Bình Định: Phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Được triển khai từ 2005, sau gần 20 năm thực hiện, Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản” tại Bình Định đã trở thành đòn bẩy, công cụ hiệu quả giúp chính quyền và nhân dân các địa phương thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đến nay, phong trào đã lan tỏa sâu rộng đến 31 xã, phường ven biển, đầm trong tỉnh, nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Bình Định có đường bờ biển dài 134 km, vùng lãnh hải 2.500 km2, vùng đặc quyền kinh tế 40.000 km²; có 03 đầm (đầm Thị Nại, đầm Đề Gi và đầm Trà Ổ) với tổng diện tích gần 8.000 ha và trên 160 hồ chứa và 04 con sông lớn (La Tinh, Hà Thanh, Lại Giang, Sông Côn). 

Hệ sinh thái (HST) ven đầm/ven biển đặc trưng của Bình Định bao gồm: rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và hệ sinh thái rạn san hô. Vùng phân bố của rạn san hô ven bờ tỉnh Bình Định từ Hoài Mỹ (Hoài Nhơn) đến Quy Nhơn. Đặc biệt ở vùng vịnh Quy Nhơn với địa hình nhiều đảo nhỏ, ghềnh đá là nơi có hệ sinh thái rạn san hô và thảm cỏ biển phong phú tập trung ở vùng ven biển thuộc các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Ghềnh Ráng và Cù Lao Xanh (Nhơn Châu). 

Hệ sinh thái rạn san hô được các TCCĐ ở khu vực biển Quy Nhơn khoanh vùng bảo vệ đang dần được phục hồi. Ảnh: TCCĐ

Nguồn lợi thủy, hải sản ở vùng biển tỉnh Bình Định khá đa dạng và phong phú với trên 500 loài cá, trong đó có 38 loài có giá trị kinh tế. Sự đa dạng của HST ven đầm, ven biển của Bình Định cũng như nguồn lợi thủy, hải sản phong phú là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển các ngành nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy, hải sản góp phần phát triển kinh tế biển.

Theo Chi cục Thủy sản, thông qua việc tổ chức thực hiện Phong trào hàng năm, vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã được tăng cường. Cụ thể, trong năm 2024, cơ quan chức năng cùng với cộng đồng đã giải cứu 6 cá thể rùa biển (2 con đồi mồi, 2 con vích và 2 đồi mồi dứa); thả 57.400 con cá giống các loại xuống đầm Trà Ổ và hơn 20 kg cá chình xuống khu vực biển vịnh Quy Nhơn nhằm tái tạo nguồn lợi.

Cùng với đó, mô hình quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng được Bình Định chú trọng thực hiện. Sau khi Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực, Chi cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát và kiện toàn 5 mô hình đồng quản lý theo Luật Thủy sản: Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu, Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) và đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ). Một số Tổ chức cộng đồng (TCCĐ) như Nhơn Hải, Nhơn Châu đã thực hiện tốt công tác bảo tồn rùa biển. Tại Bình Định năm 2024 đã có 9 lượt rùa (thuộc loài Rùa Xanh, Vích (Chelonia mydas) – thuộc Nhóm “đang bị đe dọa” theo phân loại của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN, Phụ lục I của công ước CITES về cấm buôn bán vận chuyển quốc tế)  lên  đẻ trứng (bãi biển xã Nhơn Hải 7 ổ và xã Nhơn Châu 2 ổ). Mỗi ổ trứng có số lượng dao động từ 75 – 110 quả. Trong đó 8/9 ổ trứng đã nở (1 ổ trứng ở Nhơn Châu không có phôi)  với tổng số rùa con là 283 con/822 trứng đạt tỉ lệ 34,4%. Tuy kết quả đạt được chưa cao nhưng điều này đánh dấu sự nỗ lực lớn của TCCĐ.

Rùa biển quay lại Bình Định đẻ trứng, rùa con chào đời được cộng đồng quan tâm bảo vệ. Ảnh: TCCĐ

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Trưởng Ban đại diện TCCĐ xã Nhơn Hải cho biết TCCĐ xã Nhơn Hải thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, dọn vệ sinh bãi biển và bắt sao biển gai, thả phao tiêu biển báo tại khu vực khoanh vùng, quan trắc đánh giá hệ sinh thái rạn san hô và nguồn lợi thủy sản theo định kỳ hằng năm. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm như bẻ phá san hô, khai thác trái phép… Đến nay hệ sinh thái rạn san hô tại khu vực biển Hòn Khô nhỏ được giao cho TCCĐ đang dần phục hồi. 

Phát huy sức mạnh đồng quản lý, từ khi thành lập đến nay TCCĐ bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ thường xuyên tổ chức tuần tra giám sát hoạt động khai thác thủy sản trên đầm, truy quét các hoạt động khai thác thủy sản bằng xung điện và đã tịch thu được 2 ghe (01 ghe composite, 1 ghe nhôm), 7 bình ắc quy và 14 bộ kích điện, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên đầm, ông Lê Việt Thanh, Phó Ban đại diện TCCĐ đầm Trà Ổ cho hay.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành và địa phương, phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã phát huy sức mạnh  toàn dân và  đạt được một số kết quả nhất định, góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, bảo tồn rùa biển,chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Cộng đồng ngư dân đã có ý thức và trách nhiệm hơn khi tham gia các hoạt động thủy sản và tham gia đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm… đóng góp chung vào mục tiêu phát triển bền vững ngành kinh tế thủy sản của tỉnh.

Ái Trinh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!