Gần đây, nhiều hộ dân ở các xã khu Đông huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn đã ngang nhiên dùng cọc tre, lưới để đăng chắn, bao chiếm trái phép hàng trăm ha mặt nước đầm Thị Nại để nuôi trồng, khai thác thủy sản (NT-KTTS), gây bức xúc cho người dân địa phương. Trước tình hình này, UBND tỉnh vừa yêu cầu các địa phương nói trên có biện pháp xử lý đối với các đối tượng vi phạm.
Cả trăm hộ vi phạm
Tình trạng bao chiếm trái phép mặt nước đầm Thị Nại để NT-KTTS đã diễn ra khá lâu và bùng phát mạnh từ cuối năm 2011 đến nay. Theo kết quả kiểm tra của UBND huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn, hiện có 122 điểm vi phạm đăng chắn trái phép với 133 hộ dân tại các xã ven đầm tham gia lấn chiếm trên 244 ha mặt nước đầm. Hầu hết các đối tượng vi phạm tập trung tại các xã khu Đông huyện Tuy Phước với 132 hộ, gồm xã Phước Thuận 59 hộ, xã Phước Sơn 71 hộ, xã Phước Hòa 2 hộ và xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) có 1 hộ. Các hộ này đã dùng lưới và cọc tre để đăng chắn, khoanh nuôi các đối tượng thủy sản như sìa, hàu, cua, tôm, cá…; gây ảnh hưởng đến dòng chảy, làm tắc nghẽn giao thông đường thủy và ô nhiễm môi trường mặt đầm.
Một trường hợp dùng cọc tre, lưới đăng chắn nuôi trồng thủy sản trên mặt đầm Thị Nại.
Ông Lê Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), cho biết: “Tình trạng người dân đổ xô ra đầm để đăng chắn, lấn chiếm mặt đầm Thị Nại để NT-KTTS trái phép diễn ra từ nhiều năm nay. Trước đây, chính quyền địa phương chỉ vận động người dân tự giác dỡ bỏ đăng chắn và xử phạt hành chính mà không kiên quyết xử lý cưỡng chế tháo dỡ, nên nhiều hộ dân cứ tiếp tục mua tre, trảy về cắm thành ô, giăng lưới để tranh giành mặt nước từ 2 – 4 ha/hộ; dưới đáy nuôi sìa, trên thả lưới lồng tận thu thủy sản, gây bức xúc cho người dân hành nghề đánh bắt thủy sản truyền thống trên đầm và nhiều hệ lụy khác”.
Theo thống kê, toàn xã Phước Thuận có 59 hộ vi phạm với diện tích lấn chiếm mặt đầm trên 51 ha. Việc đăng chắn lấn chiếm mặt đầm để khai thác, NT-KTTS đã làm cho hàng trăm hộ dân hành nghề truyền thống trên đầm bị giảm thu nhập do nguồn lợi thủy sản cạn kiệt. Bên cạnh đó, việc nuôi trồng các đối tượng thủy sản như sìa, cua, tôm, cá tự do trên mặt đầm đã gây ô nhiễm môi trường nước, lây lan dịch bệnh cho các hộ nuôi trồng thủy sản tại địa phương; vi phạm hành lang giao thông đường thủy… UBND xã hiện đã xác lập danh sách các đối tượng vi phạm để kiến nghị lên UBND huyện có biện pháp xử lý.
Ông Nguyễn Đình Hòa, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, cho biết thêm: “Cuối năm 2011, UBND xã đã thành lập tổ công tác, xác lập số hộ tự ý chiếm mặt nước để NT-KTTS; đồng thời yêu cầu các hộ này làm cam kết tháo dỡ. Tuy nhiên, do việc xử lý chưa được triệt để, mức xử phạt của địa phương còn nhẹ nên nhiều hộ cố tình không chấp hành. Do vậy, số hộ vi phạm ngày càng tăng, trên địa bàn xã Phước Sơn hiện có 71 hộ vi phạm lấn chiếm mặt đầm để đăng chắn NT-KTTS trái phép. Hiện nay, xã đang tập trung triển khai các biện pháp nhằm xử lý rốt ráo vấn nạn này.
UBND tỉnh yêu cầu xử lý dứt điểm
Trước tình hình nói trên, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 4487/UBND-TD gửi UBND huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn yêu cầu tập trung ngăn chặn và xử lý dứt điểm tình trạng đăng chắn, lấn chiếm trái phép mặt đầm Thị Nại để NT-KTTS.
Dùng mành tre để nuôi cua trên mặt đầm.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh nghiêm cấm mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hành vi lấn chiếm diện tích mặt nước đầm Thị Nại để sử dụng các loại ngư lưới cụ NT-KTTS không theo quy định; làm cản trở dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường, gây mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. UBND tỉnh yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân đã cắm cọc, chắn lưới NT-KTTS trái phép trên đầm không được thả giống gây nuôi các loài thủy sản dưới bất cứ hình thức nào và tiến hành tháo dỡ ngay các công trình đã vi phạm. Trường hợp các hộ gia đình, cá nhân nào không chấp hành hoặc cố tình vi phạm, UBND huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm trên đầm thuộc địa phận quản lý của mình theo đúng quy định của pháp luật. Chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra việc lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm diện tích mặt nước đầm Thị Nại để NT-KTTS trái phép, gây mất an ninh trật tự ở địa phương.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện UBND huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn đã thành lập tổ công tác để phối hợp với UBND các xã tổ chức kiểm tra, xác lập danh sách các hộ vi phạm nhằm xử lý dứt điểm. Ông Nguyễn Bay, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: “Hiện nay, tổ công tác của huyện đang tập trung tuyên truyền, vận động các đối tượng vi phạm không được thả nuôi sìa, cua, tôm, cá… trên các đăng chắn lấn chiếm mặt đầm; tự giác thác dỡ lưới, cọc tre, giao trả mặt nước theo hiện trạng ban đầu. Nếu hết thời gian quy định (30 ngày) mà các hộ vi phạm không tự giác tháo dỡ, tổ công tác của huyện sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế, kiên quyết không để tình trạng lấn chiếm mặt đầm kéo dài thêm nữa”.