Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường xuất phát từ nhiều cơ sở chế biến cá cơm ở địa bàn ven biển xã Tân Bình, thị xã La Gi vẫn chưa chấm dứt, mức độ ô nhiễm ngày càng nặng hơn; ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của những người dân quanh vùng.
Hiện tại, trên địa bàn xã Tân Bình, thị xã La Gi có 39 cơ sở chế biến cá cơm, bao gồm 5 doanh nghiệp, 34 hộ kinh doanh cá thể; hoạt động quy mô nhỏ lại nằm xen lẫn trong khu dân cư và hầu hết chưa có bản cam kết bảo vệ môi trường được xác nhận. Chính điều này đã gián tiếp ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của những người dân trong khu vực. Theo phản ánh của nhiều hộ dân về tình trạng này, tuy chưa đến mùa vụ chế biến cá cơm nhưng mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã La Gi khảo sát 39 cơ sở chế biến trên, đánh giá mức độ ô nhiễm lâu nay. Qua đó cho thấy, hầu hết các cơ sở không có hệ thống thu gom, xử lý khí thải, chất thải; nước thải được thu gom xử lý sơ bộ bằng hố ga, xả trực tiếp ra khu vực xung quanh chảy ra biển hoặc cho tự thấm. Sở Tài nguyên và Môi trường đã lấy 10 mẫu nước giếng đào, giếng khoan của 5 cơ sở chế biến cá cơm và 5 hộ dân xung quanh khu vực này làm phân tích. Kết quả, 2 mẫu nước giếng đào chỉ tiêu Amoni vượt quy chuẩn cho phép (QCCP) 0,62 lần, Coliforms vượt QCCP 0,6 lần; 8 mẫu nước giếng khoan còn lại chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt, các chỉ tiêu: TS, COD, Clorua, Nitrit, Nitrat, Sunfat, Asen không có trong danh mục quy định nhưng lại xuất hiện trong mẫu nước kiểm nghiệm. Trong khi đó, chất lượng nước ngầm tại khu vực chế biến cá cơm so quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì hầu hết nằm trong giới hạn QCCP; riêng một số thông số khác thì “báo động đỏ” như: COD vượt QCCP từ 0,5 đến 11,1 lần, Amoni vượt 0,2 – 47,7 lần, Coliform vượt 0,3 – 79 lần. Do đó, chất lượng nước ngầm ở khu vực này chỉ phù hợp dùng cho mục đích phục vụ sản xuất nhưng phải áp dụng công nghệ xử lý. Đối với nguồn nước giếng cũng phải áp dụng công nghệ xử lý mới đảm bảo trước khi sử dụng ăn uống, sinh hoạt. Theo nhận định của Sở Tài nguyên và Môi trường, việc nhiều cơ sở chế biến cá cơm trong vùng không thực hiện các biện pháp xử lý chất thải, nhất là nước thải, về lâu dài sẽ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm tại khu vực… Hiện tại, những hộ dân xung quanh vùng này sử dụng nguồn nước giếng sinh hoạt tự nhiên như lâu nay; họ cũng chưa được hỗ trợ đầu tư công nghệ xử lý nguồn nước trước khi dùng. Đây cũng là điều đáng lo ngại cho sức khỏe cộng đồng dân cư trong khu vực… Sắp tới tháng 6 vào mùa khai thác cá cơm kéo dài đến cuối tháng 11, đồng nghĩa với việc các cơ sở chế biến cá cơm xã Tân Bình lại bước vào cao điểm hoạt động: phơi phóng, chế biến, xuất hàng. Nhiều người dân trong khu vực này lại lo lắng nạn ô nhiễm môi trường, nguồn nước sẽ tiếp diễn như hàng năm, chưa biết bao giờ chấm dứt…
Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh yêu cầu thị xã La Gi khẩn trương quy hoạch khu chế biến hải sản tập trung, xây dựng lộ trình di dời các cơ sở chế biến hải sản có nguy cơ ô nhiễm môi trường vào khu sản xuất này. Đồng thời, thị xã chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các cơ sở chế biến cá cơm ở Tân Bình gây ô nhiễm môi trường nặng, không có hệ thống xử lý nước thải và bản cam kết bảo vệ môi trường… Có như vậy mới trả lại môi trường trong sạch cho người dân ở địa phương.