(TSVN) – Hãng sản xuất cá rô phi Brazilian Fish và Trung tâm Công nghệ Nuôi trồng thủy sản (CAT) có trụ sở tại San Diego đã áp dụng công nghệ chỉnh sửa gen để tạo giống cá cho sản lượng và hiệu suất sử dụng thức ăn cao hơn. Tuy nhiên, thời điểm sản xuất thương mại vẫn chưa được xác định.
Để phát triển cá rô phi bằng các phương pháp tiên tiến này, các nhà khoa học của CAT đã hợp tác với Brazilian Fish, thực hiện các thử nghiệm sinh sản và tạo ra trứng thụ tinh. Những cải tiến di truyền này sẽ giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng, sản lượng và hiệu suất sử dụng thức ăn, Ramon Amaral, Giám đốc điều hành của Brazilian Fish, cho biết.
Sau hai năm nghiên cứu, những con cá rô phi đầu tiên đã được lai tạo thành công. Hiện tại, số cá này đang được nuôi riêng biệt để sẵn sàng cho các đánh giá về hiệu suất và hệ gen. Các dòng cá cải tiến sẽ tiếp tục được nâng cao hơn nữa trong khuôn khổ chương trình chọn lọc giống cá của Brazil Fish.
Theo Ramon Amaral, Chỉnh sửa hệ gen nhắm mục tiêu chính xác và đẩy nhanh những thay đổi di truyền vốn có thể xảy ra trong tự nhiên, nhưng với tốc độ nhanh hơn. Thay vì mất nhiều năm trong một chương trình nhân giống, giờ đây một biến thể có lợi có thể được đưa vào chỉ trong một thế hệ.
Đại diện của Brazilian Fish và CAT cho biết công nghệ chỉnh sửa gen là công cụ hữu hiệu để hỗ trợ khả năng kháng bệnh, tăng cường sức khỏe, cải thiện hiệu suất sử dụng thức ăn và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của cá, đồng thời mang lại lợi ích môi trường. Hai công ty đặt mục tiêu chỉnh sửa hệ gen của cá rô phi sông Nile theo hướng nâng cao hiệu suất và gia tăng tỷ lệ thịt. Công nghệ này giúp rút ngắn quá trình chọn giống thông thường từ 20 năm xuống chỉ còn một năm, góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành nuôi trồng thủy sản tại Brazil.
Chỉnh sửa hệ gen khác với kỹ thuật biến đổi gen, còn được gọi là biến đổi di truyền – vốn kết hợp vật liệu di truyền từ các loài khác nhau. Ví dụ, loài cá hồi Đại Tây Dương “AquAdvantage” được nuôi bởi công ty AquaBounty của Mỹ là sản phẩm của công nghệ biến đổi gen. Chúng chứa vật liệu di truyền từ cá bơn đại dương và cá hồi Chinook, giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng. Loài cá rô phi do Brazilian Fish và CAT phát triển không phải là sinh vật biến đổi gen, vì chúng không chứa bất kỳ vật liệu di truyền ngoại lai nào. Thay vào đó, bộ gen của chúng đã được “chỉnh sửa” để tăng cường các tính trạng mong muốn mà loài cá này vốn đã sở hữu.
“Thành tựu này nhấn mạnh tiềm năng đột phá của công nghệ chỉnh sửa gen trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp cá rô phi, mang lại các giải pháp bền vững và có trách nhiệm nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực toàn cầu ngày càng tăng,” Tiến sĩ John Buchanan, Giám đốc điều hành của CAT, cho biết.
Vũ Đức
Theo Fishfarming