Anh Trần Bá Tước (40 tuổi), ở ấp Rạch Mũi, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước là hộ dân đi đầu nuôi cá kèo theo hướng công nghiệp ở địa phương. Hiện tại mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Tước thu lời vài trăm triệu đồng mỗi vụ.
Gian nan không nản
Bôn ba khắp nơi làm đủ các công việc, cuối cùng anh Trần Bá Tước cũng tìm được hướng đi cho riêng mình. Đúng là ông trời không phụ người có lòng, cơ duyên đưa anh Tước đến với huyện Hòa Bình (Bạc Liêu), tại đây anh đi làm thuê cho một số hộ nuôi cá kèo theo hướng công nghiệp. Khi mới vào làm anh đã nhận ra đây là con đường để mình thoát nghèo.
Anh Tước đầu tư nuôi 6 ao cá kèo
Năm 2013, anh Tước trở lại quê nhà mang theo giấc mơ làm giàu với mô hình nuôi cá kèo công nghiệp. Nhưng khi đó, ít ai tin tưởng vào sự thành công của anh. Chị Lê Thị Bé, vợ anh Tước, chia sẻ: “Hồi anh quyết định làm, tui cũng lo lắm, không biết mọi chuyện sẽ ra sao. Nhưng tính anh tui biết, nếu không chắc chắn thì không bao giờ anh dám làm lớn vậy, nên tôi luôn ủng hộ và tin rằng anh sẽ thành công. Tiền thuê đất mỗi năm 90 triệu đồng, cộng tiền đầu tư hết cả nửa tỷ bạc, tôi phải chạy vạy khắp nơi để cho anh tiến hành”.
Trong khi người dân huyện Cái Nước đang rầm rộ phát triển nuôi tôm công nghiệp thì anh Tước lại cải tạo ao đầm nuôi cá kèo. Nhiều người xung quanh nói anh “dở hơi”, ở đây làm gì có ai nuôi cá kèo. Nhưng rồi, với những kinh nghiệm đã học được và tinh thần chịu thương chịu khó, người nông dân này đã chứng minh rằng mình đã đúng. Thành công của anh Tước vượt ngoài sức tưởng tượng của mọi người.
Đến với thành công
Với diện tích đất 2 ha, anh Trần Bá Tước đầu tư nuôi 6 ao, sau 5 tháng nuôi anh thu hoạch đợt đầu (trước Tết Nguyên đán), kích cỡ khoảng 40 con/kg. Mỗi ao được hơn 3 tấn. Tuy giá rớt chỉ còn 47 – 50 nghìn đồng/kg nhưng anh vẫn thu được hơn tỷ bạc, trừ chi phí lãi khoảng 300 triệu đồng.
Sau đó, anh Tước tiếp tục đầu tư nuôi lại. Vụ rồi thu hoạch vào cuối tháng 6 vừa qua; sản lượng mỗi ao khoảng gần 4 tấn. Với giá 70 nghìn đồng/kg, anh thu hoạch trước 3 ao được gần 750 triệu. Trừ tất cả chi phí (mỗi ao đầu tư giống 60 triệu đồng, tiền thức ăn khoảng 150 triệu, phí nhân công…), gia đình anh Tước còn lãi khoảng 250 – 300 triệu đồng. Còn lại 3 ao, tuy đã đến thời điểm thu hoạch, nhưng anh vẫn muốn nuôi lại chờ giá lên. Hạch toán với giá bán như hiện nay, 6 ao nuôi sau 5 tháng sẽ cho gia đình anh Tước lãi bèo cũng 600 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá kèo, anh Tước cho biết, nuôi cá kèo cần chú ý mực nước, khi cá còn nhỏ để mực nước trong ao khoảng 20 – 30 cm. Sau đó, sẽ đẩy mực nước tăng dần theo sự phát triển của cá, khi cá trưởng thành mức nước sẽ không giới hạn, ao sâu bao nhiêu để mực nước bấy nhiêu cũng được. Tuy nhiên, với những ao cạn thì phải thường xuyên thay nước. Cách thay nước là bơm rút nước ra khoảng 30% tổng lượng nước trong ao, sau đó bơm vào lượng nước tương đương hoặc nhiều hơn. Tránh trường hợp thay nước hoàn toàn, hoặc làm biến động môi trường sống của cá quá lớn, cá sẽ không kịp thích nghi rất dễ bị sốc dẫn đến sức đề kháng yếu, bệnh tật…
Hiện tại mô hình của anh được nhiều người biết đến, nhiều bà con quanh vùng và các huyện khác đến tham quan, học hỏi về cách nuôi cá kèo hiệu quả, và được anh vui vẻ chia sẻ.
Ông Lê Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hưng, cho biết, thành công của anh Bá Tước rất đáng khích lệ. Anh là người đầu tiên đưa con cá kèo về vùng đất này nuôi hiệu quả. Sau những thành công của anh Tước, nhiều người dân trong vùng học hỏi và dự tính đầu tư, làm mô hình nuôi cá kèo theo hướng công nghiệp.
>> Anh Trần Bá Tước cho biết: Chi phí đầu tư mô hình cá kèo thương phẩm khá cao, không thua kém việc đầu tư nuôi tôm công nghiệp, tuy nhiên không rủi ro nhiều. Cá kèo thường mắc bệnh gan và đường ruột, nhưng nếu có bị thiệt hại thì cũng bị chết ít chứ không mất trắng. |