Nghề cá là một trong những ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của Bình Định. Tuy nhiên, để nghề cá phát triển tốt hơn, đóng góp nhiều hơn, kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần phục vụ nghề cá… cần được tăng cường đầu tư nhiều hơn.
Bình Định là một trong những địa phương có truyền thống nghề cá, và có số lượng tàu thuyền lớn với gần 7.800 chiếc, tổng công suất trên 670 ngàn CV, trong đó 2.408 tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên thường xuyên di chuyển ngư trường, hoạt động khai thác chủ yếu ở các vùng biển xa thuộc chủ quyền của đất nước.
Những thành tựu
Phần lớn tàu thuyền tham gia đánh bắt xa bờ của tỉnh đều được ngư dân trang bị các thiết bị hàng hải khá hiện đại, phục vụ tốt việc dò tìm ngư trường, thông tin liên lạc trên biển như: ra đa hàng hải, máy tầm ngư, máy định vị, điện thoại tầm xa… Bên cạnh đó, số lượng tàu thuyền công suất lớn được đầu tư đóng mới và đưa vào hoạt động ngày càng nhiều, ngư dân tích cực bám biển, nên sản lượng hải sản khai thác hàng năm của ngư dân Bình Định đạt khá cao, từ 100 ngàn tấn trở lên. Riêng 8 tháng đầu năm nay, ngư dân tỉnh ta đã khai thác được 110.650 tấn, tăng trên 15% so với cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng cá ngừ đại dương đạt 7.113 tấn, tăng 83,8%.
Cảng cá Quy Nhơn được nâng cấp, mở rộng từng bước đáp ứng được yêu cầu của ngư dân (Trong ảnh: Tàu thuyền ngư dân cập cảng cá Quy Nhơn để tiêu thụ sản phẩm)
Cùng với sự phát triển năng lực tàu thuyền của ngư dân, những năm gần đây, tỉnh ta cũng tích cực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hậu cần nghề cá thông qua nhiều chương trình, dự án. Trong đó, có dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá ở Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), được đầu tư xây dựng từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư 74,3 tỉ đồng, đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá Quy Nhơn cũng đã được thực hiện và đưa vào sử dụng trong năm 2012 với tổng vốn đầu tư 45,287 tỉ đồng. Trước đó, cảng cá Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) cũng đã được đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động có hiệu quả.
Ngoài ra bằng nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình giống thủy sản 112 và Chương trình hạ tầng nuôi trồng thủy sản 224, tỉnh ta cũng đã đầu tư xây dựng Trại thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Mỹ Châu (Phù Mỹ); Trạm thực nghiệm nuôi thủy sản Cát Tiến (Phù Cát); đầu tư nâng cấp hệ thống kênh mương phục vụ nuôi tôm xã Phước Sơn, Phước Thuận (Tuy Phước) và hệ thống kênh mương phục vụ nuôi trồng thủy sản xã Mỹ Đức, Mỹ An (Phù Mỹ) nhằm phục vụ sản xuất, tạo điều kiện cho người dân nuôi trồng thủy sản có hiệu quả hơn.
Mạng lưới dịch vụ hậu cần nghề cá ở tỉnh cũng phát triển khá mạnh, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động ở các địa phương ven biển. Hiện nay, ngành khai thác hải sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Một số hạn chế
Tuy nhiên, xét trên bình diện tổng thể, lĩnh vực khai thác, đánh bắt hải sản vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có của địa phương. Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, nguyên nhân lớn nhất là do cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá chưa theo kịp sự phát triển của ngành này. Thực tế cho thấy, cơ sở hạ tầng nghề cá, bến cá, khu neo đậu cho tàu cá (cảng cá Tam Quan, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá ở Tam Quan Bắc; cảng cá Đề Gi, khu neo đậu tàu thuyền nghề cá Quy Nhơn…) tuy đã được đầu tư, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, tàu thuyền vào neo đậu, tiêu thụ sản phẩm và tiếp nhận các dịch vụ nghề cá còn gặp nhiều khó khăn.
Tàu thuyền đánh bắt hải sản cập cảng tại Cảng cá Quy Nhơn – Ảnh: Văn Lưu
Các công trình hỗ trợ thiết yếu khác như cầu tàu, khu sơ chế, kho bãi, hệ thống xử lý nước thải, cung cấp nước ngọt và kho lạnh chứa hàng… ở các cảng cá nói trên vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Ở các điểm dành cho tàu thuyền neo đậu tránh trú bão, hệ thống luồng lạch bị bồi lấp tự nhiên nên thường xuyên bị cạn, tàu thuyền ra vào gặp rất nhiều trở ngại…
Trình độ công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm sau khai thác trên các tàu cá xa bờ của tỉnh ta vẫn ở mức độ thấp, sản xuất chưa ổn định, năng suất và hiệu quả đạt được chưa cao. Công tác dự báo ngư trường còn hạn chế; việc theo dõi, quản lý, giám sát hoạt động nghề cá, phòng chống lụt bão trên biển vẫn còn khó khăn, đặc biệt là đối với nhóm tàu khai thác xa bờ…
Tặng cường đầu tư phát triển hạ tầng
Thời gian qua, UBND tỉnh đã đề xuất, kiến nghị với Trung ương ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án phát triển nghề cá tại Bình Định. Trong đó, đầu tư khu neo đậu trú bão cho tàu cá ở đầm Đề Gi với tổng vốn đầu tư 354,6 tỉ đồng; xây dựng cảng cá Tam Quan khoảng 73,5 tỉ đồng; khu neo đậu cho tàu cá Quy Nhơn khoảng 20 tỉ đồng; nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường tại huyện Tuy Phước với tổng vốn đầu tư 13 tỉ đồng; xây dựng khu bảo tồn vùng nước nội địa đầm Trà Ổ (Phù Mỹ) và khu bảo tồn biển cấp tỉnh khu vực Nhơn Châu, Nhơn Lý, Nhơn Hải và Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn)…
Ông Nguyễn Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ quản lý, khai thác có hiệu quả các cảng cá và các khu neo đậu tàu thuyền trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT sẽ tăng cường công tác đào tạo, nâng cao kiến thức nghề cá và kỹ thuật đánh bắt, bảo quản sản phẩm cho ngư dân. Tăng cường và nâng cao chất lượng thông tin dự báo ngư trường, nguồn lợi hải sản, giúp ngư dân xác định đúng vị trí để khai thác có hiệu quả. Đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ cung ứng và thu mua hải sản tại các cảng cá, vừa tạo điều kiện cho dịch vụ nghề cá phát triển, vừa giảm thiểu đến mức thấp nhất sự xâm hại quyền lợi của ngư dân”.
Có thể thấy rằng, việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá cần có nguồn vốn đầu tư lớn và cần nhiều thời gian mới thực hiện được. Hiện ngành Nông nghiệp tỉnh đang chuẩn bị các đề án cụ thể về đầu tư phát triển nghề cá để trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt trong thời gian đến.
>> Hiện nay, ngành khai thác hải sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. |