Sáng 28/1, nhiều người dân đã tập trung dọc sông Sêrêpốk, đoạn chảy qua hai xã Hòa Phú (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) và xã Tâm Thắng (Cư Jút, Đắk Nông) để trục vớt số cá chết trôi dạt dọc lòng sông.
Người dân ở xã Hòa Phú (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) vớt cá chết nổi dọc sông Sêrêpốk – Ảnh: B.D.
Ông Quang Thái Hùng (thôn 8, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột) cho biết trước đó chiều 27/1, nhiều người đi đánh cá trên sông Sêrêpốk thấy cá nổi khá nhiều trên mặt nước. Từ rạng sáng 28/1, hàng ngàn con cá chết nổi lềnh bềnh xuất hiện giữa lòng sông và dạt vào hai bên bờ.
Tại các khu vực nước lặng, rất nhiều cá còn sống bơi yếu ớt. Lúc này nhiều người dân ở xung quanh đã dùng thuyền nhỏ ra vớt cá dễ dàng.
Ông Đặng Khắc Thuẫn (thôn 9, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột) cho biết lượng cá mà người dân vớt được (chủ yếu là cá chép, cá lăng, rô phi đơn tính…) lên tới hàng tấn. Cá chết kéo dài trên khúc sông khoảng 6km từ cầu 14 (còn gọi là cầu Sêrêpốk, đoạn giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông) đến thôn 8, xã Hòa Phú.
Theo nhiều người dân sống ven sông Sêrêpốk, tình trạng cá bị chết hàng loạt đã từng xảy ra. Thời điểm cá chết chủ yếu xảy ra khi thủy điện phía thượng nguồn chặn dòng tích nước khiến mực nước sông Sêrêpốk bị cạn, lúc này nước sông bị ô nhiễm nặng và bốc mùi hôi thối.
Ông Nguyễn Dưỡng – phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Nông – cho biết chiều 28/1, các cán bộ tại Khu công nghiệp Tâm Thắng (huyện Cư Jút, Đắk Nông) đã xuống nơi xảy ra tình trạng cá chết để kiểm tra tìm nguyên nhân.
Ông Dưỡng cũng cho hay trên sông Sêrêpốk đoạn qua TP Buôn Ma Thuột hiện có Khu công nghiệp Tâm Thắng đang hoạt động, khu công nghiệp này chưa có nhà máy xử lý́ nước thải tập trung.
“Nhiều lần tôi trực tiếp đi kiểm tra và nhận thấy nước sông đoạn qua khu vực này bốc mùi hôi thối nồng nặc, có khả năng một số nhà máy đã trực tiếp xả thải xuống sông” – ông Dưỡng nói.