(TSVN) – Hiện nay, Cà Mau có khoảng 1.358 phương tiện khai thác thủy sản dưới 20 CV được đăng ký, đăng kiểm. Tuy nhiên, vẫn còn hàng nghìn ngư dân tận dụng phương tiện thủy gia dụng không đăng ký để khai thác ven bờ làm nguồn lợi thủy sản cạn kiệt nhanh.
Các phương tiện này khi có thông tin nguồn lợi thủy, hải sản xuất hiện trên biển thì cơ động chuyển đổi ngư cụ phù hợp để khai thác. Đây là thực trạng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy, hải sản hiện nay.
Nhiều ngư dân ở những tỉnh khác (Bạc Liêu, Sóc Trăng…) cũng đến mưu sinh ở khu vực gần bờ, ngày nào cũng ra biển đánh bắt thủy sản. Phương tiện là những chiếc xuồng gắn máy, không có định vị; lưới đánh cá là những dụng cụ bắt cá thông thường.
Theo Sở NN&PTNT Cà Mau, những người dân đánh bắt thủy sản bằng phương tiện nhỏ, dưới 30CV thuộc địa phương quản lý, họ thuộc diện phải chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, thống kê của các địa phương ven biển, có đến trên 4.000 người mưu sinh bằng nghề này. Hầu hết họ đều rất khó khăn. Mỗi khi có bão, công tác kêu gọi vào bờ, nắm bắt phương tiện vô cùng nan giải vì phần lớn họ không đăng ký khai thác thủy sản.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế, song việc chuyển đổi nghề, sắp xếp tái định cư cho người dân thời gian qua của Cà Mau bước đầu mang lại hiệu quả khả quan.
Sau 2 năm kể từ khi có được nguồn vốn hỗ trợ chuyển đổi từ nghề te (xiệp) sang lưới rê, gia đình anh Nguyễn Văn Đấu (ấp Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) có nhiều đổi khác. Anh Đấu cho biết, giờ đây mỗi chuyến biển (sáng đi chiều về) anh thu nhập từ 1,5 – 2 triệu đồng, cao hơn nhiều so trước, cuộc sống gia đình dần ổn định. Anh Đấu là một trong những hộ được chọn tham gia mô hình lưới rê thí điểm tại xã Khánh Bình Tây và xã Khánh Hội, huyện U Minh năm 2018. Theo đánh giá của ngư dân, hiệu quả mô hình mang lại khá tốt.
Một mô hình chuyển đổi ngành nghề khác được thí điểm trước đó tại xã Tân Hải, huyện Phú Tân cũng được ngư dân đánh giá khá hiệu quả là lưới rê. Theo đó, ngư dân sử dụng kích thước mắt lưới 80 mm, đối tượng khai thác chính là ghẹ và các loại cá khác. Qua triển khai hơn 1 năm cho thấy, đây là mô hình khá hiệu quả khi doanh thu trung bình mỗi chuyến biển (sáng đi chiều về) từ 2,5 triệu đồng.
Mặc dù nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề của ngư dân tại Cà Mau rất lớn, nhưng hàng năm nguồn ngân sách hỗ trợ để chuyến đổi nghề hạn chế. Trong khi, các hộ dân khai thác hải sản ven bờ đa số là hộ nghèo, để chuyển đổi ngành nghề và ngư trường khai thác ngư dân phải có vốn mới có điều kiện đầu tư phương tiện, ngư cụ… Do đó, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì đại đa số ngư dân gần như không có khả năng tự chuyển đổi.