Giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu long đang tăng với giá bán từ 42.000 – 48.000 đồng/kg (loại 30 con/kg) nhưng người nuôi vẫn không có lợi nhuận, thậm chí còn thua lỗ bởi cá tra bị mất mùa.
Ông Bùi Hữu Khương (thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) có kinh nghiệm nuôi cá tra giống gần 10 năm nay, vậy mà chỉ trong vài tháng, ông thua lỗ gần 300 triệu đồng bởi thời tiết thay đổi thất thường, 2 đợt thả cá tra giống tại 5 ao đều mất trắng. Hiện ông đành phải “treo” ao. Ông Khương cho hay: “Chưa bao giờ tôi nuôi cá tra lỗ như vậy. Trước đây, mỗi lần thả nuôi chỉ hao hụt vài chục phần trăm còn gỡ vốn lại được, chứ hao hụt 90% là không thể nào gỡ, kể như mất trắng! Nuôi cá tra giống, gia đình cũng áp dụng các biện pháp kỹ thuật từ chuẩn bị ao nuôi, nguồn nước đến thức ăn nhưng thời tiết mưa, nắng thất thường, cá còn nhỏ không thích nghi được”.
Hiện giá cá tra giống đang cao nhưng người nuôi vẫn không có lợi nhuận (Trong ảnh: Ao nuôi cá tra giống của ông Bùi Hữu Khương)
Trường hợp của ông Khương cũng là tình cảnh chung của các thành viên Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản Tân Hưng. Được biết, hiện nay, HTX có trên 40 ha nuôi cá tra giống nhưng phần lớn diện tích đều hao hụt trên 90%, còn ao đạt cũng chỉ được 30%. Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Tân Hưng – Nguyễn Thành Nhã cho biết: “HTX có đội ngũ kỹ sư đến hỗ trợ kỹ thuật. Trước đây, cá thường bệnh theo mùa, người nuôi dễ phòng, trị, còn giờ bệnh quanh năm mà không tìm ra được nguyên nhân để khắc phục, hạn chế dịch bệnh. Hiện giá cá tra giống cao nên một số thành viên HTX bắt đầu vay vốn để thả nuôi lại với hy vọng vụ mới khả quan hơn. Người nuôi giờ ai cũng phải đối mặt với may rủi và chấp nhận mạo hiểm”.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng, hiện toàn huyện có trên 430 ha nuôi cá tra giống với trên 200 hộ theo nghề, trong đó, có trên 50% diện tích bị hao hụt nặng. Nguyên nhân là thời tiết lạnh kéo dài, mầm bệnh vẫn tồn đọng trong đất, nguồn nước. Ngoài ra, một số hộ nuôi mua con giống tại các trại không bảo đảm nguồn gốc, chất lượng làm ảnh hưởng đến việc sinh trưởng của cá tra. Mặt khác, đa phần người nuôi chỉ dựa vào kinh nghiệm là chính, chưa qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật nên quá trình nuôi gặp nhiều khó khăn.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng – Lê Văn U Thanh cho biết: “Phòng chủ động tham mưu UBND huyện chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp mở các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá tra; đồng thời, áp dụng các biện pháp xử lý nước thải an toàn trước khi xả ra bên ngoài. Phòng phối hợp các tỉnh tìm trại giống cá tra chất lượng giới thiệu cho người dân; thường xuyên phối hợp tổ chức các đoàn kiểm tra, quản lý chất lượng nguồn nước và kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn”.
Cá tra giống tăng giá thì ai cũng phấn khởi, thế nhưng niềm vui ấy chỉ thật sự trọn vẹn khi người nuôi trúng mùa. Do đó, ngoài những khuyến cáo của các ngành chức năng, người nuôi cần thay đổi tập quán sản xuất, kéo giãn thời gian thả nuôi, chủ động vệ sinh ao, nguồn nước và lựa chọn con giống chất lượng./.
Kim Ngọc
Nguồn: Báo Long An
Cá tra được giá thì mất mùa, nhưng khi được mùa thì chắc sẽ mất giá, tức là rớt giá. Mọi khốn khổ, chịu thiệt đều đổ về người nuôi, mang tiếng kim ngạch xuất vài tỷ đô hàng năm, chứ thật ra đồng tiền đó là mô hôi sương máu, là bóp cổ của dân mà ra, tức là doanh nghiệp ép giá dân, cá thì ngày càng lớn, ko bán đổ bán tháo thì khi cá lớn càng ép giá. nên dân bỏ ao ko nuôi nữa, chứ nuôi là lỗ, nuôi chi. Khi dân ít nuôi thì kêu giá cao cho dân ham, chứ thật ra người dân quá thấu hiểu chiêu này lắm rồi. Ồ ạt nuôi lại coi chừng bán nhà trả nợ.