Bình Định: Vào vụ nuôi tôm 2013: Dự báo nhiều khó khăn

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo lịch thời vụ, đầu tháng 3 là thời điểm người nuôi tôm tại các địa phương trong tỉnh đồng loạt xuống giống. Tuy nhiên, về các vùng nuôi tôm ở thời điểm này, theo ghi nhận của chúng tôi, người nuôi tôm chưa chuẩn bị tốt để bước vào vụ mới. Nguyên nhân là do bà con khó khăn về nguồn vốn, trong khi giá tôm giống, thức ăn chăn nuôi đang ở mức khá cao, nguy cơ dịch bệnh đang rình rập…

Thời điểm này, tuy đã vào chính vụ nuôi tôm năm 2013 nhưng không khí vào vụ tôm mới ở các vùng nuôi tôm lớn thuộc các xã khu Đông Tuy Phước khá buồn tẻ. Trên suốt những vùng nuôi tôm rộng lớn ở các xã ven đê, hiếm hoi lắm chúng tôi mới bắt gặp người nuôi tôm ra đồng cải tạo ao hồ để thả tôm giống đúng lịch thời vụ.

 

Người nuôi tôm ở thôn Kim Đông, xã Phước Hòa (Tuy Phước) lắp đặt máy đập nước để bước vào vụ nuôi mới.

Khó… nhiều bề

Ông Phan Thành Công – một chủ hồ tôm ở thôn Kim Đông, xã Phước Hòa – cho biết: “Vụ nuôi tôm năm nay, người nuôi tôm chúng tôi rất khó khăn vì thiếu vốn đầu tư. Hai năm nay, tình hình dịch bệnh tôm thường xuyên xảy ra nên hầu hết người nuôi ở địa phương đều bị thua lỗ, mất khả năng tái đầu tư. Bước vào vụ nuôi năm nay, với diện tích 0,5 ha, lẽ ra phải đầu tư hơn 30 triệu đồng để cải tạo hồ, sửa chữa bờ, mua tôm giống, nhưng tôi chưa biết tìm đâu ra. Các năm trước, nhiều đại lý kinh doanh thức ăn tôm ở địa phương sẵn sàng ứng vốn giúp người nuôi tôm sản xuất, nhưng năm nay do nhiều hộ nuôi tôm bị thua lỗ nên các đại lý không còn mặn mà. Vay ngân hàng thì không được vì người nuôi tôm không có tài sản thế chấp”.

Ông Nguyễn Văn Báu, chủ một hồ nuôi tôm ở thôn Kim Đông, cho biết thêm: “Bên cạnh việc thiếu vốn sản xuất, vấn đề dịch bệnh tôm nuôi cũng làm cho bà con rất lo lắng. Trong vụ nuôi tôm năm ngoái, hầu như các hộ thả tôm sớm đều bị thiệt hại do tôm bị bệnh hoại tử gan tụy chết hàng loạt. Đây là loại dịch bệnh mới phát sinh nên các cơ quan chức năng của tỉnh cũng chưa có biện pháp hướng dẫn chữa trị hiệu quả. Do vậy, bước vào vụ nuôi tôm mới này, nhiều hộ còn chần chừ”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, còn nhiều nguyên nhân khác làm cho người nuôi tôm ở các địa phương trong tỉnh bước vào vụ mới với tâm trạng đầy lo lắng là do mùa mưa năm 2012 không có mưa lũ lớn nên chất thải trong các ao hồ nuôi tôm không được tẩy rửa, gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Thời điểm hiện nay, tuy mới bắt đầu bước vào vụ nuôi mới nhưng theo cảnh báo của ngành chức năng là khả năng bị thiếu nguồn nước ngọt nghiêm trọng do hầu hết các hồ chứa đã khô kiệt, càng làm cho người nuôi tôm thêm bất an…

Ông Nguyễn Bay, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: “Theo kế hoạch, năm nay toàn huyện sẽ đưa vào nuôi tôm 973 ha, tập trung tại các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng. Trong đó, nuôi theo phương thức bán thâm canh khoảng 100 ha; diện tích còn lại nuôi theo phương thức quảng canh cải tiến theo hướng thân thiện với môi trường. Theo lịch thời vụ được ngành Nông nghiệp tỉnh ban hành, bắt đầu từ 1.3, các vùng nuôi tôm ở Tuy Phước bắt đầu đồng loạt thả con giống. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên nhiều hộ nuôi tôm chưa có điều kiện tu sửa, cải tạo ao hồ để bước vào vụ mới. Chúng tôi đang tập trung vận động người nuôi tôm đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao hồ, hỗ trợ tìm nguồn con giống chất lượng để bà con yên tâm sản xuất”.

Theo ông Nguyễn Chí Công, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, vụ này, toàn huyện sẽ đưa gần 200 ha mặt nước vào nuôi tôm, tập trung tại các xã: Hoài Mỹ, Hoài Hải, Hoài Hương, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam… Trong vụ nuôi tôm năm 2012, người nuôi tôm tại địa phương bị thất bại nặng nề do tôm nuôi bị bệnh hoại tử gan tụy, chết hàng loạt. Do vậy, bước vào vụ nuôi tôm mới, hầu hết các hộ nuôi tôm tại địa phương đều rất dè chừng, chưa mạnh dạn thả con giống. Đến nay, toàn huyện mới chỉ thả nuôi được gần 7 ha tại các xã Hoài Mỹ, Hoài Hương, Hoài Hải.

 

Cải tạo ao hồ nuôi tôm ở thôn Đức Phổ 2, xã Cát Minh (Phù Cát).

Tăng cường hỗ trợ người nuôi tôm

Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, cho biết: “Để hỗ trợ người nuôi tôm phát triển sản xuất trong điều kiện có nhiều yếu tố bất lợi, đơn vị đã tăng cường phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh, chính quyền các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để việc nuôi tôm mang lại hiệu quả. Trong điều kiện hạn hán, thiếu nguồn nước ngọt, Chi cục đã đưa ra các giải pháp kỹ thuật nuôi tôm như: Trong từng tiểu vùng nuôi có chung nguồn nước cấp, xả, người nuôi cần tổ chức cải tạo đồng loạt, thu gom chất thải đưa ra ngoài vùng nuôi, không được xả thải ra môi trường chung và cùng thả tôm giống trong khoảng thời gian 1 tuần, nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nước nuôi tôm, hạn chế dịch bệnh”.

Nguồn tôm giống trước khi thả nuôi phải chọn giống đảm bảo chất lượng, phải qua kiểm dịch. Giống tôm sú thả nuôi theo phương thức nuôi tổng hợp, phải ương khoảng 20 ngày trong ao đất hoặc trong giai để tôm đạt kích cỡ 3-4cm trước khi thả nuôi. Mật độ thả giống phải phù hợp cho từng vùng, mỗi vùng nuôi tôm có chung nguồn nước cấp, người nuôi tôm nên hình thành nhóm hộ để thực hiện quản lý cộng đồng. Khi có dịch bệnh xảy ra phải kịp thời báo cáo cho khuyến ngư viên và cơ quan chuyên môn để có biện pháp xử lý; phải thực hiện “ba không”, gồm: không giấu bệnh, không xả thải nước ao khi chưa được xử lý và không xả xác tôm chết do nhiễm bệnh ra môi trường. Chấp hành tốt quy định xử lý, tiêu diệt mầm bệnh theo sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn…

>> Theo ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định, vụ nuôi tôm năm nay, toàn tỉnh sẽ thả nuôi trên 2.358 ha, tập trung tại các huyện: Hoài Nhơn (217 ha), Phù Mỹ (567 ha), Phù Cát (257 ha), Tuy Phước (968 ha), TP Quy Nhơn (348 ha). Đến thời điểm này, các địa phương đã tiến hành thả giống được 108 ha, chiếm 4,6% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh. Tuy nhiên, dịch bệnh đốm trắng đã bắt đầu xuất hiện tại xã Mỹ Chánh (Phù Mỹ), gây lo ngại cho người nuôi tôm ở địa phương.

Nguyễn Hân

Báo Bình Định

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!