Bình Thuận: Các cơ sở chế biến hải sản ở Tân Phước: Gây ô nhiễm môi trường

Chưa có đánh giá về bài viết

Suốt mấy năm nay, các cơ sở chế biến hải sản trái phép trong khu dân cư ở xã Tân Phước, thị xã La Gi đã gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Một số cơ sở bị kiểm tra, xử phạt nhưng vẫn không có chuyển biến, vẫn tiếp tục gây ô nhiễm môi trường…

Ô nhiễm trầm trọng

Chúng tôi đến tìm hiểu thực tế tại thôn Phước Tiến, thôn Phước Thọ, xã Tân Phước, thị xã La Gi mới biết được tình trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra hết sức nghiêm trọng. Dọc hai bên tuyến đường sỏi đỏ liên thôn có hàng chục cơ sở chế biến cá cơm đang hoạt động, khói bay mịt mù từ các lò hấp cá và mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc, lan tỏa khắp nơi. Nguồn nước thải chưa qua xử lý của các cơ sở chế biến được xả xuống các khe suối, làm cho dòng nước đen ngòm, hôi thối, trâu bò không dám uống. Khi gặp chúng tôi, anh Trần Văn Tư nhà ở ngay đó bức xúc: “Nhà của tui ở sát các cơ sở chế biến cá cơm, nên hàng ngày phải hứng chịu khói bụi, mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Nhất là những lúc gió thổi mạnh, khói, mùi hôi thối càng lan tỏa xa hơn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người. Nhiều lúc không ngủ được vì mùi hôi thối xông vào nhà”. Ông Đào Văn Hòa, thôn Phước Thọ khi gặp chúng tôi cũng bức xúc không kém: “Hơn hai năm nay, tui cùng với một số hộ dân trong thôn đã làm đơn khiếu nại phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường lên các ngành chức năng, nhưng đâu lại vào đấy. Họ có đến kiểm tra, lập biên bản, ra quyết định xử phạt, còn các cơ sở chế biến hải sản vẫn cứ hoạt động, không chịu đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Nguồn nước thải chưa qua xử lý của các cơ sở chế biến cá cơm xả trực tiếp ra các khe suối rồi đổ dồn về con suối sát cạnh nhà của tui đen thui, bốc mùi hôi thối, tạo điều kiện cho ruồi muỗi sinh trưởng nhiều, người dân không dám sử dụng nước để tưới cây, cho bò uống”. Chúng tôi đến làm việc với ông Nguyễn Văn Quốc, chủ cơ sở chế biến cá cơm tại thôn Phước Tiến được biết: Ông Quốc đã đầu tư xây dựng cơ sở chế biến cá cơm cả chục năm nay trên khoảng 1 ha đất, với công suất chế biến bình quân 90 – 120 tấn cá/tháng, giải quyết công ăn việc làm cho 40 lao động. Để xử lý nguồn nước thải, ông Quốc đã xây dựng 4 hầm chứa tự rút ra con suối bên cạnh, nên khói bụi, mùi hôi thối bốc lên dọc theo con suối lan tỏa khắp nơi. Khi hỏi về việc khắc phục ô nhiễm môi trường, ông Quốc nói: “Các cơ sở chế biến không thể đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải như các ngành chức năng yêu cầu, vì không chế biến liên tục, vốn đầu tư quá lớn trên 600 triệu đồng và không nằm trong vùng quy hoạch khu công nghiệp có mùi”.

 

 

Cơ sở chế biến cá cơm của ông Nguyễn Văn Quốc đang gây ô nhiễm môi trường xung quanh…

Bị xử phạt nhưng vẫn tiếp tục vi phạm

Hiện toàn xã Tân Phước có 29 cơ sở chế biến hải sản, với quy mô hộ gia đình, hoạt động theo mùa vụ. Đa số các cơ sở chế biến hải sản sử dụng đất sai mục đích, không có giấy phép xây dựng, không có hệ thống xử lý nước thải, nên đã gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư. Do đó, UBND xã Tân Phước đã thành lập tổ công tác tiến hành kiểm tra, lập biên bản, ra quyết định xử phạt 5 trường hợp xả nước thải gây ô nhiễm môi trường, với tổng số tiền 7 triệu đồng, trong đó cơ sở của bà Nguyễn Thị Đen bị xử phạt 2 triệu đồng, cơ sở của bà Huỳnh Thị Tiếp bị xử phạt 2 lần 2,5 triệu đồng, cơ sở của ông Phạm Thái Dương bị phạt 1,25 triệu đồng, cơ sở của ông Đào Xuân Hiền bị phạt 1,25 triệu đồng. UBND xã Tân Phước còn phối hợp với Phòng Tài nguyên – Môi trường, Cảnh sát môi trường thị xã kiểm tra, lập biên bản, đề nghị UBND thị xã La Gi ra quyết định xử phạt 11 trường hợp chế biến hải sản gây ô nhiễm môi trường, trong đó có 7 trường hợp bị xử phạt lần thứ nhất, với tổng số tiền 24,5 triệu đồng và 4 trường hợp bị xử phạt lần 2, với tổng số tiền 60 triệu đồng. Đó là cơ sở chế biến hải sản của ông Nguyễn Văn Quốc bị xử phạt 12,5 triệu đồng, cơ sở của bà Nguyễn Thị Kim Hương 12,5 triệu đồng, cơ sở của bà Nguyễn Thị Hoàng 12,5 triệu đồng, cơ sở của bà Huỳnh Thị Tiếp 12,5 triệu đồng.

Có một điều đáng nói là sau khi bị xử phạt, các cơ sở chế biến hải sản ở xã Tân Phước vẫn tiếp tục hoạt động, gây ô nhiễm môi trường, không thực hiện những biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng nội dung quyết định xử phạt của UBND thị xã La Gi và các nội dung trong bản cam kết bảo vệ môi trường. Có một số cơ sở chế biến hải sản vi phạm nhiều lần, nhưng các ngành chức năng thị xã vẫn không áp dụng các biện pháp “mạnh” và kiên quyết hơn. Thiết nghĩ, các ngành chức năng thị xã La Gi cần thường xuyên kiểm tra, lập biên bản, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm nhiều lần, không chịu xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Kiên quyết thu hồi giấy đăng ký kinh doanh và tổ chức cưỡng chế di dời các cơ sở chế biến hải sản vi phạm nhiều lần, cố tình xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường xung quanh.

Tuấn Anh

Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!