(TSVN) – Bình minh vừa ló rạng cũng là lúc hàng chục tàu khai thác hải sản của ngư dân tấp vào chợ bán cá, hình thành nên khung cảnh nhộn nhịp, tấp nập kẻ mua người bán, cùng vẻ đẹp bình dị, nguyên sơ của vùng quê ven biển.
Từ 1h đến 3h sáng mỗi ngày, chợ cá đầu mối Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) lại rộn ràng cho buổi chợ sớm. Các loại hải sản cũng từ khắp nơi đổ về đây để buôn bán, nhộn nhịp cả một khu chợ. Mỗi ngày tại chợ hải sản Thọ Quang tiêu thụ khoảng 70 đến 100 tấn hải sản tính cả số lượng cá đông lạnh, hải sản từ các nơi đổ về. Chủ yếu vẫn là cá từ các tàu đánh bắt xa bờ của tàu thuyền đậu tại âu thuyền Thọ Quang. Từng thúng cá đầy ắp, tươi roi rói với đủ các loại: cá nục, cá chuồn, cá mú cho đến mực, bạch tuộc, ghẹ tôm, đủ cả. Đến chợ vào khoảng thời gian này, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng nét đẹp lao động đến từ những người ngư dân ngày đêm bám biển mà còn có cơ hội được mua hải sản với giá rẻ. Nếu mua vài kg cũng bán, giá chỉ khoảng bằng nửa giá chợ mà thôi.
Với bề dày truyền thống hơn 400 năm, chợ cá Cảnh Dương thuộc xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) được hình thành từ khi mở đất, lập làng. Trải qua bao đời, người dân Cảnh Dương chủ yếu mưu sinh bằng nghề khai thác hải sản. Chợ hoạt động ngay bên mép sóng, từ tờ mờ sáng, khi những đoàn thuyền đầu tiên cập bến mang theo đầy ắp các loại hải sản vào bờ cũng là lúc chợ trở nên nhộn nhịp người mua kẻ bán; hình thành nên chợ với vẻ đẹp bình dị, nguyên sơ của vùng quê ven biển. Khu vực chợ cá Cảnh Dương trước đây đơn thuần là nơi để tàu thuyền cập bến; về sau, khi tàu thuyền ngày một tăng lên, thương lái tập trung nhiều hơn tạo nên một khu chợ sầm uất như hiện nay. Hải sản ở chợ Cảnh Dương đa dạng, hầu như loại nào cũng có, từ cá chim, cá đối, cá cơm, cá ngừ, cá hố, cá nục cho tới các loại tôm, cua, mực, ngao, sò… Ở chợ cá Cảnh Dương không chỉ tấp nập thương lái, nhiều người dân và du khách còn tranh thủ đi chợ vào sáng sớm để được hòa mình với nhịp sống miền biển, hít thở không khí mặn mòi và chọn mua được các hải sản tươi ngon.
Cũng thuộc dải đất miền Trung, toàn xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 480 tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ, với khoảng 9.000 người sinh sống bằng nghề đi biển, chiếm 2/3 dân số địa phương. Sau chuyến xa khơi trở về, tàu tấp vào bờ biển Châu Thuận Biển để bán cá, hình thành chợ cá từ thời lập làng, mở đất. Chợ cá tập trung hàng trăm đầu nậu, người vận chuyển. Cá sau khi được thu mua sẽ được tiêu thụ trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành miền Trung – Tây Nguyên. Đầu nậu thu mua cá chủ yếu là phụ nữ, họ thức dậy từ lúc 4h sáng để ra chợ cá Châu Thuận Biển, chờ các ngư dân đánh bắt cá từ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa trở về.
Tại các vùng ven biển ngày nay dễ nhận thấy sự phát triển của các đô thị sầm uất; nhưng những chợ cá vẫn giữ được nét hấp dẫn, náo nhiệt mang đậm nét đẹp văn hóa của các cư dân miền biển; nơi thể hiện rõ nét nhất cuộc sống của những người hàng ngày hàng giờ gắn liền với biển cả bao la.
Hồng Hạnh