THỨ NĂM, ngày 23/1/2025

T3, 02/02/2021 04:40

Cá mập yêu tinh – Loài cá xấu xí nhất đại dương

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cá mập yêu tinh có hình dáng độc nhất vô nhị và bị coi là loài cá mập xấu xí nhất hành tinh. Rất nhiều đặc điểm của chúng vẫn còn là bí ẩn với các nhà khoa học.

Cá mập yêu tinh sống trong phạm vi rộng bao gồm Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, nhưng thường gặp nhất là ở ngoài khơi Nhật Bản. Với chiếc mũi dài, ngư dân Nhật Bản gọi chúng là cá mập yêu tinh “Tengu-zame” theo truyền thuyết dân gian về một con quỷ mũi dài.

Cá mập yêu tinh sống ở độ sâu khoảng 1.200 m. Loài cá mập này có đôi mắt yếu, chúng sinh tồn nhờ những giác quan khác. Vòng đời của cá mập yêu tinh đến nay vẫn còn là một bí mật. Cách thức giao phối và sinh sản của chúng vẫn chưa được biết đến.

Các nhà khoa học cũng chưa khám phá được kích thước tối đa của cá mập yêu tinh là bao nhiêu. Có ý kiến cho rằng, con đực trưởng thành thường có chiều dài từ 2,4 – 3,1 m và con cái là từ 3,1 – 3,5 m. Cá mập yêu tinh lớn nhất bắt được có chiều dài tới 3,9 m và nặng 210 kg.

Điểm đặc biệt nhất của cá mập yêu tinh là chiếc mũi dài và dẹt. Nhìn từ trên xuống, nó giống như một thanh kiếm. Chiếc mũi dài của chúng tiến hóa để phục vụ sinh tồn dưới đáy đại dương.

Theo nghiên cứu của Trường Đại học Hokkaido, hàm của cá mập yêu tinh có các dây chằng đàn hồi. Khi con mồi xuất hiện, hàm sẽ nhô ra và đớp mồi. Khi hàm nhô ra, miệng của cá mập yêu tinh chiếm từ 8,6 – 9,4% tổng chiều dài cơ thể. Răng phía trước của chúng sắc và mỏng dùng để cắn và xé thịt. Trong khi, răng sau phẳng, rộng để nghiền thịt và xương cứng.

Cá mập yêu tinh là loài cá săn mồi thân mềm, vây nhỏ, đuôi linh hoạt để tạo lực đẩy nhanh. Chính những đặc tình này khiến chúng di chuyển chậm. Vì vậy, để có thể bắt được con mồi chúng cần hàm đàn hồi để khắp phục điểm yếu di chuyển chậm và điều kiện ánh sáng yếu.

Một nhóm nghiên cứu Nhật Bản đã kiểm tra dạ dày của cá mập yêu tinh, họ tìm thấy các loại giáp xác, mực và cá biển sâu. Bạch tuộc, tôm cũng tìm thấy trong hệ tiêu hoá của chúng. 

Cá mập yêu tinh có làn da mờ thiếu sắc tố và nhờ những mạch máu nằm ngay bên dưới lớp da, cá mập yêu tinh khi còn sống sẽ có màu hồng – trắng hoặc tím – xám. Tuy nhiên, sau khi chết, màu sắc của chúng thay đổi, da chuyển sang màu nâu hoặc xám.

Bình An

(Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!