(TSVN) – Bình Định là một trong những tỉnh có ngành thủy sản khá mạnh với cả hai lĩnh vực là nuôi trồng và khai thác. Riêng nuôi trồng thủy sản, tỉnh có đầy đủ lợi thế phát triển với các hình thức nuôi nước ngọt, mặn, lợ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh đã khiến cho nghề nuôi này khá bấp bênh. Vậy nên, kiểm soát tốt điều này sẽ giúp nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.
Bình Định là một tỉnh ven biển Nam Trung bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Với bờ biển dài 134 km và hàng chục nghìn ha mặt nước đầm phá, hồ chứa nước là điều kiện rất thuận lợi cho sự phát triển của ngành thủy sản ở địa phương.
Bên cạnh hệ thống đầm phá đa dạng như đầm Trà Ổ có diện tích rộng lớn và các hồ chứa thích hợp cho nuôi trồng thủy sản nước ngọt, các loài cá nước lạnh như cá tầm… Bình Định còn có những đầm phá lớn như đầm Thị Nại, đầm Đề Gi, vùng cửa sông Tam Quan thích hợp cho nuôi trồng thuỷ sản nước lợ. Cùng đó, bờ biển dài, vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn với nhiều giống loài thủy sản phong phú là lợi thế lớn để tỉnh phát triển nghề nuôi biển.
Mô hình nuôi tôm hùm tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: ST
Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, về nuôi trồng thủy sản nước ngọt, hiện tỉnh diện tích nuôi trồng khoảng 2.306,4 ha, chủ yếu nuôi theo các hình thức: nuôi cá quảng canh trong hồ chứa thủy lợi , nuôi cá lồng trên hồ chứa. Sản lượng cá nước ngọt đạt khoảng 2.715 tấn.
Về nuôi nước lợ, tỉnh có diện tích khoảng 2.283 ha, trong đó đối tượng nuôi chính tôm thẻ chân trắng, tôm sú. Trong đó đã hình thành các vùng nuôi tôm thâm canh, công nghiệp; vùng nuôi tôm công nghệ cao.
Với nuôi nước mặn, tỉnh đã hình thành các vùng ương, nuôi tôm hùm. Nghề ương, nuôi nâng cấp tôm hùm và nuôi cá lồng trên biển phát triển, trong đó số lượng lồng ương tôm hùm giống tăng nhanh. Các đối tượng nuôi thủy sản biển: tôm hùm; các loài cá mú, hồng, bớp, ốc hương, hàu…
Thế nhưng, vài năm trở lại đây, tình hình thời tiết diễn biến bất thường đã tác động tiêu cực tới môi trường nuôi khiến dịch bệnh xảy ra nhiều hơn gây thiệt hại lớn về kinh tế. Điển hình là năm 2021, ở vụ nuôi tôm thứ hai, toàn tỉnh có 28 ha tôm nuôi bị bệnh. Còn vụ nuôi tôm nước lợ đầu năm nay đã có 44 ha tôm bị bệnh, trong đó 30 ha bị sốc môi trường nước… Theo đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh, nguyên nhân là môi trường nước khiến công tác phát hiện và chữa trị khó có hiệu quả, việc khoanh vùng ổ dịch mất nhiều thời gian. Hiện nay, nguy cơ dịch bệnh trên thủy sản nuôi vẫn phức tạp, khó kiểm soát do nhiều trường hợp phát hiện dịch bệnh không báo cáo mà tự xử lý.
Nhằm đảm bảo an toàn cho nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, trong kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2022 – 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định, tỉnh đặt mục tiêu khống chế diện tích nuôi bị bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi nước lợ thấp hơn 10% tổng diện tích nuôi. Các đối tượng nuôi lồng bè (tôm hùm, cá biển…) bảo đảm số lồng bè bị bệnh thấp hơn 15% tổng số lồng bè tại diện tích nuôi. Với cá lồng bè nuôi trên hồ chứa thủy lợi, khống chế số lồng nuôi bị bệnh thấp hơn 15% tổng số lồng nuôi; Nuôi cá trong ao hồ nhỏ, khống chế diện tích bị bệnh thấp hơn 5% tổng diện tích nuôi; nuôi ngao, tu hài, bảo đảm diện tích bị bệnh thấp hơn 5% tổng diện tích nuôi.
Cùng đó, xây dựng biện pháp kiểm soát đối với các bệnh nguy hiểm thường xuyên xuất hiện và bệnh mới xuất hiện trên thủy sản nuôi. Đồng thời, xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh đối với một số bệnh nguy hiểm theo quy định của Bộ NN&PTNT để đảm bảo cung cấp con giống sạch bệnh trong tỉnh, phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu…
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được tỉnh đặt ra nữa là thường xuyên kiểm tra cơ sở nuôi thủy sản; trường hợp phát hiện động vật thủy sản có dấu hiệu bất thường, nghi mắc bệnh, tổ chức lấy mẫu, xét định tác nhân gây bệnh và các thông số quan trắc môi trường. Kiểm soát chặt chẽ nguồn giống thủy sản bố mẹ nhập về ở các trại giống để sinh sản và kiểm dịch con giống thủy sản khi vận chuyển ra ngoài tỉnh. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật thủy sản và sản phẩm động vật thủy sản lưu hành trong tỉnh và nhập tỉnh.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và cơ sở sản xuất, mua bán, xuất khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Xử phạt nghiêm các trường hợp xả thải mầm bệnh động vật thủy sản ra môi trường khi chưa qua xử lý theo quy định hiện hành…
Phan Thảo