỏ, khu dã ngoại Cù Lao Xanh (Đá Hòn), Bãi đá Thảo Nguyên, Bãi Nam, Hải đăng Cù Lao Xanh, Bàn Cờ – Giếng Tiên, Cột cờ Tổ Quốc…. đã thu hút lượng khách đến tham quan du lịch khá đông, trung bình mỗi năm khoảng  13.000 lượt khách. 

“Nhiều năm trước, rùa biển cũng thường xuyên lên bãi Nam để đẻ trứng. Lúc đó người dân không biết nên thường moi lấy trứng về ăn. Việc rùa biển quay trở lại xã đảo đẻ trứng là một tín hiệu rất đáng mừng cho công tác bảo tồn ở địa phương, chúng tôi sẽ cố gắng quản lý, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng bảo vệ tốt bãi đẻ gắn với phát triển du lịch tại địa phương” . Ông Bé thông tin thêm.

Được biết trong thời gian qua, rùa biển liên tục lên đẻ trứng tại các bãi biển ven ở Bình Định. Trong vòng hơn 1 tháng (từ 21/5 – 25/6) đã có 4 lượt rùa biển lên bãi biển trước khu dân cư của xã Nhơn Hải để đẻ trứng với tổng số trứng khoảng 400 quả (đêm 21/5 đẻ 103 trứng, đêm 2/6 đẻ 102 trứng, đêm 13/6 đẻ 99 trứng, đêm 25/6 khoảng 100 trứng). Tổng số trứng trên do cùng một rùa mẹ đẻ. Rùa mẹ này dài 0,94 m, chiều rộng mai rùa 0,86 m, ước nặng hơn 90 kg, thuộc loài Rùa Xanh, Vích (Chelonia mydas) – thuộc nhóm “đang bị đe dọa” theo phân loại của IUCN, phụ lục I của công ước CITES về cấm buôn bán vận chuyển quốc tế. Các ổ trứng đẻ sát mép nước nên được tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải di dời đến nơi an toàn tại khu vực mũi Cồn. Trong đó ổ trứng đầu tiên nở được 57 con, đạt tỉ lệ nở thành công là 55%.

Dự kiến một lớp tập huấn về bảo tồn bãi đẻ rùa tập huấn cho Tổ chức cộng đồng kỹ thuật cứu hộ rùa biển trưởng thành, kỹ thuật theo dõi và quản lý bãi đẻ rùa biển, kỹ thuật cứu hộ rùa biển, thú biển do chuyên gia IUCN trực tiếp giảng dạy sẽ được tổ chức tại Bình Định vào 24/7.

Ái Trinh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!