(TSVN) – Theo Cục Thống kê Bình Thuận, tình hình sản xuất, kinh doanh tôm giống trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay phát triển ổn định. Các cơ sở đang tập trung đẩy mạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu tôm giống tăng vào vụ chính.
Với chiều dài bờ biển 192 km, điều kiện thời tiết ít mưa, độ mặn nước biển quanh năm ổn định ở mức 34 – 37‰, nên tỉnh Bình Thuận có nhiều tiềm năng và lợi thế sản xuất giống nước lợ, đặc biệt là tôm giống.
Toàn tỉnh hiện có 128 cơ sở với 764 trại sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, chủ yếu là tôm giống, trong đó hơn 50 công ty có vốn đầu tư trong nước và 2 công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Các cơ sở đang tập trung đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu tôm giống cho người dân. Ảnh: Vũ Mưa
Gần đây, nhiều cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh không ngừng mở rộng quy mô, đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ để giữ vững uy tín và thương hiệu tôm giống Bình Thuận, trong đó, nhiều công ty lớn đã ứng dụng công nghệ chẩn đoán bệnh thủy sản bằng phương pháp real-time PCR, công nghệ xử lý nước đầu vào phục vụ sản xuất, công nghệ nuôi cấy tảo tươi làm thức ăn cho ấu trùng tôm, công nghệ nâng, giảm nhiệt độ nước trong ương nuôi ấu trùng tôm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng tôm giống. Nhờ đó, Bình Thuận sản xuất và tiêu thụ trên 25 tỷ con tôm giống mỗi năm.
Số liệu từ Cục Thống kê Bình Thuận cho thấy, sản lượng tôm giống sản xuất trong tháng 7/2024 ước đạt 1,8 tỷ con, tăng 2,91% so cùng kỳ năm trước; lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, số lượng con giống ước đạt 12,9 tỷ con, tăng 2,2% so cùng kỳ năm trước. Tình hình sản xuất, kinh doanh tôm giống trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay phát triển ổn định. Các cơ sở sản xuất tôm giống đang tập trung đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu tôm giống tăng vào vụ nuôi chính. Công tác quản lý chất lượng giống thủy sản, nhất là giống tôm bố mẹ luôn được tăng cường. Trong tháng 7/2024 đã tiến hành kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất cho 15 cơ sở; lũy kế 7 tháng đầu năm 2024 đã kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất cho 45/100 cơ sở.
Hiện, tỉnh Bình Thuận có 2 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với các bệnh đăng ký giám sát theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH) và quy định của Việt Nam. Sắp tới, sẽ có 9 doanh nghiệp sản xuất tôm giống đăng ký chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo Thông tư số 24 ngày 30/12/2022 của Bộ NN&PTNT quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.
Để ổn định, duy trì hoạt động sản xuất tôm giống trên địa bàn, Sở NN&PTNT Bình Thuận hy vọng các cơ sở sản xuất tôm giống hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất tôm giống; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất tôm giống để nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực công nghệ, tài chính đầu tư vào khu sản xuất giống thủy sản tập trung Chí Công (giai đoạn 1). Đến nay, đã có 5 doanh nghiệp được UBND tỉnh Bình Thuận, Sở NN&PTNT Bình Thuận thông báo chấp thuận vị trí đất theo sơ đồ phân lô để thực hiện thủ tục đầu tư, lập dự án đầu tư sản xuất tôm giống công nghệ cao.
Nguyễn An