Nghị định 36 đi vào thực thi mang đến hy vọng đổi với trong ngành cá tra, cả trong nuôi trồng và xuất khẩu, dù hiện tại vẫn rất nhiều bất ổn.
Khó khăn
Hai thị trường hàng đầu nhập khẩu cá tra Việt Nam đều giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2014: Mỹ giảm 25,6%, EU giảm 11,3%. Một số thị trường nhỏ tăng nhập khẩu cá tra như Colombia, Brazil, ASEAN nhưng không ngăn được đà giảm chung. Cũng vì xuất khẩu khó khăn, giá cá tra nguyên liệu những ngày cuối tháng 6/2014 lại giảm, ở tỉnh có diện tích nuôi lớn nhất là Đồng Tháp, giá cá loại 1 (0,8 – 0,9 kg/con) chỉ còn 21.000 – 21.500 đồng/kg. Người nuôi lại lỗ nặng.
Ông Nguyễn Thanh Đủ, một người mê nuôi cá tra ở TP Châu Đốc (tỉnh An Giang) từng mỗi năm bán trên 10.000 tấn cá, nay đã phải rời bỏ cá tra vì lỗ triền miên. “Bảy năm nay tôi bị lỗ liên tục”, ông Đủ thở dài.
Tỉnh Cần Thơ có 22 doanh nghiệp với 30 nhà máy chế biến xuất khẩu, chỉ có 6 doanh nghiệp hoạt động tốt, 7 doanh nghiệp hoạt động khá, 4 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, 4 doanh nghiệp chuyển sang chế biến thủy sản khác và 1 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Tỉnh An Giang có 17 doanh nghiệp với 23 nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra, trong đó hơn nửa đang hoạt động cầm chừng vì lỗ kéo dài.
Nuôi cá tra có chất lượng, theo quy hoạch và kế hoạch đáp ứng nhu cầu thị trường là đích đến của Nghị định 36 – Ảnh: Lê Hoàng
Chuỗi sản phẩm
Ở tỉnh Đồng Tháp, 15 doanh nghiệp chế biến cá tra đã có vùng nguyên liệu chiếm hơn 66% diện tích nuôi toàn tỉnh. Trong đó, Công ty CP Vĩnh Hoàn và Công ty TNHH Hùng Cá có diện tích nuôi cá tra lớn lại gặp khó về nguồn vốn.
Công ty TNHH Hùng Cá xây dựng chuỗi khép kín từ nuôi đến chế biến xuất khẩu và được VietinBank – chi nhánh Đồng Tháp hỗ trợ vốn theo chuỗi khép kín này, bước đầu giải quyết được một số khó khăn. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Trần Văn Hùng, còn nhiều rào cản trong chính sách cho vay vốn, hạn chế khả năng kinh doanh. Một chu trình khép kín từ cung cấp thức ăn, nuôi đến chế biến xuất khẩu kéo dài 12 – 13 tháng (có khi 15 tháng) nhưng ngân hàng chỉ cho vay vốn tối đa 12 tháng.
Vấn đề lớn hơn trong chuỗi sản phẩm cá tra hiện nay, ai ở vị trí trung tâm? Quan điểm của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phải ở vị trí trung tâm. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông lại cho rằng cần đặt người nuôi cá vào vị trí trung tâm. Ông Đông phân tích: “Nuôi cá tra, người nuôi chịu rủi ro 70 – 80% trong khi họ được chia lợi nhuận có 20%. Chuỗi sản phẩm cá tra phải chia lợi ích hợp lý thì mới bền vững và theo quan điểm của tôi, phải đặt người nuôi vào vị trí trung tâm thì mới có thể bàn việc phân chia lợi ích hợp lý”.
Chất lượng
Nghị định 36 của Chính phủ đã đặt vấn đề quản lý sản xuất và kinh doanh cá tra theo chuỗi sản phẩm. Trong đó, chất lượng sản phẩm được đặc biệt coi trọng, với một loạt quy định từ nuôi đến chế biến, xuất khẩu. Trước hết, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh phải theo quy hoạch, có kế hoạch và thống nhất giao cho Hiệp hội Cá tra Việt Nam tập trung điều hành chung để đảm bảo công khai, minh bạch.
Thông tư của Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện Nghị định 36 đang trong quá trình dự thảo, hy vọng khi hoàn thiện sẽ chấn chỉnh được tình trạng “vỡ trận cá tra”. Theo Dự thảo, Tổng cục Thủy sản phải quy hoạch vùng nuôi cá tra để trình Bộ NN&PTNT phê duyệt, còn các sở NN&PTNT quy hoạch chi tiết nuôi cá tra ở địa phương để trình lãnh đạo địa phương phê duyệt. Căn cứ vào đó, các cơ sở nuôi cá tra, trước khi thả giống 20 ngày phải trình cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương hồ sơ đăng ký diện tích, sản lượng cá tra thương phẩm. Mỗi ao sẽ được cấp một mã số nhận diện.
Các nhà máy chế biến cá tra được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra chất lượng sản phẩm từ xuất xứ nguyên liệu đến sản phẩm đầu ra, cả việc ghi nhãn hàng hóa. Kiểm tra định kỳ và đột xuất, trực tiếp tại nơi chế biến, kho chứa, nơi sản phẩm được bảo quản. Chi phí kiểm tra, nếu sản phẩm đạt chất lượng do cơ quan kiểm tra chịu; sản phẩm không đạt chất lượng thì nhà máy chế biến phải chịu.
Những cơ sở nuôi cá tra vi phạm giấy đăng ký sẽ bị đình chỉ nuôi, cá tra nguyên liệu không còn bán được cho nhà máy chế biến. Những sản phẩm chế biến không đảm bảo chất lượng theo quy định sẽ bị đình chỉ xuất khẩu, buộc khắc phục trước khi đưa ra thị trường, thậm chí bị buộc tiêu hủy hoặc chuyển mục đích sử dụng. Doanh nghiệp có sản phẩm không đảm bảo chất lượng có thể bị đình chỉ xuất khẩu.
>> Báo cáo từ các Sở NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2014, ở 3 tỉnh nuôi cá tra lớn nhất ĐBSCL (Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ) đều giảm cả diện tích và sản lượng. Còn số liệu của hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm chỉ còn hơn 682 triệu USD, giảm 3,8%. |