Là địa phương có lợi thế phát triển thủy sản rất lớn, những năm qua Bình Thuận đã dành nhiều ưu đãi đầu tư cho lĩnh vực này. Cùng lắng nghe chia sẻ của ông Huỳnh Quang Huy (ảnh), Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận để hiểu thêm về điều này.
Ông có thể giới thiệu đôi nét về tiềm năng, thế mạnh của thủy sản Bình Thuận?
Bình Thuận là một tỉnh ven biển miền Đông Nam bộ, có đường bờ biển dài 192 km, diện tích ngư trường gần 60.000 km2 . Với lợi thế là nơi hội tụ và vùng nước trồi của 2 dòng hải lưu, nên Bình Thuận từ lâu được xác định là một trong 3 ngư trường trọng điểm của cả nước; sản lượng khai thác hàng năm trên 190.000 tấn hải sản các loại. Hiện tại, Bình thuận có đội tàu khai thác 7.200 chiếc, trong đó 2.700 tàu khai thác xa bờ.
Ngoài ra, tỉnh còn là địa phương sản xuất tôm giống trọng điểm của cả nước, là địa chỉ tin cậy của các vùng nuôi tôm của nhiều tỉnh, thành.
Những năm qua, Bình Thuận đã phát huy thế mạnh tôm giống như thế nào, thưa ông?
Tôm giống là một trong những sản phẩm chủ lực của Bình Thuận. Toàn tỉnh hiện có 131 cơ sở sản xuất giống, sản lượng hàng năm trên 22 tỷ post giống, cung ứng cho các vùng nuôi tôm trên cả nước với chất lượng cao, ổn định. Ngoài ra, Bình Thuận cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước có doanh nghiệp liên kết với viện nghiên cứu danh tiếng của Australia, nghiên cứu thành công dòng tôm bố mẹ chất lượng cao, góp phần chủ động nguồn giống bố mẹ tại Việt Nam. Với thế mạnh trên, việc quản lý, giám sát và phát huy chất lượng tôm giống của Bình Thuận luôn được UBND tỉnh và các ngành quan tâm, chỉ đạo. Chính vậy, tôm giống Bình Thuận luôn giữ vững thương hiệu và được người nuôi vô cùng tin cậy.
Trong quá trình phát triển, ngành thủy sản tại địa phương đã gặp những khó khăn gì, thưa ông?
Với lĩnh vực khai thác, ngành thủy sản phải đối mặt với tình trạng suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi hải sản; chịu tác động gay gắt của biến đổi khí hậu. Các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn nhiều bất cập… điều này làm hiệu quả khai thác của đội tàu ngày càng thấp, đời sống ngư dân ngày càng khó khăn. Cùng đó, tình trạng thiếu lao động nghề biển cũng đang rất lo ngại.
Đối với sản xuất tôm giống, hiện trạng mặt bằng và điều kiện sản xuất không còn phù hợp với quy mô phát triển của các trại giống. Tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa hoàn thành xây dựng khu quy hoạch tập trung cho sản xuất tôm giống, gây cản trở lớn cho phát triển quy mô sản xuất. Việc quản lý giống tôm còn nhiều bất cập và thiếu sự quan tâm phối hợp trong quy mô cả nước: Dẫn đến chất lượng tôm giống khi đi đến các vùng nuôi chưa đồng đều, làm ảnh hưởng đến sản xuất tôm nuôi của bà con nông dân.
Vậy theo ông, Bình Thuận cần làm gì để khắc phục những vấn đề này và phát huy thế mạnh của địa phương?
Hiện, tỉnh đã có rất nhiều giải pháp. Cụ thể, về lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Luôn đi đầu trong việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển, hỗ trợ và hướng dẫn ngư dân trong sản xuất, bảo quản sản phẩm và nâng cao hiệu quả khai thác trên biển. Đến nay, Bình Thuận đã có trên 400 tổ, đội sản xuất trên biển; hơn 150 tàu dịch vụ thu mua trên biển. Phát huy tốt tác dụng hỗ trợ ngư dân trong sản xuất. Địa phương cũng đi đầu trong triển khai hỗ trợ ngư dân theo chương trình 67.
Đối với lĩnh vực tôm giống, tỉnh đang tích cực triển khai xây dựng khu sản xuất tôm giống tập trung, giao các cơ quan chức năng làm tốt công tác giám sát, kiểm tra chất lượng sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường, liên kết trong quản lý chất lượng…
Trân trọng cảm ơn ông!