Nguồn lợi thuỷ hải sản trên vùng biển gần bờ của tỉnh Cà Mau bị suy giảm do việc tổ chức khai thác chưa hợp lý, tình trạng vi phạm ngư trường vẫn thường xuyên xảy ra… mô hình quản lý cộng đồng trong khai thác biển đang được triển khai thí điểm tại 2 xã trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm của dự án thì những khó khăn vẫn tồn tại đan xen cần sớm được tháo gỡ.
Mưu sinh nơi cửa biển
Ra biển từ lúc 3 giờ sáng, về tới nhà khi mặt trời đã đứng bóng nhưng trên ghe chỉ toàn là cá tạp, cá phân. Nhìn vào đống cá với giá trị khoảng 200.000 đồng, ông Hồ Văn Thuận, ngư dân ấp 1, xã Khánh Hội, huyện U Minh, thở dài: “Ghe lưới cũ quá nên đành phải chịu. Tôi làm nghề này đã hơn 10 năm nay rồi, ghe lưới cũng ngần ấy năm chưa được thay mới.
Mặc dù vẫn biết đánh cá với mắc lưới này (4 phân) là huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản, nhưng biết làm sao hơn khi cuộc sống khó khăn quá, ngoài nghề này thì chúng tôi không còn biết làm nghề gì khác để kiếm sống”.
Ấp 1, xã Khánh Hội có 469 hộ thì đã có gần 200 hộ thuộc gia đình nghèo và cận nghèo. Hầu như họ đều sống nghề khai thác thuỷ sản gần bờ bằng những phương tiện đánh bắt thô sơ. Và họ cũng thừa biết rằng, ra biển với phương tiện và kích cỡ lưới như thế là không an toàn, là huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản ven bờ.
Tuy nhiên, vì nghèo khó, vì không có vốn nên buộc lòng họ phải đối mặt với việc khai thác này. Thậm chí có người còn cho rằng, họ đang “gặm nhấm khẩu phần” của con cháu họ.
Ông Nguyễn Văn Kía, ngư dân ấp 1, xã Khánh Hội, chia sẻ: “Nguồn lợi bây giờ đâu còn như trước. Trước đây mỗi lưới tôi đánh được khoảng 400.000 – 500.000 đồng (trong khi giá xăng khoảng 5.000 đồng/lít), còn bây giờ đánh cả ngày kiếm được 200.000 – 300.000 là mừng lắm rồi, trong khi giá xăng tăng lên hơn 4 lần so với trước. Đứng trước khó khăn này, buộc ngư dân phải thu hẹp dần… mắc lưới. Thậm chí cá mới nở mấy ngày cũng dính, không biết rồi tới đời con, cháu mình còn gì để ăn không nữa”.
Rời cửa biển Khánh Hội, chúng tôi lại tiếp tục chứng kiến sự nhộn nhịp tại vàm Ba Tỉnh, thuộc xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời. Anh Lý Việt Quốc, ngư dân ấp Mũi Tràm B, xã khánh Bình Tây Bắc, đang sắp xếp lại mấy trăm cái lú Huế để chuẩn bị cho một ngày rong ruổi ven bờ.
Anh Lý Việt Quốc, ngư dân ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc, sắp xếp lại mấy trăm cái lú Huế để chuẩn bị cho một ngày rong ruổi ven bờ.
Anh Quốc trần tình: “Với 200 cái lú Huế này mỗi ngày tôi thu về từ 1 – 2 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí và ăn chia với bạn đi cùng thì cũng còn lãi vài trăm ngàn đồng. Với mắc lưới 1,8 phân này thì cá, tôm gì vào đó đều không ra được. Vẫn biết như thế là vi phạm nhưng mình không khai thác thì tỉnh khác họ cũng dùng lưới rùng, cào cóc bắt hết, họ còn xài cả điện để tiêu diệt cá, tôm nữa đâu có chừa lại cho mình đâu”.
Anh Phan Việt Trung, cán bộ thuỷ sản xã Khánh Bình Tây Bắc, cho biết: “Mặc dù đã tham dự tập huấn về mô hình đồng quản lý nhưng tôi thấy rất khó thực hiện. Mô hình này trên cơ bản là kêu gọi sự tự giác bảo vệ của người dân, mà với những ngư dân này, khi cuộc sống của họ quá bức bách thì kêu gọi họ tự giác cũng hơi bị gay go…”.
Khó kêu gọi cộng đồng
Cùng tâm trạng trên, ông Đỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bộc bạch: “Để người dân tự giác khi mà cái bụng họ đói thì không dễ làm chút nào. Trong khi đó, kinh phí cho mô hình cũng hết sức khiêm tốn (khoảng 1 tỷ đồng/mô hình), việc hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Thực tế có những hộ dân không đồng tình tham gia mô hình vì sinh lợi của việc khai thác trái phép sẽ cao hơn khi tham gia mô hình. Tuy nhiên, dự án cũng đã nghĩ đến việc hỗ trợ sinh kế cho những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng số tiền hỗ trợ cũng sẽ hết sức khiêm tốn”.
Phương thức quản lý nguồn lợi biển dựa vào cộng đồng đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, đặc biệt là tại các nước đang phát triển và được thừa nhận là một phương thức quản lý hiệu quả, ít tốn kém.
Thông qua phương thức này, cộng đồng dân cư các địa phương ven biển được trao quyền cụ thể, có kiểm soát trong việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.
Điều này đã tăng cường sự chủ động, thúc đẩy cộng đồng dân cư cùng chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về quy chế dân chủ cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Sĩ, mô hình này quá mới mẻ với ngư dân Cà Mau. Dẫu biết khó thực hiện nhưng vẫn phải làm để rút kinh nghiệm và xin ý kiến chỉ đạo những bước tiếp theo. Hiện tỉnh mới chỉ làm đến bước chọn địa điểm, tập huấn cho địa phương và chọn đối tượng tham gia mô hình.
Anh Phan Việt Trung kiến nghị, việc lựa chọn người tham gia mô hình không khó, cái khó nhất là làm sao bảo đảm được cuộc sống của họ trong những tháng cấm khai thác (vào mùa sinh sản của cá, tôm).
Trong khi chỉ với 1 tỷ đồng để chi cho tất cả các hoạt động như: nâng cấp xây mới trụ sở sinh hoạt của ban quản lý; mua sắm thiết bị phục vụ công tác quản lý; tập huấn, tuyên truyền; trang bị phương tiện để phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát vi phạm… là quá thấp.
“Dự án nêu rõ rằng, kinh phí chính để hoạt động sẽ được thu từ những khoản sinh lợi trong khu vực biển mà họ quản lý. Như vậy, nếu khu vực này không có nguồn sinh lợi thì xem như ban quản lý đó không có kinh phí để hoạt động.
Thực tế tại địa phương, ngoài việc khai thác thuỷ sản gần bờ thì cửa biển này không có các bãi nghêu, bãi sò lớn như ở các khu vực biển khác để làm mô hình sinh lợi. Chính vì vậy, sẽ rất khó khăn để ban quản lý duy trì hoạt động”, anh Trung cho biết thêm.
Khó khăn là vậy, nhưng không thể không làm. Ông Sĩ khẳng định: “Cùng với việc cộng đồng tham gia bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, để phát triển bền vững và quản lý tốt nghề khai thác biển, Cà Mau rất cần hình thành một khung pháp lý để hạn chế số lượng tàu thuyền tham gia khai thác gần bờ, quản lý chặt chẽ số lượng tàu cá, hạn chế việc khai thác không theo mùa, đánh bắt huỷ diệt hoặc sử dụng mắc lưới quá nhỏ.
Đây là việc rất cần thiết khi mà chúng ta có ngư trường trải rộng, số lượng tàu thuyền lớn nhưng có nhiều phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, từ những nghề gây tổn hại đến nguồn lợi hải sản sang các nghề khác ngoài khai thác hải sản là hết sức cần thiết”.