(TSVN) – Để khắc phục những tồn tại trong khâu thực hiện công tác chống IUU trong thời gian qua, Bình Định nên tăng cường phối hợp xác minh, lập hồ sơ xử phạt quyết liệt hơn các trường hợp vượt cảnh báo hoặc tắt giám sát hành trình.
Đó là đề xuất của Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định trong buổi làm việc với các sở, ngành và các địa phương ven biển tỉnh Bình Định của Thường trực Tỉnh ủy Bình Định về triển khai các giải pháp cấp bách về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo không theo quy định trên địa bàn tỉnh sáng ngày 13/12.
Trên địa bàn toàn tỉnh Bình Định, hiện có hơn 5.700 tàu cá hoạt động khai thác trên vùng biển Việt Nam, trong đó có hơn 1.500 chiếc khai thác vùng ven bờ, 1.000 chiếc hoạt động vùng lộng và hơn 3.200 chiếc hoạt động vùng khơi. Số liệu đăng ký tàu cá được cập nhật hàng ngày trên hệ thống thông tin tàu cá và được kết nối với cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia của Bộ NN&PTNT và đều thực hiện việc đánh dấu tàu cá theo đúng quy định.
Ảnh minh họa. Ảnh: Báo Bình Định
Dù thời gian qua, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, nỗ lực triển khai đồng bộ thực hiện các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu, tuy nhiên đến nay tình trạng tàu cá hoạt động không có giấy phép khai thác thủy sản và vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn. Các tàu cá hoạt động không có giấy phép chủ yếu tại các vùng bãi ngang, vùng đầm trong tỉnh, nơi có ít sự tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng.
Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, tỉnh Bình Định đã có 37 tàu/231 thuyền viên bị các nước trong khu vực bắt giữ. Riêng năm 2020, có 10 tàu/61 thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ, trong đó 4 tàu cá từ 15 m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và 6 tàu dưới 15 m không lắp thiết bị giám sát hành trình đóng mới cách đây từ 15 – 30 năm, làm nghề câu mực, kiêm mành mực ở Vũng Tàu.
Hầu hết các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đều làm thủ tục xuất bến ngoài tỉnh, nhiều năm liền chủ tàu không đưa tàu cá về địa phương. Tàu cá vi phạm chủ yếu là tàu nhỏ có chiều dài dưới 15m, tàu cũ, giá trị thấp, chưa quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Nguyên nhân còn xảy ra những sai phạm trên là do người dân vì lợi ích kinh tế đã cố tình đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài; đa phần chủ tàu không trực tiếp tham gia khai thác mà thuê thuyền trưởng điều khiển, tự tổ chức đánh bắt, vì vậy thuyền trưởng đã cố tình xâm phạm lãnh hải các nước để khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Ngoài ra, một số trường hợp tàu gặp gió, bão hoặc chạy tránh trú bão tàu bị hỏng máy trôi trên biển, bị dạt vào các vùng biển nước ngoài nhưng không biết các biện pháp xin hỗ trợ khẩn cấp nên bị bắt giữ… Trong khi đó, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam trên biển còn mỏng, không đủ lực lượng để tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài để cảnh báo.
Công an tỉnh Bình Định cho biết, công tác xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp tàu cá vi phạm chưa đạt. Trong năm 2022, phát hiện ra 119 lượt/111 tàu nhưng chỉ mới xử lý 36 trường hợp và chỉ mới xử lý 6/36 trường hợp vi phạm hành chính. Việc đánh giá thống kê số tàu chưa cao. Vì vậy, tỉnh nên có quy định những tàu nằm trong diện nguy cơ cao trong việc xâm phạm vùng lãnh hải yêu cầu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát.
Minh Hiếu