Gần đây, tình trạng ngư dân sử dụng lưới lồng Trung Quốc (hay còn gọi là lồng xếp, lồng bẫy, lờ dây, lờ bát quái) để tận diệt thủy sản và nạn bơm hút cát để khai thác phễnh bằng máy bơm công suất lớn trên đầm Thị Nại diễn ra rầm rộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản (NLTS) và môi trường sinh thái.
Gọi điện đến “đường dây nóng” Báo Bình Định, nhiều ngư dân khai thác thủy sản (KTTS) theo phương pháp truyền thống ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước tỏ ra khá bức xúc trước sự lộng hành của nạn lưới lồng trên đầm Thị Nại, khiến cho NLTS ngày càng bị kiệt quệ. Lần theo sự phản ảnh của ngư dân, một ngày cuối tháng 2, chúng tôi đi theo xuồng máy của một ngư dân để “mục sở thị” hoạt động KTTS bằng lưới lồng trên khu vực đầm. Trong quãng đường dài gần 10 Km xuôi về chân cầu Thị Nại (TP Quy Nhơn), chúng tôi ghi nhận có đến 30 chiếc ghe, thuyền đang đua nhau khuấy đảo, thả lưới lồng để KTTS .
Lưới lờ chất đầy ắp trên khoang tàu, đậu trên đầm Thị Nại.
Ông Phan Đình Núi (53 tuổi), ngư dân ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, than thở: “Khổ lắm anh ơi! Lưới lồng bắt sạch các loại cá tôm thì làm nghề lưới 3 lớp, rớ đáy truyền thống như chúng tôi biết lấy gì mà ăn?”. “Mấy năm gần đây lượng cá móm trên đầm sụt giảm mạnh. Nhiều loại cá, tôm trên sông cũng giảm hẳn. Đấy là do lưới lồng hủy diệt hết các loại cá, tôm nhỏ trên đầm. Bà con chúng tôi mong các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn”, chị Nguyễn Thị Loan, một ngư dân chuyên làm nghề lưới kéo khai thác cá móm tỏ ra lo lắng.
Mặt khác, khi người dân dùng lưới lồng, giăng trải chi chít dưới đáy đầm, khiến hoạt động lưu thông tàu thuyền trên đầm thường bị gián đoạn; bởi chân vịt tàu cá thường xuyên bị mắc, quấn vào lưới. Vì quá bức xúc, nhiều chủ phương tiện tàu cá đã không ít lần xô xát với người đánh bắt lưới lồng để phản ứng hoạt động KTTS kiểu hủy diệt này. Một nỗi lo khác, nhiều ngư dân sử dụng một loại hóa chất tẩy rửa không rõ nguồn gốc để giặt giũ, vệ sinh lưới lồng ngay trên khu vực đầm, khiến nguồn nước bị ô nhiễm, môi trường sống các loài động vật thủy sinh trong đầm đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Trong khi tình trạng ngư dân sử dụng lưới lồng để KTTS vẫn chưa có biện pháp xử lý, thì khu vực đầm Thị Nại thuộc 3 thôn Bình Thái, Diêm Vân và Quảng Vân (xã Phước Thuận) lại tiếp tục đối diện với một nỗi lo bơm hút cát để khai thác phễnh, điều này khiến cho bộ phận ngư dân KTTS bằng nghề truyền thống và nuôi trồng thủy sản tại địa phương bất bình.
Qua tìm hiểu, các đối tượng này thường trang bị những loại máy nổ có công suất khoảng 20CV, đấu nối với hệ thống ống hút lắp trên bè nổi. Khi máy nổ, đầu ống hút này được nối với thiết bị cày xới di chuyển được trên nền đáy, nước bơm trực tiếp qua lưới lọc 2a (10mm). Khi các thiết bị này hoạt động, môi trường trú ngụ và sinh sản của các loài thủy sinh bị xáo trộn, ảnh hưởng đến dòng chảy, ô nhiễm môi trường mặt đầm và làm suy kiệt nguồn lợi sinh thái.
Theo ông Lê Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, kiêm Chủ tịch điều hành liên xã Bắc đầm Thị Nại, thì: Tình hình bà con ngư dân các xã khu Đông sử dụng lưới lồng Trung Quốc để khai thác thủy sản trên đầm Thị Nại và bơm hút phễnh đang diễn biến phức tạp. Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã có văn bản gửi Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT-BVNLTS) tỉnh và UBND huyện Tuy Phước để xin chủ trương xử lý nạn lưới lồng, nhưng đến nay ngành chức năng vẫn chưa phản hồi. Trong khi đó, chính quyền cấp cơ sở không đủ thẩm quyền xử lý. Vì chưa có sự đồng ý hình thức xử phạt từ cấp trên, các địa phương chỉ dừng lại ở hình thức vận động, tuyên truyền nên không hiệu quả.
Riêng với trường hợp bơm hút phễnh, địa phương đã phối hợp với Chi cục KT-BVNLTS tỉnh Bình Định tổ chức họp các đối tượng bơm hút phễnh để tuyên truyền các văn bản quy định của Nhà nước trong khâu khai thác, đánh bắt; đồng thời, tổ chức tuần tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm nhưng đâu rồi lại vào đó. “Nếu ngành chức năng không sớm có chủ trương và biện pháp kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tình trạng ngư dân sử dụng lưới lồng và máy bơm hút phễnh, nguy cơ NLTS trên đầm Thị Nại bị cạn kiệt và suy giảm về đa dạng sinh học trong thời gian tới là điều khó tránh khỏi”, ông Trinh cho biết thêm.