Vài năm gần đây, một số hộ nuôi tôm công nghiệp (NTCN) của huyện Đầm Dơi đã chủ động tiếp cận, học hỏi, nghiên cứu và áp dụng thử nghiệm mô hình NTCN bằng phương pháp trải bạt, bước đầu mang lại hiệu quả.
Chi phí đầu tư cao
Bởi chi phí đầu tư ban đầu cao nên hộ khá, giàu có nhiều vốn mới dám “mạo hiểm” thực hiện mô hình NTCN trải bạt. Có thâm niên NTCN trên 10 năm, anh Trương Nhựt Thành (ấp Tân Thành, xã Tân Duyệt) hiện nuôi 5 ao, trong đó có 3 ao nuôi bằng phương pháp trải bạt. Theo lời anh Thành: Hai năm gần đây, nhất là năm 2015, hầu như người NTCN nếu nuôi đạt thì lãi thấp, còn bị “gãy” giữa chừng thì lỗ nặng. “Thông qua bạn bè và đi tham quan học hỏi kinh nghiệm NTCN trải bạt ở một số tỉnh, thành, thấy đạt năng suất cao, tôi quyết định đầu tư vốn thử nghiệm mô hình này. Ba ao tôm trải bạt đến nay được hơn 1 tháng tuổi, tôm đạt trọng lượng trên 100 con/kg. Tuy nhiên, để thực hiện mô hình này, chi phí ban đầu rất cao, bình quân 1.000 m2 chi phí ban đầu khoảng 150 triệu đồng, chưa kể tiền tôm giống và thức ăn, vi sinh. Dù tận dụng một số máy móc, thiết bị có sẵn, tôi cũng phải chi thêm 400 – 500 triệu đồng mới thực hiện được”, anh Thành cho biết.
Tôm thẻ được đa số hộ nuôi lựa chọn để thực hiện mô hình tôm công nghiệp ao đất nói chung và ao trải bạt đáy nói riêng, bởi thời gian nuôi ngắn.
Mô hình nuôi tôm công nghiệp trải bạt đáy của anh Nguyễn Thành Công.
Là một trong những người NTCN thành công có tiếng ở xã Trần Phán, anh Nguyễn Thành Công (ấp Ngã Bát) nuôi tôm từ năm 2004 đến nay. Theo anh Công, năm 2013, Công ty C.P. đã hỗ trợ anh thực hiện thử nghiệm mô hình NTCN trải bạt. Riêng anh đã đầu tư trên 1 tỷ đồng để đầu tư cho 4 ao nuôi. Thấy đạt hiệu quả cao, một năm sau anh Công tiếp tục đầu tư thêm khoảng 800 triệu đồng để nuôi thêm 3 ao nữa.
Thực tế cho thấy, với mô hình NTCN trải bạt bước đầu mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư ban đầu rất cao, nên nhiều hộ dù muốn thử nghiệm song không dám mạo hiểm.
Nuôi tôm công nghiệp trải bạt đáy giúp người nuôi chủ động hơn trong việc kiểm soát lượng thức ăn dư thừa, cũng như chủ động hơn trong xử lý môi trường.
Hạn chế rủi ro, năng suất cao
Anh Nguyễn Hiền Thức (ấp Lung Trường, xã Quách phẩm): “Tôi NTCN từ năm 2008, đến năm 2014 mới đầu tư nuôi 9 ao trải bạt, với chi phí đầu tư 150 – 200 triệu đồng/1.000 m2. Từ lúc nuôi đến nay trên 5 vụ, thì lãi ít hoặc nhiều chứ chưa có lỗ. Ưu điểm của mô hình này là chi phí thức ăn chỉ bằng 1/5 so với nuôi ao đất; nuôi được với mật độ dày 100 – 500 con/m2; người nuôi chủ động trong xử lý môi trường; nuôi được nhiều vụ, khoảng 3 – 4 vụ/năm; năng suất đạt bình quân 50 – 60 tấn/ha. Trên địa bàn xã hiện nay có trên 15 hộ thực hiện mô hình này, cho lợi nhuận khá”.
Đối với anh Nguyễn Thành Công, gần 3 năm thực hiện mô hình NTCN trải bạt đáy với 7 ao. Mỗi năm anh nuôi 2 vụ, bình quân lãi khoảng 4 tỷ đồng/năm. Hiện tại, 3 ao tôm của anh đang phát triển tốt, mật độ 100 con/m2, đạt trọng lượng 28 con/kg, được anh nuôi tiếp tục để bán cỡ lớn. Theo anh Công: Nuôi ao bạt, không phải ai cũng nuôi thành công, bởi mô hình này không những tốn kém chi phí ban đầu cao, mà khó và cực hơn nhiều so với nuôi ao đất. Bởi, phải thay nước hằng ngày; phải nắm vững 10 chỉ tiêu môi trường để xử lý kịp thời; đánh vi sinh định kỳ.
Ông Lê Thanh Đăng, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện: “Trong Quý I, tình hình sản xuất, nhất là tình hình nuôi tôm của người dân trên địa bàn đạt khá. Diện tích NTCN tăng 2,3 ha, nâng tổng diện tích toàn huyện 2.933 ha. Tuy nhiên, diện tích thả nuôi chỉ khoảng 1.320ha, trong số này có khoảng 10 ha NTCN bằng phương pháp trải bạt (tương đương 25 ao, của 18 hộ dân). Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến rủi ro cao, giá tôm nguyên liệu thấp, khi nuôi đạt nhưng lãi không cao; thiếu vốn tái đầu tư sản xuất. Đối với mô hình nuôi tôm bằng phương pháp trải bạt đáy (theo quy trình công nghệ cao), bước đầu thấy hiệu quả cao, tuy nhiên chi phí đầu tư ban đầu quá cao, đối với hộ ít vốn khó có thể thực hiện được”.