Phát triển vùng nuôi cá dìa thương phẩm theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu “Cá dìa Tam Giang” tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cá dìa là đối tượng đặc hữu có giá trị kinh tế cao ở đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, không những thế cá dìa còn là một đặc sản danh tiếng của ẩm thực Thừa Thiên Huế. Thời gian qua, cá dìa được người dân chủ yếu đưa vào nuôi xen ghép nên sản lượng chưa cao, chưa hình thành vùng nuôi chuyên canh, hay nuôi tập trung để tạo ra sản phẩm an toàn theo hướng hàng hóa đặc trưng và chủ lực trên vùng nuôi đầm phá. Bên cạnh đó, sản phẩm cá dìa hiện nay chủ yếu đang được thu mua qua các đầu mối nhỏ lẻ, nhiều khâu trung gian điều này dẫn đến giá cả thị trường thường không ổn định.

Với mục tiêu phát triển nuôi cá dìa thương phẩm tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, Đề án “Phát triển thủy đặc sản vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 – 2025” được xây dựng của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa cá dìa là một trong những sản phẩm thủy đặc sản được đưa vào để xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ và nhãn hiệu tập thể.

Cá dìa thương phẩm

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông được Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế giao nhiệm vụ thực hiện dự án “Phát triển vùng nuôi cá dìa (Siganus guttatus) thương phẩm theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu “Cá dìa Tam Giang” tại tỉnh Thừa Thiên Huế” (số 285/QĐ-SKHCN ngày 30/9/2022) nhằm xây dựng chuỗi liên kết để cung cấp nguồn giống cá, thức ăn ổn định cho người nuôi cũng như đảm bảo đầu ra ổn định, đồng thời xây dựng thương hiệu “Cá dìa Tam Giang” cho sản phẩm cá dìa nuôi trên đầm phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dự án này được ra đời trên cơ sở kế thừa và tiếp nhận công nghệ sản xuất giống cá dìa (Siganus guttatus Bloch, 1787) do Trung tâm Khuyến ngư (nay là Trung tâm Khuyến nông) thực hiện năm 2005; thông qua kết quả các mô hình ương giống và nuôi thương phẩm cá dìa (nuôi đơn và xen ghép) do Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện và theo quy trình “Hướng dẫn kỹ thuật ương và nuôi thương phẩm cá dìa” (310/QĐ-SNNPTNT ngày 08/4/2022 do Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế) ban hành.

Nhằm Phát triển vùng nuôi cá dìa thương phẩm theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu “Cá dìa Tam Giang”, Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên Huế đã tiến hành các hoạt động:

+ Hội nghị triển khai dự án, điều tra hiện trạng ương, nuôi cá dìa và thị trường tiêu thụ cá dìa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nhằm đánh giá tình hình ương, nuôi cá dìa, thị trường tiêu thụ cá dìa trên địa bàn nhằm giúp cho người nông dân, doanh nghiệp (cơ sở thu mua), các cơ quan quản lý các cấp, cơ quan nghiên cứu và chính quyền địa phương có định hướng phát triển đối tượng nuôi này.

+ Xây dựng mô hình ương và nuôi cá dìa thương phẩm tại công ty TNHH Hằng Trung, xã Phú Mỹ và hộ ông Trương Ngọc Nhật, xã Phú Gia, huyện Phú Vang với quy mô ương 0,6 ha và quy mô nuôi 2 ha/2 điểm, hoàn thiện quy trình. Đã tổ chức 2 lớp tập huấn tập huấn cho nông dân về quy trình ương và quy trình nuôi cá dìa cho các nông dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

+ Tạo lập, bảo hộ và phát triển nhãn hiệu tập thể “Cá dìa Tam Giang – Huế – Đặc sản đầm phá” cho sản phẩm cá dìa, trong đó đã thiết kế logo (mẫu nhãn hiệu) nhãn hiệu tập thể “Cá dìa Tam Giang – Huế”; Xây dựng hệ thống văn bản quy định về quản lý nhãn hiệu tập thể; Xây dựng mô hình tổ chức quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể “Cá dìa Tam Giang – Huế – Đặc sản đầm phá”. Xây dựng phương án thương mại hóa sản phẩm và phương tiện quảng bá sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Cá dìa Tam Giang – Huế – Đặc sản đầm phá” theo chuỗi giá trị.

+ Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị cho sản phẩm “Cá dìa Tam Giang – Huế”.

Sau 22 tháng thực hiện Dự án đã đạt được những kết quả chính như sau:

– Hoàn thiện Bộ số liệu và báo cáo kết quả điều tra khảo sát đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhằm đánh giá tình hình ương, nuôi cá dìa, thị trường tiêu thụ cá dìa trên địa bàn nhằm giúp cho người nông dân, doanh nghiệp (cơ sở thu mua), các cơ quan quản lý các cấp, cơ quan nghiên cứu và chính quyền địa phương có định hướng phát triển đối tượng nuôi này.

– Trên cơ sở áp dụng quy trình “Hướng dẫn kỹ thuật ương và nuôi thương phẩm cá dìa” (310/QĐ-SNNPTNT ngày 08/4/2022 do Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế) Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng thành công:

+ Mô hình ương cá dìa với quy mô 6.000 m2, mật độ 20 con/m2, trọng lượng trung bình: 49 con/kg, kích cỡ cá 5 – 7 cm/con; tỷ lệ sống: 50,75%, năng suất: 2,07 tấn/ha

+ Mô hình nuôi cá dìa thương phẩm với quy mô 02 ha, mật độ 3 con/m2, cỡ cá thu hoạch trung bình đạt 209 g/con; tỷ lệ sống đạt 60,5%, năng suất đạt bình quân 3,79 tấn/ha và bán ra thị trường được 7.576,5 kg.

Trên cơ sở kết quả của mô hình ương, nuôi cá dìa. Trung tâm Khuyến nông đã hoàn thiện quy trình công nghệ phù hợp với điều kiện địa phương: 01 quy trình công nghệ ương giống cá dìa phù hợp với điều kiện tỉnh Thừa Thiên Huế và 01 quy trình công nghệ nuôi cá dìa thương phẩm đảm bảo an toàn sinh học phù hợp với điều kiện tỉnh Thừa Thiên Huế. Để tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình, Trung tâm đã tổ chức tập huấn cho 100 nông ngư dân trên địa bàn Thừa Thiên Huế nắm nội dung quy trình kỹ thuật và biết cách vận dụng vào thực tiễn sản xuất ở nông hộ.

Đã hoàn thành bộ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể “Cá dìa Tam Giang – Huế – Đặc sản đầm phá” và được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đã công báo sở hữu công nghiệp số 435 tập A – quyển 3 vào tháng 6/2024. Theo kế hoạch vào tháng 3/2025 sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng nhãn hiệu tập thể.

– Đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị cho sản phẩm “Cá dìa Tam Giang”.
– Đã hoàn thiện chuyên mục truyền thông phát trên Đài truyền hình địa phương.
– Xây dựng mô hình tổ chức quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể “Cá dìa Tam Giang – Huế – Đặc sản đầm phá”.
– Xây dựng phương án thương mại hóa sản phẩm và phương tiện quảng bá sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Cá dìa Tam Giang – Huế – Đặc sản đầm phá” theo chuỗi giá trị.

Trên cơ sở kết quả đạt được từ các sản phẩm của Dự án đã được các thành viên trong hội đồng khoa học, chính quyền địa phương đánh giá phù hợp hoàn toàn với điều kiện tự nhiên, phương thức sản xuất tại địa phương nên khả năng ứng dụng và nhân rộng mô hình cao. Nhãn hiệu tập thể “Cá dìa Tam Giang – Huế – Đặc sản đầm phá” sẽ góp phần phát triển đầu ra sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và phát triển bền vững cho người dân. Bên cạnh đó tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn cho người tiêu dùng.

ThS Nguyễn Thị Thu Giang
Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên Huế

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!