Đã không ít lần tôi được đặt chân đến chợ cá Nhân Trạch (Bố Trạch). Từ dạo chợ còn đặt tại địa điểm cũ, ngay phía cuối làng. Nhưng dẫu có dịch chuyển đôi ba bận thì khu chợ đặc biệt này vẫn có sức cuốn hút mạnh mẽ với những bước chân lữ khách. Có lẽ bởi sau những bước chân bụi bặm, chộn rộn cơm áo lại thấy thèm lắm cái mộc mạc nơi chốn bình yên kia.
4 giờ sáng. Con đường dẫn xuống chợ lồng lộng gió. Mặt trời vẫn chưa kịp ló dạng. Nhưng với người dân làng biển này, dường như ngày mới đã bắt đầu từ lâu lắm. Trong những ngôi nhà ven biển, đèn đã bật sáng tự bao giờ, dù phía chợ cá chỉ có tiếng sóng rào rạt vỗ bờ. Trong không gian tĩnh mịch, đôi ba người phụ nữ ngồi rải rác trên lối đi dẫn xuống chợ. Những ánh đèn cầm tay không đủ để soi tỏ mặt người, chỉ thi thoảng vang lên vài ba câu với chất giọng rặt miền biển. Cuộc mưu sinh của những người phụ nữ chân chất này phụ thuộc cả vào những đôi quang gánh.
Họ là những người làm nghề gánh nước ở chợ. Khi chợ cá mới chỉ là khoảng không gian đen kịt nơi phía biển rào rạt sóng, những người phụ nữ đã trở dậy, gánh đủ đầy những thùng nước lớn. Rồi cứ thế, khi những thùng nước đã ăm ắp thì mặt trời đã ló dạng, khu chợ cá bắt đầu một ngày mới. Với họ, thời tiết dù có khắc nghiệt tới mức nào thì cũng chẳng bao giờ vắng mặt ở chợ. Dăm ba đồng bạc từ những gánh nước ngọt ướp cá mỗi ngày cũng trở nên quý giá cho cuộc sống mưu sinh nơi làng biển này.
4 giờ 30 phút. Từ mọi nẻo đường, những người phụ nữ thân hình sương gió, đầu đội cái nón to xụp, che đi mưa nắng của trời, của đời, chậm rãi, nhịp nhàng trên từng chiếc xe thồ hàng tập trung con đường dọc biển. Họ đợi những chuyến tàu lần lượt cập bờ mang theo những hải sản tươi ròng, mặn mòi vị biển. Tiếng cười nói bắt đầu râm ran, hòa vào tiếng sóng, phá tan không gian tĩnh mịch của làng biển về đêm.
Những con thuyền lần lượt nối đuôi nhau vào bờ
Ở chợ cá Nhân Trạch, ngoài những người bản địa thì phần đông là tiểu thương của các chợ ở Đồng Hới, Hoàn Lão (Bố Trạch), Quán Hàu (Quảng Ninh)… Trừ những đêm trăng sáng hay những khi bão bùng thì hầu như, quanh năm, suốt tháng, họ luôn có mặt ở chợ cá này. Đêm mùa hạ oi nồng hay những đêm mùa đông lạnh thấu xương, vẫn là những con người đó, vẫn trằn trọc, thức ngủ cùng những chuyến tàu biển.
Ngồi trên bờ cát đợi thuyền, bà Hồ Thị Dồn (Nhân Trạch, Bố Trạch) bảo: “30 năm buôn cá rồi, mưa rét chi cũng đi. Mưa thì bịt thiệt kín, đi ủng, quần xắn cao. Lạnh mấy cũng không thể đeo găng tay được vì còn phải chọn tôm, lựa cá. Có khi cả mưa, cả rét, áo quần ướt hết cả, lạnh lắm nhưng không thể về nhà thay quần áo”. 30 năm cũng chừng ấy mùa đông giá rét qua đi, bà vẫn cứ thế bám chợ, quẩn quanh bên những rổ tôm, cá tanh nồng vị biển, mặc cho cái lạnh thấm dần vào da thịt. “Lâu rồi, cũng thấy quen”, bà Dồn gật gù cười, ánh mắt vẫn không thôi hướng về phía biển. Ở nơi ấy, những con tàu bắt đầu lần lượt tiến vào bờ.
5 giờ sáng. Bình minh vừa ló dạng. Cả khu chợ cá bừng lên trong ánh nắng dịu nhẹ. Biển lấp lánh. Sóng cũng bỗng chốc được nhuộm vàng. Tiếng cười nói râm ran hòa trong tiếng sóng biển vẫn không ngừng vỗ. Chỉ trong phút chốc, người mua, người bán đều đã ở chợ. Những tàu cá từ khắp nơi đổ về, gối đầu lên những con sóng hiền hậu. Giọng nói đặc trưng của người vùng biển cất lên từ mọi phía.
Những người phụ nữ ào về phía biển, đón lấy từng thau cá, tôm từ những người đàn ông mặt sạm đen vì mặn mòi nắng gió. Trên những đôi tay chắc nịch, những mớ hải sản tươi ròng rời thuyền và bắt đầu được chuyển xuống chợ. Phía bến bờ kia, những người phụ nữ đứng dàn hàng dài đón đợi. Lạ lùng, chộn rộn, đông đúc là thế nhưng chẳng có ai tranh giành của ai như thể đã có sự sắp đặt từ trước.
Những người phụ nữ gắn bó nhiều năm với chợ cá Nhân Trạch
“Mực hôm ni trúng đậm”, người đàn ông ngồi trên con thuyền thúng sát mép biển khề khà điếu thuốc, giọng đầy thỏa mãn. Đúng như lời ông nói, những rổ mực nháy tươi ròng lần lượt nối đuôi nhau đưa thẳng vào chợ cá. Tất cả đều đã được phân loại theo kích cỡ, theo độ tươi. Người mua, kẻ bán chẳng cần mặc cả nhiều như thể đã quá quen với giá cả nơi chợ cá này. “Chỉ một đôi hôm là giá cả lên xuống, còn lại không dao động mấy”, người phụ nữ gật gù, đôi bàn tay vẫn thoăn thoắt cân đếm từng rổ mực.
Chỉ chừng 30 phút sau khi chợ cá bắt đầu, cả một bờ biển dài hơn 500 mét đã đông đúc người bán, kẻ mua. Đủ loại hải sản được bày ra bán mua. Những mẻ cá trích, nục hay cá cơm, cá ngừ… loại nào cũng tươi ròng, bật lên tanh tách. Khu chợ cá bắt đầu tấp nập hơn khi có nhiều người khách lạ. Họ là khách du lịch đến chợ vừa để trải nghiệm nhịp sống của một làng biển, đôi khi chỉ là để thưởng thức tô mì tôm nấu với mực tươi nóng hổi. Lúc này, nhìn từ trên cao, cả khu chợ cá nhộn nhịp, rực rỡ như một bức tranh đa sắc màu.
Cách đó không xa, tôi bắt gặp hình ảnh người đàn ông ngồi trên bờ cát, mái tóc đã phai bạc quá nửa, ánh mắt vẫn không thôi hướng ra phía chộn rộn ngoài kia. Ông Võ Đức Thụ (thôn Nhân Hải, xã Nhân Trạch) đã có hơn 40 năm theo nghề biển. Với những người dân lớn lên trên cát như ông, biển chính là máu thịt. Ông bảo, có dạo biển ô nhiễm bởi Formosa, cả làng dừng đi biển, chợ cá cũng chẳng còn bóng dáng ai. Người miền biển quê ông những ngày ấy buồn lắm, nhất là những người gần cả đời gắn bó với biển như ông.
Dạo ấy, mỗi ngày, ông đều đặn đi ra bờ biển trong vô thức, tần ngần nhìn những con thuyền nằm im lìm, lòng đau đớn như mất đi một phần máu thịt. “May mắn là chỉ một thời gian ngắn rồi mô lại vô đó. Biển lại tấp nập. Chợ cá lại đông vui”, ông lão cười, điệu cười hiền hậu. Ánh nắng dịu dàng chảy tràn trên gương mặt đã sạm đen vì mặn mòi vị biển.
Cả khu chợ cá nhộn nhịp, rực rỡ như một bức tranh đa sắc màu
6 giờ sáng. Mặt trời đã lên cao. Chợ cá bắt đầu vãn dần. Hải sản được chuyển lên những chiếc xe máy hay xe tải nhỏ đang đợi sẵn phía trên bờ. Những dáng người vội vã nối đuôi nhau rời đi, tản mát về các chợ quanh vùng, trả lại cho biển sự yên lặng vốn có. Chợ cá Nhân Trạch họp rồi tan trong phút chốc, bình lặng như cách mặt trời vẫn mọc phía biển kia mỗi ngày.
Ngày nối ngày trôi đi. Chợ cá Nhân Trạch khi chậm rãi, khi hối hả như nhịp xoay trở bao số phận con người. Ở đó có những mảnh đời, những phận người ngày qua ngày vẫn bợt bạt đôi tay bên những con sóng bạc đầu.