Từ ngày 27/12, các tiểu thương, đại lý bán các mặt hàng thủy sản tươi sống tại các chợ, cơ sở tại cảng cá, chợ đầu mối hay cơ sở chế biến thực phẩm thủy sản sẽ được kiểm tra an toàn thực phẩm thường xuyên.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) cho biết, thực chất của việc kiểm tra này là căn cứ trên Thông tư 61/2012/TT-BNNPTNT sẽ có hiệu lực từ ngày 27-12.
Theo ông Tiệp lý, các đoàn kiểm tra sẽ đến các chợ, cơ sở bán thủy sản tại các cảng cá, cơ sơ chế biến… để kiểm tra xem có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không.
Cá hố tại cảng cá Vĩnh Lương, Nha Trang, Khánh Hòa đang chờ các đại lý đến mua – Ảnh: NH
“Nếu phát hiện ra tiểu thương, đại lý, chủ các cơ sở này không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì cơ quan quản lý ở các địa phương, cụ thể là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) sẽ lập đoàn thanh tra để kiểm tra ngay sau đó”, ông Tiệp nói.
Theo điều 10 của Thông tư 61, thời gian lấy mẫu kiểm tra đối với những chỉ tiêu vi sinh là không quá 7 ngày và không quá 5 ngày đối với các chỉ tiêu hóa học kể từ khi nhận mẫu.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nếu sau 5 – 7 ngày mới có kết quả kiểm tra và trong trường hợp tiểu thương, chủ đại lý, cơ sở chế biến thủy sản nào đó không đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm thì cơ quan quản lý sẽ xử lý thế nào vì lúc đó số lượng thủy sản có thể đã được bán hết.
Trước vấn đề này, ông Trương Trung Thu, Trưởng phòng Thủy sản thuộc Sở NN&PTNT TPHCM cho biết, Thông tư 61 là để thay thế Thông tư 56/2009/TT-BNNPTNT nhưng để có thể phạt hay thanh tra những cơ sở vị phạm theo điều 10 nói trên sẽ khó khăn vì lô thủy sản không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã được các tiểu thương, đại lý bán hết trước đó mấy ngày.
Ông Thu dẫn chứng, trước đây, khi thực hiện Thông tư 56, Sở NN&PTNT TPHCM đã lập đoàn kiểm tra tại chợ đầu mối Bình Điền để kiểm tra lô hàng thủy sản và phát hiện một số lô hàng thủy sản không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đoàn kiểm tra lập biên bản các đại lý nhưng đại lý lại lấy lý do là mua từ người nuôi thủy sản, các ghe tàu nên không biết.
Còn đến phạt người nuôi thủy sản, theo ông Thu thì không biết tìm đâu vì họ đã bán và về lại địa phương. Cứ như vậy, đoàn kiểm tra không thể phạt đại lý, lẫn người nuôi thủy sản hay chủ các ghe tàu kinh doanh hải sản bán tại chợ Bình Điền.
>> Bộ NN&PTNT cho biết, trong năm 2012 theo báo cáo của 46/63 Sở NN&PTNT các tỉnh, thành thì đã có hơn 12.086 lượt kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, trong đó có 961 cơ sở vi phạm, chiếm 18,7%. Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu năm 2013, sẽ giảm giảm ít nhất 10% số vụ vi phạm dư lượng chất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng so với năm 2012. |