(TSVN) – Ngày 18/4, Chi cục Thủy sản Bình Định đã tiến hành thả một cá thể đồi mồi dứa do người dân giao nộp về lại môi trường tự nhiên.
Trước đó, vào chiều ngày 17/4, ông Nguyễn Trần Quốc Thông, 24 tuổi (trú tại thôn Xuân Bình, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ) đã liên hệ cơ quan chức năng để giao nộp cá thể đồi mồi dứa nặng khoảng 13 kg, có chiều dài và chiều rộng mai bằng nhau 48 cm.
Ông Thông cho biết, vào sáng cùng ngày, khi đi thể dục dọc biển Mỹ An thì thấy ngư dân mang vào vào bờ một cá thể rùa biển bị vướng phải lưới đánh cá. Do bị quấn lưới nên cá thể rùa này bị trầy xước da ở cổ, tuy nhiên vẫn còn khỏe mạnh và rất linh hoạt. Được biết đây là loài động vật quý hiếm nên ông đã vận động ngư dân giao cá thể rùa này cho mình và báo cho chính quyền địa phương xã Mỹ An để giao nộp. Ngay lập tức trong sáng đó, ông Trần Văn Thừa, cán bộ khuyến ngư xã Mỹ An đã báo sự việc trên cho Chi cục Thủy sản. Rất nhanh chóng ông Trần Văn Vinh, Phó Cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định cùng một cán bộ Chi cục Thủy sản đã vượt 50 km, di chuyển từ Quy Nhơn ra xã Mỹ An để tiếp nhận và giải cứu rùa biển.
Thả đồi mồi dứa về biển tại Khu vực biển xã Nhơn Lý. Ảnh: CCTS
Qua kiểm tra, TS Trần Văn Vinh xác nhận với các đặc điểm của rùa biển như có 6 hoặc nhiều hơn 6 đôi vảy sườn (hiện rùa biển này có 7 đôi vảy sườn), chiều dài và chiều rộng mai gần như bằng nhau, mai có dáng hình tròn và có màu xanh xám. Đây là loài Đồi Mồi dứa (Lepidochelys Olivacea) thuộc loại “nguy cấp” theo Phân loại của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN); Phụ lục I của Công ước CITES cấm buôn bán vận chuyển quốc tế. Là một trong 5 loài rùa biển quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng cần được bảo tồn. Ông cũng tuyên truyền cho ngư dân biết “việc giết hại hoặc mua bán rùa biển và các sản phẩm của chúng (mai, thịt, trứng…) tại Việt Nam là vi phạm pháp luật”.
Cá thể đồi mồi dứa được Chi cục Thủy sản mang về Quy Nhơn để sơ cấp cứu. Sau khi bấm thẻ theo dõi lên vây trước của đồi mồi dứa, Chi cục Thủy sản đã thả con đồi mồi dứa này tại khu vực biển xã Nhơn Lý. Đồng thời qua trường hợp trên, Chi cục Thủy sản đã đề xuất với Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) mở lớp tập huấn hướng dẫn cứu hộ rùa biển cho ngư dân tại Bình Định trong thời gian tới.
Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, từ các chương trình hỗ trợ cộng đồng tham gia bảo vệ rùa biển, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thành lập nhiều tổ tình nguyện bảo vệ rùa biển để tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân. Người dân khi khai thác thủy sản vô tình bắt được rùa biển đều báo cho đơn vị để thả về môi trường tự nhiên. Từ năm 2016 đến nay, đã có 28 con rùa biển mắc lưới (gồm 19 đồi mồi, 8 vích, 1 đồi mồi dứa) được người dân tự giải cứu/giao nộp cơ quan chức năng để thả về biển. Các tổ tình nguyện viện bảo vệ rùa biển cũng đã bảo vệ thành công 5 ổ trứng (thuộc loại vích) với 380 rùa con về biển an toàn.
Ái Trinh