Toàn tỉnh Cà Mau hiện có trên 5.420ha tôm nuôi công nghiệp, với tổng nhu cầu tôm giống hàng năm lên tới gần 20 tỉ con, nhưng cơ quan chức năng mới chỉ quản lý được khoảng 70% lượng tôm giống lưu hành trên địa bàn, còn lại 30% nằm ngoài tầm kiểm soát.
Một cơ sở nuôi tôm giống
Trong khi đó, tại địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có 876 cơ sở sản xuất tôm giống, 223 cơ sở kinh doanh tôm giống, mỗi năm chỉ cung ứng được từ 8 đến 9 tỉ con, đáp ứng khoảng 40% tôm giống nuôi tại địa bàn, còn lại 60% (khoảng 10 tỉ con) người nuôi phải nhập từ các nơi khác về nuôi. Hơn nữa, ngay tại các cơ sở sản xuất kinh doanh tôm giống sở tại cũng có nhiều yếu tố chưa đảm bảo chất lượng. Cụ thể, kết quả kiểm tra trong năm 2013, cơ quan chức năng đã phát hiện 1,78% trong số trên 13 tỉ con tôm giống các loại qua kiểm tra không đạt chất lượng. Đặc biệt, trong số 112.437 con tôm giống bố mẹ qua kiểm tra thì có tới 27.678 con không đạt chất lượng.
Khó khăn cơ bản trong công tác quản lý tôm giống hiện nay tại Cà Mau chính là do địa bàn rộng, sông ngòi chằng chịt trong khi đó lực lượng mỏng, kinh phí, phương tiện thiếu, ý thức chấp hành các qui định của nhà nước trong lĩnh vực kiểm tra giống thủy sản chưa cao. Mặt khác, tiêu chuẩn chất lượng về giống thủy sản khi lưu thông trên thị trường còn bất cập; việc phân loại, đánh giá các cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản còn hạn chế.