Cá tầm nhập khẩu “mắc cạn”

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 18/5/2023, Bộ Tài chính có Văn bản số 5059/BTC-TCHQ gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc nhập khẩu cá tầm. Theo Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT đưa ra yêu cầu tăng cường quản lý, kiểm soát đối với cá tầm nhập khẩu nhưng cơ chế quản lý hiện hành chưa đảm bảo để thực thi. Theo đó, Bộ Tài chính đã có những kiến nghị, nhằm giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong 2 năm qua.

Nhiều bất cập

Theo Bộ Tài chính, từ tháng 3/2021 đến nay, tổng số có 294 tờ khai hải quan nhập khẩu cá tầm, trong đó có 108 tờ khai đã thông quan (trong giai đoạn từ ngày 1/12/2021 – 24/2/2022, các lô hàng thuộc các tờ khai này có kết quả giám định bằng phương pháp hình thái của Viện Nghiên cứu Hải sản kết luận thuộc loài Acipenser baerii Brandt 1869). 186 tờ khai chưa thông quan (với trị giá gần 203 tỷ đồng) bao gồm: 81 tờ khai đã lấy mẫu gửi giám định nhưng kết quả giám định của các cơ quan khoa học CITES do Bộ NN&PTNT chỉ định đều không đủ cơ sở để kết luận chủng loại cá tầm nhập khẩu; 105 tờ khai đã lấy mẫu nhưng chưa gửi giám định được do từ ngày 24/2/2022 không có đơn vị giám định nào tiếp nhận mẫu.

Theo Bộ Tài chính, việc nhập khẩu cá tầm hiện nay nổi lên các khó khăn, vướng mắc. Thứ nhất, khó khăn trong việc xác định giống loài, chủng loại cá tầm nhập khẩu. Từ tháng 3/2021 đến nay, để kiểm soát giống loài, chủng loại cá tầm nhập khẩu đúng với giấy phép CITES đã cấp theo đề nghị tăng cường kiểm soát của Bộ NN&PTNT, các lô hàng cá tầm nhập khẩu đều được cơ quan hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa. Tuy nhiên, do đặc thù nhóm hàng cơ quan hải quan không đủ kinh nghiệm và phương tiện kỹ thuật để xác định chủng loài theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT.

Ảnh: HSHG

Căn cứ quy định tại khoản 5 điều 29 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP cơ quan hải quan đã đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT để xác định giống loài, chủng loại cá tầm nhập khẩu.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đã chỉ định các cơ quan khoa học thuộc Bộ thực hiện việc giám định gồm Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và Viện Nghiên cứu Hải sản. Tuy nhiên, kết quả giám định của các đơn vị này không kết luận giống loài, chủng loại cá tầm nhập khẩu hoặc không tiếp nhận mẫu dẫn đến cơ quan hải quan không đủ cơ sở pháp lý để thông quan hàng hóa hoặc xử lý vi phạm đối với 186 tờ khai nhập khẩu cá tầm nêu trên.

Thứ hai, khó khăn trong việc bảo quản mẫu cá tầm để thực hiện giám định. Bên cạnh việc gửi mẫu và giám định thì cơ quan hải quan cũng phải lưu giữ, bảo quản các mẫu vật để phục vụ kiểm tra, đối chiếu, tái giám định khi cần thiết (đặc biệt là trường hợp kết luận giám định không rõ ràng). Trung bình mỗi lô hàng cơ quan hải quan sẽ lấy mẫu từ 3 – 5 cá thể cá tầm. Với tổng số lượng lớn và kích thước dài, các Chi cục Hải quan đã phải trang bị thêm 9 tủ đông để lưu mẫu. Do số lượng mẫu quá lớn nên đối với các mẫu vật của các lô hàng mới phát sinh Chi cục Hải quan giao cho người khai bảo quản mẫu các cá thể cá tầm phục vụ công tác giám định. Tuy nhiên, do thời gian bảo quản quá dài (từ tháng 3/2021) các tủ đông không phải là tủ chuyên dụng nên các mẫu lưu đã có hiện tượng phân hủy. Việc lấy mẫu giám định, bảo quản mẫu vật cá tầm phục vụ việc giám định cũng đồng thời gây phát sinh nhiều chi phí cho cơ quan hải quan và doanh nghiệp (trung bình 1 mẫu gửi giám định phát sinh khoảng 20 triệu đồng/lô chưa kể chi phí bảo quản mẫu).

Thứ ba, khó khăn trong việc xử lý đối với các tờ khai hải quan cá tầm chưa có kết luận giám định xác định giống loài, chủng loại. Do đặc thù hàng hóa nhập khẩu là cá tầm tươi sống, việc nuôi nhốt phải đáp ứng điều kiện đặc biệt, không thể bảo quản tại cửa khẩu trong thời gian dài để chờ kết quả giám định. Do vậy, khi làm thủ tục hải quan theo chỉ định của cơ quan kiểm dịch về việc đưa hàng về bảo quản phục vụ công tác kiểm dịch, hàng hóa được giao cho doanh nghiệp bảo quản chờ thông quan theo quy định.

Tuy nhiên, với kết luận giám định không đủ cơ sở pháp lý để cơ quan hải quan thực hiện thông quan hoặc xử lý vi phạm dẫn đến 186 tờ khai nhập khẩu cá tầm giao cho doanh nghiệp bảo quản gặp nhiều khó khăn và phát sinh các vướng mắc mới.

Giải pháp tháo gỡ

Để đảm bảo việc minh bạch, thống nhất về cơ chế quản lý, kiểm tra, kiểm soát, thực thi các quy định pháp luật; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp nuôi cá tầm trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm; bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan hải quan khi thực hiện quy định về chính sách quản lý đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ NN&PTNT và triển khai yêu cầu tăng cường kiểm soát hàng hóa nhập khẩu của Bộ NN&PTNT, giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong 2 năm qua, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:

– Đối với các lô hàng cá tầm nhập khẩu đã lấy mẫu và có kết quả giám định, phân tích nhưng kết luận không rõ ràng, giao Bộ NN&PTNT trước ngày 1/6/2023 chỉ đạo đơn vị có chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT căn cứ kết quả giám định, phân tích của các cơ quan khoa học CITES để ra kết quả cụ thể về giống loài, chủng loại cá tầm nhập khẩu đúng hay sai so với giấy phép CITES do cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp và có thuộc danh mục giống thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam hay không, để làm cơ sở cho cơ quan hải quan xử lý theo quy định. Trong trường hợp cần thiết giám định lại thì đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo đơn vị chuyên môn liên hệ cơ quan hải quan để được cung cấp mẫu trước ngày 1/6/2023.

– Đối với các lô hàng cá tầm nhập khẩu chưa được các cơ quan khoa học CITES Việt Nam tiếp nhận mẫu để giám định, giao Bộ NN&PTNT khẩn trương chỉ định một đơn vị chuyên môn tiếp nhận mẫu, thực hiện giám định và có kết luận kết quả giám định cụ thể đối với các lô cá tầm nhập khẩu nêu trên trước ngày 1/6/2023.

– Các mẫu cá tầm nhập khẩu đang được lưu tại cửa khẩu từ năm 2021 đến nay đã có hiện tượng phân hủy. Do vậy, trường hợp Bộ NN&PTNT không yêu cầu cung cấp mẫu trước ngày 1/6/2023 thì sau thời điểm trên Bộ Tài chính đề xuất mời Chi cục Thú y phối hợp để tiến hành tiêu hủy các mẫu lưu.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!