Khủng hoảng kinh tế kéo theo nhiều hệ lụy, khiến ngành công nghiệp cá tra Việt Nam đình trệ. Nhiều ý kiến cho đây là thời điểm để ngành tái cơ cấu nhằm mục tiêu phát triển xa hơn, bền vững hơn. Nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, thời của con cá tra đã qua… Cùng “tiên lượng” về cá tra Việt Nam qua các góc nhìn.
Góc nhìn về giá
Chưa năm nào cá tra Việt Nam thê thảm như năm 2012. Chỉ có diện tích nuôi tăng, còn lại hầu như giảm. Hiện, dù đã qua hơn nửa quý I/2013, cả người nuôi và doanh nghiệp vẫn điêu đứng vì giá. Giá thu mua cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL giảm 500 – 700 đồng/kg so với đầu tháng 12/2012, ở mức 20.500 – 21.700 đồng/kg; trong khi giá thành sản xuất 23.000 – 24.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 3.000 – 3.500 đồng/kg.
Người ương cá tra giống cũng đang lỗ nặng do giá cá tra giống xuống thấp hơn giá thành sản xuất và sức tiêu thụ chậm. Tại Tiền Giang, giá cá tra giống chỉ còn 500 – 550 đồng/con, tương đương 15.000 – 16.500 đồng/kg (loại giống 30 con/kg), trong khi giá thành ương trên 20.000 đồng/con; mỗi ha người nuôi bị lỗ 70 – 80 triệu đồng.
Trong khi giá cá nguyên liệu và cá giống giảm thì giá vật tư đầu vào, nhất là thức ăn cho cá tra lại tăng phi mã. Chỉ trong một năm, giá thức ăn cho cá tra đã tăng hơn 40% và chưa thấy dấu hiệu dừng. Sự bất hợp lý này không phải bây giờ mới xảy ra và ai cũng nhận thấy; nhưng người nuôi cá “lực bất tòng tâm”, bởi nó thuộc phạm vi của các cơ quan chức năng của không chỉ riêng một bộ, ngành nào đó. Điều này đang khiến cho việc phục hồi cá tra tại ĐBSCL trong năm 2013 vẫn mờ mịt.
Góc nhìn thị trường
Hơn 142 thị trường, hơn 95% thị phần xuất khẩu của thế giới, cá tra Việt Nam gần như “một mình một chợ”, nhưng ở cái chợ ấy người bán không phải chủ giá.
Từ vị thế độc quyền, chỉ sau vài năm, mặt hàng này đã rớt giá thê thảm. Năm 1997 – 1998, giá cá tra xuất khẩu bình quân 4,93 USD/kg. Hơn 12 năm sau, giá chào bán chỉ còn 2 – 2,5 USD/kg. Thêm nữa, giá cá xuất khẩu giảm trong khi chi phí sản xuất ngày càng tăng, các rào cản thương mại cũng nhiều hơn. Giá xuất khẩu giảm đã ép xuống giá thu mua nguyên liệu. Năm 2007 – 2008, giá cá tra nguyên liệu trung bình 13.000 đồng/kg, người nuôi vẫn có lãi. Nhưng năm 2012, giá cá tra trung bình 22.000 – 24.500 đồng/kg, người nuôi lỗ nặng. Lại thêm một bất cập nữa, khi kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam năm sau cao hơn các năm trước nhưng lợi nhuận chẳng là bao. Giải quyết tình trạng này hiện nay rất khó, nhưng không phải không thể làm được.
>> Theo dự báo, xuất khẩu cá tra năm 2013 không mấy sáng sủa. Thị trường xuất khẩu chính sẽ giảm hoặc chững lại. Và nếu không có sự chuẩn bị, ngành hàng này sẽ khó hồi phục. |
Dễ nhận thấy, khó khăn của thị trường gồm nhiều nguyên nhân. Quản lý nhà nước có nhiều cơ quan, đơn vị nhưng không điều hành được thị trường; xúc tiến thương mại yếu và chồng chéo. Nhiều doanh nghiệp “thi đua” bán phá giá, chỉ nhằm bán được sản phẩm, chỉ cần có lãi rất ít. Có vẻ, bài học từ hơn 4 năm trước của cá tra Việt Nam tại thị trường Nga đã cũ!
Theo nhiều chuyên gia, năm 2013, kinh tế thế giới chưa hết khó nhưng ngành cá tra vẫn có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, sẽ có những biến động. Thị trường Mỹ có xu hướng giảm do Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) siết chặt kiểm tra hàng lương thực thực phẩm nhập khẩu vào nước này qua việc áp dụng Luật FDA sửa đổi. Tại EU, khó khăn về nợ công chưa được khắc phục nên thị trường ít có chuyển biến tích cực; đồng Euro mất giá so với USD nên giá các đơn hàng cũng sẽ giảm…
Năm 2012, Việt Nam xuất khẩu cá tra sang 142 quốc gia và vùng lãnh thổ
Nhìn xa hơn, vị trí độc tôn của cá tra Việt Nam có thể bị phá vỡ khi ngoài 4 nước hạ lưu sông MêKông nuôi cá tra là Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam, hiện đã có thêm Malaysia, Indonesia, Ấn Độ. Riêng Thái Lan đã đầu tư 20 triệu USD nghiên cứu nuôi cá tra ao, hầm. Và như vậy “đường ra biển lớn” của cá tra Việt Nam sẽ ngày càng hẹp hơn. Để duy trì vị trí dẫn đầu, cá tra Việt Nam cần phải có sự thay đổi và thị trường nội địa sẽ trở thành cứu cánh; có thể chỉ là “ao làng” nhưng rất tiềm năng và hứa hẹn, nếu được quan tâm đúng mức.
Góc nhìn về vốn
Vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp và người nuôi hiện nay đều là thiếu vốn, nhất là nông dân, gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng, vì không còn tài sản thế chấp.
Hiện, chi phí đầu tư nuôi 1 ha cá tra khoảng 7 tỷ đồng, vốn của người nuôi chiếm 30%, ngân hàng cho vay tối đa 1 tỷ đồng, nên để duy trì, người nuôi buộc phải dựa vào doanh nghiệp. Bắt tay với doanh nghiệp thì người nuôi sẽ có nhiều ràng buộc, lợi nhuận thấp mà rủi ro cao, nếu doanh nghiệp đuối sức thì người nuôi cũng lao đao. Mặt khác, khi vốn vay của ngân hàng khó với, doanh nghiệp cũng ít mặn mà, vay “nóng” với lãi suất cao cũng không xong nên người nuôi chỉ còn duy nhất biện pháp “treo ao”. Doanh nghiệp chế biến cũng không khá hơn, khi chỉ được vay vốn ngắn hạn, lãi suất cao, khiến hàng loạt nhà máy đóng cửa vì không còn vốn quay vòng. Mong mỏi lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi, giãn thời gian vay trung và dài hạn, nhưng dường như rất xa vời.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ cho biết, nhiều doanh nghiệp chỉ được vay vốn ngắn hạn, nên khi ngân hàng thu hồi vốn thì doanh nghiệp gặp khó, phải nợ lại người nuôi. Người nuôi bị giam vốn cộng với áp lực lãi suất tín dụng nên phải bán tháo cá, dẫn đến lỗ nặng.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, tổng dư nợ các ngân hàng thương mại đã cho vay trong lĩnh vực nuôi và chế biến cá tra năm 2012 là hơn 22.777 tỷ đồng, tăng 24,9%; trong đó nuôi cá hơn 7.790 tỷ đồng và chế biến 14.986 tỷ đồng. Thực trạng này khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về “điểm đến” của nguồn vốn tín dụng, có sự đầu tư không cân xứng trong quá trình giải ngân hay còn lý do “tế nhị” nào khác?
Theo dự báo, xuất khẩu cá tra năm 2013 sẽ không mấy sáng sủa – Ảnh: Phương Chăm
Góc nhìn về quy hoạch
Mọi bất cập đã và đang có của ngành cá tra đều bắt nguồn từ phát triển quá “nóng”, nguyên nhân sâu xa ở chỗ chính sách và quy hoạch ngành cá tra luôn không theo kịp tốc độ phát triển.
Quy hoạch bị bỏ ngỏ nên hậu quả tất yếu là luẩn quẩn thiếu – thừa. Trong thời gian dài, cá tra Việt Nam “phi” với tốc độ chóng mặt, phá vỡ quy hoạch từ vùng đến các địa phương. Nông dân tự đào ao thả nuôi, doanh nghiệp chế biến mọc lên như nấm sau mưa khiến việc sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu cá tra rơi vào khủng hoảng, nuôi cá tra luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá cá tăng, nông dân ào ạt thả nuôi, tình trạng dư thừa nguyên liệu đã gây áp lực cho thị trường và các doanh nghiệp chế biến. Cá không bán được, người nuôi không có vốn tái đầu tư, ao “treo”; doanh nghiệp chế biến lại khốn đốn vì thiếu nguyên liệu. Đến nay, tổng diện tích nuôi cá tra tại ĐBSCL 6.000 ha, tăng 5 lần trong hơn 10 năm qua, sản lượng 1,2 triệu tấn/năm, với 136 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Không những bất ổn cung – cầu, việc phát triển nhà máy chế biến cũng như vùng nguyên liệu tự phát còn gây lãng phí, giảm hiệu quả sản xuất. Và hậu quả lại đổ lên đầu nông dân.
Nhiều chuyên gia đề nghị phải sớm có quy hoạch chi tiết vùng nuôi cá tra theo mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo tiểu vùng. Một số địa phương ở ĐBSCL đang manh nha quy hoạch vùng sản xuất chế biến cá tra xuất khẩu theo chuỗi giá trị. Khuyến khích phát triển mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích kinh tế trong chuỗi giá trị ngành hàng cá tra.
Điều quan trọng trong quy hoạch cá tra đòi hỏi vai trò nhạc trưởng của Nhà nước, đặc biệt trong việc tổ chức lại sản xuất, đảm bảo sự gắn kết và hài hòa lợi ích giữa các khâu.
Góc nhìn nhà quản lý Ông Dương Nghĩa Quốc – Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp Năm 2012, người nuôi và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra bị thua lỗ. Nguyên nhân chính là do chiến lược quản lý vĩ mô về cá tra khu vực ĐBSCL chưa chặt chẽ. Cách đây 4 – 5 năm, giá cá tra xuất khẩu trung bình đạt 3,5 – 3,8 USD/kg cá fillet, trong khi đó năm 2012, giá nguyên liệu, thức ăn, các yếu tố đầu vào đều tăng thì giá xuất khẩu chỉ đạt 2 – 2,4 USD/kg. Theo quy hoạch chung, các tỉnh ĐBSCL nên thả nuôi với diện tích 6.000 ha, sản lượng 800.000 tấn, tránh tình trạng sản xuất dư thừa, đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp và người nuôi. Để năm 2013 không lặp lại kịch bản 2012, Chính phủ cần xử lý mạnh, quản lý quy hoạch chặt chẽ từ chất lượng sản phẩm đến quản lý giá, quản lý quy hoạch chung.
Góc nhìn chuyên gia Ông Ngô Tiến Chương – Điều phối Nuôi trồng thủy sản WWF – Việt Nam Năm 2013, tình hình tài chính chưa cải thiện, sức mua khó thay đổi nhiều. Bên cạnh đó, người tiêu dùng đòi hỏi sử dụng các sản phẩm có gắn nhãn, nên yêu cầu chất lượng sản phẩm cá tra phải tăng lên. Diện tích tổng thể nuôi cá tra chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhiều hộ nuôi nhỏ vẫn nuôi thả tự phát, một số hộ phải treo ao do bị lỗ (huyện Châu Thành, tỉnh Long An số hộ treo ao chiếm đến 50%). Vì vậy, Tổng cục Thủy sản cần hệ thống lại diện tích nuôi theo tỷ lệ đang sử dụng với số lượng sản xuất, trong đó có hệ thống báo cáo tốt từ cơ sở đến Trung ương, thống kê theo vụ nuôi. Đối với sản phẩm xuất khẩu, nên tạo ra chuỗi liên kết đồng bộ, từ người nuôi tới người tiêu dùng, có thể gom nhiều hộ nuôi nhỏ thành nhóm nuôi lớn, tất cả đều theo một quy trình khép kín, đồng thời doanh nghiệp lớn sản xuất theo tiêu chuẩn ASC theo một diện tích tổng thể được quy hoạch thì sẽ tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị, đem lại hiệu quả cho người nuôi.
Góc nhìn doanh nghiệp Ông Lâm Ngọc Hải – Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Sài Gòn – Mekong Doanh số của Công ty chúng tôi năm 2012 vẫn bằng năm 2011 nhưng lợi nhuận giảm đáng kể. Sản phẩm của Công ty chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ và trong năm 2013 chúng tôi vẫn chủ động giữ vững thị trường này, tuy nhiên, với xu hướng vẫn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như hiện nay, Công ty chủ trương bổ sung các hoạt động sản xuất khác để huy động vốn và gia tăng nguồn thu bởi thực tế gói cước ưu đãi của Chính phủ dành cho cá tra vẫn đang “ngủ”, chúng tôi không hề được tiếp cận với gói ưu đãi này.
Góc nhìn người nuôi Ông Lương Ngọc Hải – Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra Cần Thơ Những năm 2008 – 2009, HTX nuôi cá tra Cần Thơ có khoảng gần 30 ha diện tích nuôi cá tra, đến nay, chỉ còn lại 5 ha. Số hộ nuôi bỏ ao cũng rất nhiều, do người nuôi bị lỗ nặng. Giá cá tra đang dao động liên tục, đầu tháng 1/2013 là 21.000 đồng/kg, cuối tháng 1/2013 tuy đã tăng lên 22.000 đồng/kg nhưng vẫn lỗ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Do nghề nuôi cá tra cần nhiều vốn vay ngân hàng nên người nuôi mong Chính phủ sớm đưa gói lãi suất cho vay của ngân hàng là 9 – 10% để chúng tôi có thể vay được và duy trì nghề nuôi. Dương Thảo (Ghi)
|