Thiệt hại của hàng trăm hộ nuôi trồng thủy sản ở TP Cam Ranh có thể lên đến tiền tỉ.
Đến cuối giờ chiều 20/4, sau hơn 30 phút chặn xe trên QL 1A đoạn trước UBND phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh (Khánh Hòa), hàng trăm người dân đã chấp thuận trả lại mặt đường cho xe cộ lưu thông và đối thoại với lãnh đạo UBND TP.
Ách tắc 30 phút
Lúc 15 giờ cùng ngày, hàng trăm hộ nuôi trồng thủy sản tại đầm thủy triều trong vịnh Cam Ranh bức xúc mang rất nhiều cá, tôm chết lên UBND phường Cam Phúc Bắc đề nghị giải quyết. Theo họ, nguyên nhân khiến cá, tôm chết hàng loạt là do hai dự án đang nạo vét luồng lạch làm ô nhiễm nguồn nước.
Ông Q., một hộ nuôi bè cá bớp ở khu vực này, cho hay: “Từ đầu năm 2015 đến nay mỗi ngày có hơn 10 chiếc xáng cạp hoạt động. Việc múc cát đã tác động đến môi trường biển, gây xáo trộn hệ sinh thái tự nhiên khiến cho thủy sản của ngư dân nuôi trồng trong vịnh Cam Ranh bị chết với số lượng lớn”.
Vị trí người dân chặn quốc lộ 1A đoạn trước UBND phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) – Đồ họa: PN
Đến 16 giờ, do không đồng ý cách giải quyết của phường, nhiều hộ dân đã đổ cá ươn thối ra đường và hô hào chặn QL 1A. Ngay lập tức tuyến đường này xảy ra ùn tắc cục bộ ở hai đầu. Công an và Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa lập tức huy động lực lượng CSGT, thanh tra giao thông tới hiện trường điều tiết lượng xe cộ đang đổ về. “Tình hình lúc đó rất nóng, lượng người hiếu kỳ đổ về khu vực chặn xe khá đông, nguy cơ kẹt xe nghiêm trọng rất dễ xảy ra” – một người dân mô tả.
Lúc này, đoàn công tác của UBND TP Cam Ranh đã kịp thời có mặt. Đứng giữa dòng người chặn QL 1A, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cam Ranh, gọi điện thoại yêu cầu các xáng cạp dừng hoạt động ngay lập tức. Ông Sơn cũng thông báo sẽ ra quyết định tạm đình chỉ hai dự án nạo vét trên. Trước sự hoan hô của người dân, ông Sơn đề nghị mọi người trả lại mặt đường và vào hội trường đối thoại. Sau hơn nửa giờ bị phong tỏa, QL 1A đã thông suốt trở lại.
Lãnh đạo giải quyết ổn thỏa
Tại buổi đối thoại, ông Sơn khẳng định sẽ dựa trên các cơ sở pháp luật để bảo vệ quyền lợi của người dân đến cùng. UBND TP Cam Ranh sẽ đưa mẫu cá, tôm chết mà bà con mang đến đi kiểm tra, giám định. Nếu có cơ sở khẳng định thiệt hại của người dân là do việc thi công nạo vét gây ra, UBND TP lập tức yêu cầu đơn vị thi công bồi thường và có phương án hỗ trợ di dời lồng bè ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng. Lãnh đạo TP cũng yêu cầu cơ quan liên quan xem xét lại đánh giá tác động môi trường của hai dự án nạo vét. Sau gần một giờ đối thoại, người dân đã vui vẻ ra về chờ hướng xử lý tiếp theo của UBND TP Cam Ranh.
Về mức thiệt hại, ông Q. cho biết cá bớp giống có giá từ 30.000 đồng/con. Hộ nuôi ít cũng thả từ 2.000 đến 3.000 con, thiệt hại của hàng trăm hộ nuôi trồng thủy sản ở đây ước đã lên đến tiền tỉ.
Được biết ngay khi cá, tôm bắt đầu chết, các hộ dân đã hai lần nhờ địa phương can thiệp. Sau đó các hộ dân tiếp tục đến UBND thành phố để bày tỏ bức xúc. Họ cũng kiến nghị được hỗ trợ di dời lồng bè ra khỏi khu vực thi công, khi di dời hoàn tất mới được tiếp tục nạo vét luồng lạch.
Lúc đó, UBND TP Cam Ranh đã yêu cầu các đơn vị tạm ngừng thi công để chính quyền lấy mẫu nước và hải sản chết đem đi giám định để xác định nguyên nhân. Qua xét nghiệm đã xác định việc cá, tôm chết không phải do ô nhiễm nguồn nước từ việc thi công nạo vét luồng lạch. Tuy nhiên, người dân vẫn không chấp nhận vì cho rằng từ trước đến nay chưa từng xảy ra hiện tượng này. Chỉ từ khi có hai dự án đưa xáng cạp vào múc đất thì cá, tôm mới chết hàng loạt.
>> Hiện nay tại đầm Thủy Triều có hai dự án đang hoạt động gồm dự án nạo vét tạo luồng cho tàu hải quân ra vào (do nhà thầu là Công ty CP Đầu tư Cái Mép thi công) và dự án nạo vét luồng lạch phục vụ dự án cải tạo môi trường sinh thái đầm Thủy Triều do Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Vị trí nạo vét chạy dài qua khu vực biển thuộc các phường Cam Nghĩa, Cam Phúc Bắc, Cam Phúc Nam. Chiều rộng đáy nạo vét của mỗi đơn vị thi công là 210 m, chiều dài 3.330 m, cách hạ lưu cầu Long Hồ 700 m kéo dài ra phía biển. |