Cà Mau: Hưởng ứng kỷ niệm Ngày Nghề cá Việt Nam – 1/4

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Được sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức vận động nhân dân, ngư dân phát động những việc làm tích cực, có ý nghĩa bảo vệ môi trường, bảo vệ tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ các loài vật trong lòng đất và trong lòng biển nhân dịp lễ kỷ niệm ngày truyền thống của ngành thủy sản.

Nhân ngày Bác Hồ đi thăm nhân dân đảo Tuần Châu, tỉnh Quảng Ninh, nhất là bà con ngư dân trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Thăm hỏi tình hình sản xuất và cuộc sống cũng như việc bảo vệ vùng biển của Tổ quốc thân yêu, luôn dặn dò cán bộ và nhân dân trên đảo luôn phát huy truyền thống bảo vệ nguồn lợi tài nguyên, thiên nhiên, môi trường. Đẩy mạnh sản xuất, xây dựng biển đảo quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp có cuộc sống văn minh và tiến bộ.

Cũng từ ngày đó, ngày 1/4 hàng năm, nhân dân ta, ngư dân ta lấy ngày kỷ niệm lịch sử Ngày Nghề cá Việt Nam (nay là ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam).

Ảnh: CTV

Từ cơ sở đó, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, Hội Thủy sản tỉnh cùng một số đơn vị thuộc, trực thuộc Sở và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Cà Mau tổ chức lễ kỷ niệm hưởng ứng ngày truyền thống nêu trên. Tham dự lễ kỷ niệm gồm có: Đại diện Sở NN&PTNT (Chi cục Thủy sản), Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Cà Mau, Hội Thủy sản tỉnh Cà Mau, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, UBND huyện Trần Văn Thời, Hội Thủy sản huyện Trần Văn Thời, Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, Hội Thủy sản xã Khánh Bình Tây, UBND xã Khánh Bình Tây, các công ty, doanh nghiệp, cá nhân, tăng ni phật tử hỗ trợ con giống thủy sản và ngư dân cửa biển Đá Bạc, huyện Trần Văn Thời tổ chức thả các loài thủy sản gồm có:

– Tôm sú giống (Penaeus monodon):  1.600.000 con (kích cỡ P12-15)

– Tôm sú bố mẹ (Penaeus monodon): 30 con

– Cá chẽm (Lates calcarifer): 5.000 con (kích cỡ từ 7 – 8 cm)

– Cua biển (Scylla paramamosain): 10.000 con (loại cua hạt dưa)

Mặc dù trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra hết sức phức tạp, gây tổn thất người và của cho nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Cà Mau nói riêng, nhất là ngư dân làm nghề thủy sản, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể và nhân dân hưởng ứng nhiệt tình cho ngày truyền thống ấy.

Ảnh: CTV

Lễ kỷ niệm diễn ra vào lúc 8 giờ 00 ngày 1/4/2022 tại cửa biển Hòn Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời hết sức nghiêm trang, đại diện Sở NN&PTNT ôn lại sơ nét ý nghĩa ngày truyền thống ấy và kêu gọi nhân dân, ngư dân hãy ra sức khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi cho môi trường vùng biển luôn trong sạch, tài nguyên ngày càng đa dạng và phong phú. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ trước lúc đi xa, Bác thường nói: “Đất nước ta có đất, có rừng, có biển, đại dương, ta cố gắng giữ gìn và tôn tạo để xứng danh “Rừng vàng, Biển bạc”.

Qua đó, Hội Giáo hội Phật giáo tỉnh Cà Mau cũng làm các thủ tục cầu siêu tâm linh để tiễn “chúng sinh” về cuộc sống mới. Thực hiện cầu “Bảo vệ chúng sinh, chính là bảo vệ nhân sinh”. Con người có cuộc sống tốt lành, chính là xung quanh mình, vạn vật cỏ cây đều sống tốt lành, hòa quyện với nhau trong một quần thể, không thể tách rời nhau.

Ảnh: CTV

Ngày truyền thống ấy đã đi vào tiềm thức của nhân dân Cà Mau, cứ mỗi lần, mỗi năm kỷ niệm luôn đọng lại trong lòng nỗi nhớ thương công lao trời biển của Bác Hồ. Để đáp lại lòng tin yêu ấy, Người dân Cà Mau, ngư dân Cà Mau nguyện ra sức tôn tạo và bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi để cuộc sống mọi người và các loài sinh vật chúng sinh có chung một lời nói “Chúng ta cùng chung sống và bảo vệ bền vững cho nhau, trong một quần thể thế giới này là một màu xanh tuyệt đẹp”.

Hướng về nguồn lợi biển

Chứng kiến con em học sinh của mình được trao tặng những phần quà cùng với hàng ngàn con giống được thả xuống vùng biển mình sinh sống, Anh Nguyễn Văn Bính, ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời phấn phởi: “Cảm ơn các ngành, các cấp đã quan tâm đến đời sống của ngư dân chúng tôi, từ khi có các hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi, ngư dân chúng tôi đã tham gia tuyên truyền anh em không khai thác nguồn lợi hủy diệt, sử dụng đúng mắc lưới, đặc biệt không sử dụng chất nổ trong khai thác biển. Từ đó, đời sống của ngư dân chúng tôi ổn định hơn trước. Đặc biệt hôm nay nhân ngày truyền thống này không những thả giống tái tạo nguồn lợi mà còn tặng quà cho con em chúng tôi có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi trân trọng ghi nhận tấm lòng của các cấp các ngành nhiều lắm…”

Ảnh: CTV

Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, Nguyễn Cản Hạnh cho biết: “Hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi mỗi năm 1 – 2 lần tại Hòn Đá Bạt này là hoạt động rất thiết thực đối với người dân trên địa bàn xã. Chúng tôi sẽ nỗ lực tuyên truyền, nhất là những ngư dân, cán bộ đoàn viên, con em học sinh tham gia hoạt động thả giống hôm nay sẽ là 1 tuyên truyền viên hướng đến ngư dân hoạt động khai thác thủy sản phải có trách nhiệm. Cùng chung tay với nhà nước ra sức quản lý, bảo vệ, bảo tồn, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản để mang lại nguồn thu nhập ổn định cho chính mình”.

Đoàn tàu chở người ra biển Hòn Đá Bạc, huyện Trần Văn Thời đến điểm hẹn, từng bọc tôm, cá, cua tuần tự được đưa xuống dòng nước biển cuốn hút những cá, tôm, cua chứa đầy hy vọng tột cùng của nhân dân và ngư dân cuộc sống của chúng sẽ sinh sôi nảy nở. 

Màu nước biển xanh xanh, sóng nhấp nhô theo từng lượng nhỏ, Nhân sinh tạm biệt với chúng sinh hẹn ngày gặp lại, đáp ứng theo mong đợi của nhân sinh “Biển của ta thật xứng đáng là: “Rừng vàng, Biển bạc”.

Tạm biệt biển Đá Bạc. Chúc biển yên, gió lặng, mưa thuận, gió hòa, ngư dân được mùa bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thoát khỏi câu dân gian, nghề thủy sản là nghề “hạ bạc”.

Một số hình ảnh người dân Cà Mau hưởng ứng ngày truyền thống thủy sản Việt Nam. Ảnh: CTV:

 

Hoàng Bút – Hoàng Diệu

Hội Thủy sản tỉnh Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!