Cà Mau: Kỳ vọng chủ động giống sò huyết

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Kết quả khả quan từ Dự án “Thử nghiệm sinh sản và ương sò huyết giống phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng ven biển tỉnh Cà Mau” mở ra kỳ vọng trong việc chủ động sản xuất con giống sò huyết chất lượng, cung cấp cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất cả nước, với hơn 300.000ha, chiếm gần 30% diện tích nuôi thủy sản cả nước và 40% vùng ĐBSCL, có điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình nuôi sò huyết. Đặc điểm địa hình thấp, thường xuyên bị ngập, nhiều bãi bồi, có thành phần địa chất là bùn pha cát và mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo nên thích hợp cho sò huyết sinh sản và phát triển nhanh.

Con giống được sinh sản từ sò huyết bố mẹ ở địa phương cho tỷ lệ sống đạt trên 80% (Ảnh minh họa). Ảnh: Minh Đảm

So với các loài thủy sản khác, nuôi sò huyết chỉ tốn chi phí đầu tư lưới mành bao quanh khu vực nuôi và con giống. Thức ăn của sò huyết chủ yếu là mùn, bã hữu cơ, sinh vật phù du nên người nuôi không tốn chi phí thức ăn. Ngoài ra, theo người dân, ưu điểm của mô hình nuôi sò huyết kết hợp trong vuông tôm là không ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng tôm nuôi, mặt khác, còn tạo điều kiện thích hợp cho con tôm phát triển. Nhờ vậy mà những năm qua, mô hình nuôi sò huyết kết hợp với nuôi tôm tại các huyện: Ngọc Hiển, Năm Căn, Ðầm Dơi, Phú Tân phát triển mạnh; ngoài mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm, còn có loại hình ương nuôi sò huyết trên biển và trên sông. Theo số liệu của Sở NN&PTNT Cà Mau, tính đến ngày 15/8, diện tích nuôi sò huyết kết hợp trong vuông tôm trên địa bàn toàn tỉnh đến thời điểm hiện nay: 9.730,46ha. Trong đó: Cái Nước 3.159ha, Đầm Dơi 4.112ha, Năm Căn 2.079,46ha, Ngọc Hiển 263ha, Phú Tân 117ha.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi về điều kiện tự nhiên, kỹ thuật nuôi nông dân tích lũy được, theo đánh giá của ngành chức năng và người dân, nuôi sò huyết vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định. Trong đó, việc không chủ động được con giống tại địa phương là trở ngại lớn cần sớm được khắc phục. Bởi hiện nay, giống sò huyết để nuôi chủ yếu được vận chuyển từ các tỉnh khác. Điều này khiến tỷ lệ sò huyết hao hụt nhiều do khắc biệt về môi trường nuôi.

Để sớm gỡ “nút thắt” này, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các cơ quan chuyên môn, các tổ chức có kinh nghiệm đã thực hiện thành công Dự án “Thử nghiệm sinh sản và ương sò huyết giống phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng ven biển tỉnh Cà Mau”. Ðây là dự án khoa học, công nghệ với mục tiêu xây dựng quy trình kỹ thuật sinh sản, ương sò huyết giống đầu tiên tại tỉnh Cà Mau, góp phần ứng dụng khoa học vào sản xuất thực tiễn.

Ông Hàn Thanh Phong, Phó trưởng phòng Quản lý tài nguyên thiên nhiên Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Thư ký dự án cho biết: “Khi triển khai thực hiện mô hình, các thành viên đã đi thực tế và tham quan rất nhiều mô hình ương sò huyết giống ở Cần Giờ, kỹ thuật nghiên cứu nâng cao tỷ lệ sống của giống sò huyết nhân tạo tại tỉnh Bến Tre, sau đó mới bắt tay vào thực hiện. Dự án được triển khai từ tháng 2/2023, đến thời điểm hiện tại đã thành công việc thử nghiệm sinh sản và ương sò huyết giống phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất Cà Mau”.

Theo chia sẻ từ nhóm tác giả, qua thời gian thử nghiệm, chọn lựa giống sò huyết bố mẹ tại Cà Mau cho sinh trưởng thì tỷ lệ sống của giống khi thả nuôi đạt trên 80%. Trong khi đó, con giống của các tỉnh Bến Tre, Quảng Bình… khi chuyển về Cà Mau thì tỷ lệ sống chỉ đạt 50%. Ðây là kết quả rất khả quan, tạo thêm động lực cho người nuôi.

Được biết, dự án có 2 đợt sản xuất, với quy mô 5 ao/đợt, thể tích 500m³, với tổng diện tích 2.500m³; mục tiêu mỗi đợt đạt từ 150 triệu con giống trở lên. Ðến thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thành 1 đợt, kết quả vượt so với kế hoạch đề ra: 245 triệu con giống (mục tiêu dự án ≥ 150 triệu con giống/đợt), vượt 95 triệu con so với mục tiêu đề ra; với kích cỡ khoảng 7 triệu con/kg (mục tiêu dự án là khoảng 10 triệu con/kg), tăng 30% so với kích cỡ sò huyết giống đề ra. Dự án đang theo dõi, thu thập, phân tích các số liệu để xây dựng hoàn thiện quy trình kỹ thuật, phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng ven biển tỉnh Cà Mau và đang tiếp tục đợt sản xuất thứ hai.

Sau khi dự án thành công, nhóm tác giả sẽ chuyển giao tài liệu kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo sò huyết cho các địa phương. Từ đó giúp đảm bảo chủ động nguồn sò giống cả về chất lượng và số lượng. Người dân sử dụng con giống được sản xuất tại địa phương sẽ giúp rút ngắn được thời gian vận chuyển, cùng với sự tương đồng về yếu tố môi trường góp phần giảm tỷ lệ hao hụt và tăng tỷ lệ thành công cho vụ nuôi.

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!