(TSVN) – Cuộc thi Drone Photo Awards dành cho ảnh chụp từ các thiết bị và phương tiện trên cao, thuộc khuôn khổ giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế Siena Photo Awards ra đời từ năm 2015, đã hấp dẫn các tay máy chuyên nghiệp và không chuyên trên khắp thế giới. Trong đó, nhiều tác phẩm của Việt Nam được lọt vào Top các hạng mục của cuộc thi.
Năm 2021, ban tổ chức nhận được khoảng 14.000 bức ảnh từ hơn 100 quốc gia, dự thi các hạng mục: thiên nhiên, đô thị, con người, đời sống hoang dã, thể thao, trừu tượng, ảnh bộ… Đáng chú ý, mặc dù tên gọi là Drone Photo Awards nhưng không phải tất cả các bức ảnh đều được thực hiện bởi thiết bị bay điều khiển từ xa (drone). Nhiều ảnh dự thi được chụp từ máy bay thương mại, trực thăng, bóng bay, dù, khí cầu, diều và thậm chí cả tên lửa. Điều này đã mang đến sự đa dạng, độc đáo và chất lượng tổng thể cho các bức ảnh.
Trong hạng mục Con người của cuộc thi Drone Photo Awards năm nay, tác phẩm “Đánh cá ở rừng ngập mặn” của nhiếp ảnh gia Phạm Huy Trung (TP Hồ Chí Minh) đã đạt giải quán quân. Bức ảnh có nội dung gây ấn tượng với một ngư dân bắt đầu ngày đánh bắt của mình trong rừng ngập mặn ở phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Rừng ngập mặn rụng hết lá và chuyển sang màu trắng trong suốt mùa đông.
Tác phẩm “Đánh cá ở rừng ngập mặn” của nhiếp ảnh gia Phạm Huy Trung. Ảnh: Droneawards
Cũng tại hạng mục Con người, tác phẩm “Cầu nguyện cho linh hồn” của tác giả Bùi Phú Khánh đạt giải đề cử trong cuộc thi năm nay. Bức ảnh được chụp vào Rằm tháng Bảy, đây là một phần của văn hóa Việt Nam, những người phụ nữ khoác lên mình bộ áo dài truyền thống để tham gia lễ hội thả đèn màu và thả hoa đăng trên sông để cầu mong hạnh phúc và may mắn cho gia đình. Cầu mong linh hồn của những người thân đã khuất được yên nghỉ.
Tác phẩm “Cầu siêu” của tác giả Bùi Phú Khánh. Ảnh: Droneawards
Bên cạnh đó, tác phẩm “Phật tử” của nhiếp ảnh gia Khánh Phan, bức ảnh chụp hàng ngàn phật tử đang cầu nguyện nhân dịp năm mới tại chùa Hoằng Pháp, huyện Hóc Môn, cũng nằm trong những bức ảnh đạt giải đề cử trong cuộc thi. Họ đã thắp nến và cầu nguyện trong đêm.
Tác phẩm “Phật tử” của nhiếp ảnh gia Khánh Phan. Ảnh: Droneawards
Ngoài ra, còn 5 tác phẩm của Việt Nam được tuyên dương tại cuộc thi ảnh quốc tế năm nay đều nằm trong hạng mục Con người.
Tác phẩm “Phơi cá” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Tấn Tuấn. Ảnh: Droneawards
Tác phẩm “Phơi cá” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Tấn Tuấn, bức ảnh ghi lại những người phụ nữ phơi cá ngoài sân ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Bức ảnh được cuộc thi mô tả với nội dung “Cá khô để được lâu dùng làm thực phẩm mà không cần tủ đông. Sấy khô là cách lưu trữ thực phẩm lâu đời nhất của loài người. Cá khô có thể để được trong nhiều năm mà không bị hư hỏng. Cách làm khô khá thô sơ nhưng hiệu quả, thường được ngư dân sử dụng để kịp đánh bắt nếu không tiêu thụ kịp”. Điều này giúp quảng bá cá khô của Việt Nam tới nhiều bạn bè quốc tế.
Tác phẩm “Thăm lưới ở Biển Hồ” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Tấn Tuấn. Ảnh: Droneawards
Cũng là tác phẩm của nhiếp ảnh gia Nguyễn Tấn Tuấn, bức ảnh “Thăm lưới ở Biển Hồ” là tác phẩm được tuyên dương tại cuộc thi. Bức ảnh được giới thiệu với bạn bè quốc tế với nội dung “Ngư dân thăm chài lưới ở hồ Biển dưới ánh nắng hoàng hôn. Biển hồ là một hồ trên cùng được tạo ra từ miệng núi lửa. Biển hồ còn là vựa cá lớn của Tây Nguyên, gồm đủ các loại cá nước ngọt như cá trắm, cá trôi, cá chọi, nẹp, rô phi”.
Tác phẩm “Gặt cỏ” của nhiếp ảnh gia Khánh Phan. Ảnh: Droneawards
Những người phụ nữ đang thu hoạch cỏ, một loại cỏ mọc tự nhiên ở vùng đồng bằng Việt Nam, một số vùng trũng ở Trung bộ và Nam bộ. Cỏ có thể được dùng làm thức ăn gia súc, phân bón hoặc vật liệu giữ ẩm cho cây. Dưới nắng gió, đồng cỏ như sóng vỗ rì rào bên những chiếc nón lá của các chị. Một sự giao hòa tuyệt vời giữa con người và thiên nhiên được thể hiện vào trong tác phẩm “Gặt cỏ” của nhiếp ảnh gia Khánh Phan.
Tác phẩm “Khai thác” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Phước Hoài. Ảnh: Droneawards
Bức ảnh một ngư dân ở Bình Định đang đánh bắt vào mùa rong mơ. Đây là một loại rong biển sinh trưởng tự nhiên ở vùng biển Nhơn Hải. Chúng thường sống bám vào các rạn san hô, các tảng đá dưới biển, khi rong biển phát triển lâu ngày sẽ trồi lên khỏi mặt nước tạo thành một bãi rong biển rộng lớn. Đây là tác phẩm có tên “Khai thác” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Phước Hoài.
Tác phẩm “Hoa biển” của nhiếp ảnh gia Vũ Ngọc Tuấn. Ảnh: Droneawards
`Từ tháng 5 đến tháng 6 hàng năm, ngư dân Phú Yên, nhất là khu vực Hòn Yến và làng chài An Hải lại tất bật giăng lưới trên ngư trường lớn để đánh bắt cá cơm ngày đêm. Tác phẩm “Hoa biển” của nhiếp ảnh gia Vũ Ngọc Tuấn đã ghi lại hình ảnh đẹp mắt về khai thác thủy sản của Việt Nam.